Cụ thể, tại báo cáo tổng kết 3 năm thí điểm phố đi bộ mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội đã đề xuất Thành ủy kết thúc thí điểm và chính thức cho triển khai không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Theo đó, dự kiến UBND quận Hoàn Kiếm sẽ được giao xây dựng đề án mở rộng không gian đi bộ phía nam khu phố cổ kết nối phía bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm để giảm áp lực đông người, kết hợp 2 khu vực không gian đi bộ thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng, gồm phố Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ (đoạn từ Đinh Liệt đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Bè, Đào Duy Từ (đoạn từ Hàng Buồm đến Hàng Chiếu), Ô Quan Chưởng, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên.
Xây dựng đề án thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận 1 tháng liên tục làm cơ sở để UBND thành phố đánh giá, xây dựng đề án giảm phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm thành phố.
Đánh giá 3 năm thí điểm phố đi bộ, Hà Nội cho là đã thành công cả về mặt kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự...
Cụ thể, không gian đi bộ này đã tạo dựng được một điểm đến của Thủ đô, tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước.
3 năm qua, khu vực này đã diễn ra 357 sự kiện văn hóa quy mô lớn, thu hút sự tham gia của 10 tỉnh, thành trong nước và 24 quốc gia, tiêu biểu như: không gian văn hóa dân tộc Mông - Hà Giang tại Hà Nội, Quảng Bình trong lòng Hà Nội, đờn ca tài tử Bến Tre, hòa nhạc của dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới London Symphony Orchestra...
Hà Nội cũng cho rằng việc hình thành không gian đi bộ đã góp phần hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô; phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô; kích cầu phát triển thương mại, du lịch...
Lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia rất đông, trung bình ban ngày có khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 - 2 vạn người.
Lượng khách du lịch quốc tế lưu trú đến quận Hoàn Kiếm tăng nhanh: năm 2016 kà hơn 1,36 triệu lượt người thì đến 2018 đã là hơn 2,18 triệu lượt người và ước 9 tháng đầu năm nay là gần 1,24 triệu lượt người.
Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang phục vụ dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở. Tính đến nay, trên địa bàn quận có 176 công ty lữ hành, 585 khách sạn và cơ sở lưu trú với 12.404 phòng.
Thu ngân sách của Hoàn Kiếm cũng năm sau cao hơn năm trước: năm 2016 đạt 5.387 tỉ đồng thì đến năm 2019 ước đạt 9.749 tỉ đồng. Tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, không xảy ra các hoạt động khủng bố, phá hoại, biểu tình...
Tuy vậy, Hà Nội cũng thừa nhận vẫn còn một số hạn chế ở khu vực này, như quá tải chỗ gửi xe quanh khu vực đi bộ, một số hộ dân tận dụng vỉa hè trước ngõ hoặc trước cửa nhà tự ý trông xe trái phép thu giá cao.
Một số nút giao thông vào giờ cao điểm vẫn còn ùn ứ, hiện tượng người đi tập thể dục bằng xe đạp trong tuyến phố đi bộ vào sáng sớm còn diễn ra. Một số đơn vị tổ chức sự kiện lắp đặt sân khấu sớm so với thời gian được cấp phép dẫn đến ùn tắc giao thông tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tình trạng bán hàng rong, dắt chó không rọ mõm, trượt patanh, đi xe điện cân bằng, ô tô điện ở các khu vực chưa được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, tình trạng vứt rác tùy tiện tại các cửa hàng kinh doanh trên vỉa hè, thiếu nhà vệ sinh công cộng cũng là một điểm trừ của phố đi bộ.
Bình luận (0)