Hơn 20 năm sống trong khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa, bà Võ Thị Thu (68 tuổi cho biết sau khi người chồng mất từ năm 2009, một mình bà phải lo toan cuộc sống. Khi đó, bà Đào Thị Lượm (dì của bà Thu) đã quyết định chuyển qua đây cùng sinh sống. Trải qua hơn 10 năm, hai dì cháu nương tựa, tối lửa tắt đèn có nhau.
Trước đó, cả hai dì cháu đều nhận chăm coi mồ mả, bán bông, nhang để kiếm sống. Tuy nhiên khi sức khỏe giảm sút, buộc phải nghỉ làm công việc này.
Mong ước của hai dì cháu ở Bình Hưng Hòa những ngày giáp tết
Sống một mình trong căn nhà chắp vá, bà Thu luôn cảm thấy mình may mắn khi được nhiều người giúp đỡ: khi thì chút gạo, lúc là ít mắm muối. Với bà, tình thương mà mọi người dành tặng đều đáng trân quý.
Sau khi nghe qua thông tin toàn bộ diện tích nghĩa trang Bình Hưng sẽ giải tỏa và di dời, cũng như những người dân sinh sống tại đây, hai dì cháu vẫn không giấu được nỗi lo về nơi ở và cuộc sống sau này.
Trao đổi cùng phóng viên Báo Thanh Niên, ông Trần Văn Cường, tổ trưởng khu phố 5 và ông Dương Thành Đô, tổ trưởng tổ 85, khu phố 5 (ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) cho biết hai dì cháu bà Thu nương tựa nhau sống đã nhiều năm qua, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Địa phương thường xuyên trao tặng quà, hỗ trợ thực phẩm thiết yếu để đảm bảo cuộc sống.
Việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa có chủ trương từ năm 2010, chia thành 3 giai đoạn, phần diện tích đất thu hồi hơn 40 ha với khoảng 54.000 mộ bị ảnh hưởng. Trước đó, vào năm 2014, quận Bình Tân bắt đầu công tác di dời giai đoạn 1, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 1.800 mộ chưa di dời được. Tương tự, giai đoạn 2 bắt đầu di dời mộ từ năm 2019 nhưng mới được 50%, còn 5.000 mộ; giai đoạn 3 đã xin chủ trương của thành phố.
Trong tương lai, sau khi di dời các phần mộ, khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa dự kiến sẽ hình thành công viên cây xanh, quảng trường và trường học nhằm phục vụ nhu cầu người dân tại khu vực và của thành phố.
Bình luận (0)