"Sống lại" các công viên
Sau nhiều năm mong ngóng, hồi đầu tháng 2 vừa qua, anh Nguyễn Mạnh Thắng (34 tuổi, ở P.Dương Nội, Q.Hà Đông, Hà Nội) cùng vợ và 2 con nhỏ đã có thể đặt chân vào bên trong công viên Thiên văn học (P.Dương Nội) những chiều cuối tuần.
Lý do khiến anh Thắng lựa chọn công viên Thiên văn học để vui chơi, giải trí là vì nơi này có không gian thoáng đãng, cùng nhiều hạng mục phù hợp với lứa tuổi của các con, lại cách nhà chỉ chừng cây số.
Công viên Thiên văn học có tổng mức đầu tư khoảng 260 tỉ đồng, được hoàn thiện vào quý 1/2020, với 19 công trình vui chơi, giải trí, nhưng chưa một lần được mở cửa hoạt động vì chủ đầu tư xây sai quy hoạch chi tiết 1/500. Sau nhiều năm bỏ hoang, các thảm cỏ cùng nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp.
Hồi cuối năm 2023, trước báo cáo, đề xuất của chủ đầu tư cùng các sở, ngành…, UBND TP.Hà Nội đã cho phép công viên này được tạm đưa vào hoạt động theo nguyện vọng của cử tri, phục vụ nhân dân trong dịp tết Nguyên đán.
Trước khi tạm mở cửa hoạt động công viên, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư tăng cường gia cố, khắc phục một số công trình, hạng mục có kết cấu chịu lực nguy cơ mất an toàn; xử lý đối với công trình, hạng mục khi có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư có kế hoạch khắc phục hệ thống hạ tầng (cây xanh, thảm cỏ, đèn chiếu sáng…) phục vụ công tác tiếp nhận, bàn giao tạm đưa vào sử dụng và bàn giao chính thức.
Khi biết tin công viên Thiên văn học được tạm thời đưa vào sử dụng, cứ mỗi chiều hoặc những ngày cuối tuần thời tiết mát mẻ, hàng nghìn người đã tới đây tham quan, tập thể dục, vui chơi… Sự tấp nập, rộn ràng khiến công viên như "sống lại".
Cũng tại Q.Hà Đông, Dự án Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông với diện tích hơn 98 ha sau hơn 15 năm "trùm mền" đã có những tín hiệu tích cực. Theo đó, cuối năm ngoái, cơ quan chức năng đã công bố quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu vực này. Hiện Q.Hà Đông đang lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án để báo cáo HĐND quận thông qua trong kỳ họp sớm nhất nhằm tạo lập không gian sinh hoạt, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho người dân…
Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP.Hà Nội diễn ra vào giữa tháng 10.2022, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, trong năm 2023, thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên. Người dân thành phố sẽ được hưởng lợi một cách công bằng và tự do về nguyên tắc tiếp cận các công viên trên địa bàn.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, Hà Nội sẽ mở ra một số mô hình mới về đầu tư công viên, cây xanh. "Dù mô hình đầu tư như thế nào thì người dân vẫn được hưởng lợi. Không có chuyện dựng hàng rào, bán vé thu phí vào công viên", ông Thanh nêu quan điểm.
Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã ban hành kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, xác định cải tạo, nâng cấp 45 công viên hiện có trên địa bàn 10 quận.
Gần 900 tỉ đồng cải tạo 3 công viên
Để làm "sống lại" các công viên, tháng 10.2023, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua dự án cải tạo, nâng cấp công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, với tổng mức đầu tư là hơn 886 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn từ năm 2024 - 2026.
Trong số này, Hà Nội dành hơn 408 tỉ đồng để cải tạo công viên Thống Nhất; gần 330 tỉ đồng cải tạo công viên Thủ Lệ và gần 149 tỉ đồng cải tạo công viên Bách Thảo.
Đặc biệt, để phát huy tối đa hiệu quả của công viên Thống Nhất, Hà Nội dự kiến phá bỏ toàn bộ hàng rào bao quanh để vận hành theo hình thức công viên mở. Sau khi toàn bộ rào được phá bỏ, thành phố sẽ lắp hệ thống camera an ninh, đèn chiếu sáng, đồng thời tăng cường các biện pháp để đảm bảo an ninh, trật tự. Ngoài ra, tại công viên này còn được đầu tư thêm một số hạng mục như chòi nghỉ chân.
Với công viên Thủ Lệ và Bách Thảo, theo kế hoạch, chính quyền Hà Nội sẽ tập trung cải tạo, sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp. Do đây là 2 công viên có tính đặc thù nên Hà Nội đang cân nhắc các phương án xây dựng "công viên mở", vừa đảm bảo an toàn, vừa hài hòa với cảnh quan khu vực.
Bên cạnh việc ban hành kế hoạch cải tạo 3 công viên nêu trên, trong năm 2023, Hà Nội cũng nỗ lực tìm phương án "hồi sinh" công viên Tuổi Trẻ Thủ Đô (Q.Hai Bà Trưng). Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Q.Hai Bà Trưng đã vận động, thuyết phục chủ đầu tư tự giác chấp hành tháo dỡ hàng loạt hạng mục, công trình vi phạm trong công viên này.
PGS-TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.Hà Nội, nhìn nhận trong năm qua, việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công viên trên địa bàn thành phố đã có những tín hiệu chuyển biến. Một số công viên trên địa bàn bắt đầu "sống lại".
"Điều này thể hiện quyết tâm của thành phố rằng, dù còn rất nhiều khó khăn về tiềm lực kinh tế, kinh phí đầu tư… nhưng một khi đã quyết thì khó mấy cũng vẫn sẽ thực hiện", bà An bày tỏ.
Theo PGS-TS Bùi Thị An, để kế hoạch làm "sống lại" các công viên đạt kết quả tốt hơn nữa thì các cấp quản lý cần chung tay thực hiện sát sao chỉ đạo của thành phố.
"Giai đoạn vừa rồi, tôi thấy có địa phương đã vào cuộc nhưng vẫn có nơi chưa quyết liệt. Do đó, tôi đề nghị trong thời gian tới, thành phố phải phân rõ hơn trách nhiệm cho các cơ quan; đồng thời chỉ rõ cá nhân, tổ chức nào chưa làm tốt, công bố công khai…, từ đó giúp Hà Nội đạt được mục tiêu đề ra", bà An nói.
Bình luận (0)