Hai lần thoát 'án tử' của chàng trai 31 tuổi

Thúy Hằng
Thúy Hằng
30/06/2020 13:05 GMT+7

Bị thận ứ nước mạn tính tưởng chết từ năm 9 tuổi nhưng được một bác sĩ hồi sinh, năm 27 tuổi Tâm bị ung thư vòm hầu phì hạch cổ giai đoạn 4B. Sự lạc quan, kiên cường đã giúp anh thoát cả hai ‘án tử’.

Ngồi trước mặt tôi là Võ Phạm Minh Tâm, 31 tuổi, dáng người mảnh, nước da hơi sạm nhưng tiếng nói sang sảng và nụ cười hồn hậu. Anh hào hứng kể những năm tháng làm ông chủ quán nhậu ở quận Tân Phú, TP.HCM cho tới khi chuyển về quê nhà sống ở Tiền Giang với cha mẹ. Gặp lần đầu, ít ai nghĩ Tâm đã hai lần thoát “án tử”. Đi qua những ranh giới sống và chết, tồn tại hay vĩnh viễn biến mất, Tâm càng trân trọng những ngày tháng để lại một chút gì dấu ấn của chính mình.

Dẹp quán, bán nhà để chữa bệnh, đi du lịch

“Đó là năm 2016. Tôi thấy mình hay bị ho, sốt cao, khó thở, viên amidan thường xuyên, sưng to ở dưới mang tai, tôi đi khám và được thông tin, mình đã bị ung thư vòm hầu phì hạch cổ giai đoạn 4B. Tôi có suy sụp không, có chứ. Tôi đang là ông chủ một quán nhậu ở Q.Tân Phú và kinh doanh lĩnh vực xây dựng. Tôi có nhà cửa, việc kinh doanh đang tốt. Tôi nghỉ hết công việc, dành 1 tháng xuống Vũng Tàu để tĩnh tâm suy nghĩ về những gì cần làm. Sự buồn chán, tiêu cực phải tới lúc qua đi. Tôi quyết định dẹp hết sự nghiệp, để tìm sự sống trước. Tôi điều trị ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, qua Thái Lan, trở về Bệnh viện Ung bướu TP.HCM”, anh Tâm nhớ lại.

Tâm, hồi tháng 2.2019

Ảnh NVCC

Tâm, hồi tháng 6.2020, anh đã sụt 22 kg trong 4 năm điều trị ung thư, nhưng tinh thần không nao núng

Ảnh Thúy Hằng

Chiến đấu với ung thư, anh Tâm trải qua 2 lần phẫu thuật, nhiều lần hóa trị và xạ trị. Để có tổng số tiền điều trị trong 4 năm mất hơn 2 tỉ đồng, anh Tâm bán căn nhà ở Q.Tân Phú, chuyển về quê ở phường 4, huyện Cai Lậy, Tiền Giang sống cùng cha mẹ, những khi điều trị lại đi lên TP.HCM.
“Tôi chọn lối sống buông bỏ, vô tư, không suy nghĩ. Để tìm niềm vui cho chính mình, tôi đi du lịch ở khắp nơi. Tiền bán nhà, tiết kiệm những năm tháng qua một phần để chi phí chữa bệnh, một phần để tôi đi đó đây ở các tỉnh thành ở Việt Nam để tìm tiếng cười, sự thanh thản đầu óc. Nhưng là du lịch lành mạnh nha, tôi không uống rượu bia, không hút thuốc lá, không có bồ”, anh Tâm cười.

Phát hiện ra bệnh lúc giai đoạn 4B, ít người tin Tâm có thể sống khỏe mạnh, lạc quan tới ngày hôm nay

Ảnh NVCC

Người ung thư đang hóa trị, xạ trị thường xuống cân nhanh, hay nôn ói, cơ thể mệt mỏi không muốn ăn uống, theo anh Tâm, cần chính mình phải động viên mình, cố gắng ăn được để có sức và hãy ăn những gì mình thấy ngon miệng. Sụt 22 kg, từ 76 kg xuống còn 54 kg nhưng thể lực của Tâm vẫn tốt. “Nhiều khi tôi ráng sức đi vòng vòng khắp nơi, chỉ để ăn được một chén cơm”, anh kể.
Nhưng, có lẽ nào chỉ với ngần đó “bí quyết”, đã giúp anh chiến thắng ung thư giai đoạn 4B? Tôi hỏi lại. Tâm cười, và vén áo, khoe phần bụng chằng chịt những vết sẹo. Tất thảy là 15 lần phẫu thuật vì bệnh thận ứ nước mạn tính. Năm 9 tuổi, Tâm đã 9 phần chết, 1 phần sống khi các bác sĩ ở TP.HCM không ai dám phẫu thuật. Cha mẹ anh gào khóc. Văng vẳng trong đầu Tâm lúc đó là câu nói “mình sắp chết rồi”. Cho đến khi Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ (PGS.TS.BS) Vũ Lê Chuyên, chuyên khoa ngoại tiết niệu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân gật đầu, đồng ý thực hiện ca phẫu thuật.

Bác sĩ Vũ Lê Chuyên, người cứu chàng trai thoát khỏi "án tử" năm 9 tuổi, và đồng hành với anh, tới nay đã 22 năm

Ảnh Thúy Hằng

Cho đến nay, Tâm đã được bác sĩ Vũ Lê Chuyên điều trị suốt 22 năm. Chàng trai 31 tuổi tâm sự: “Thoát 'án tử' một lần thì chẳng điều gì khiến tôi sợ hãi nữa. Tôi cứ bình tĩnh sống, điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ, buông bỏ sân si và chẳng bao giờ ngừng lạc quan để ăn uống được, tập luyện thể thao”.

Thầy giáo khiêu vũ dễ thương của người bị ung thư

Tại công viên Lê Thị Riêng, Q.10, TP.HCM vào 3 buổi sáng mỗi tuần, Võ Phạm Minh Tâm là thầy giáo dạy khiêu vũ thể thao (dance sport) cho các bệnh nhân cũng đang chiến đấu với ung thư như mình. Mỗi giờ học chỉ kéo dài trong 1 tiếng đồng hồ hoặc ít hơn, tùy thuộc vào sức khỏe của người bệnh.
“Khiêu vũ thể thao có nhiều cái lợi lắm nhé, thứ nhất là về vật lý, bước chân di chuyển, cơ thể vận động, tốt cho người bệnh. Thứ hai là tâm lý, thấy thư giãn, thoải mái, vui vẻ, điều này sẽ giúp bạn thêm sức đề kháng, ăn ngon miệng, giúp đẩy lùi bệnh tật”, anh Tâm, người đam mê và có năng khiếu với khiêu vũ thể thao chia sẻ.

Anh Tâm dạy khiêu vũ tại công viên Lê Thị Riêng

Hiện tại, Tâm còn là người tổ chức sự kiện về khiêu vũ

Ảnh NVCC

Không chỉ dạy về khiêu vũ, vốn tính hài hước, chàng trai hai lần “thoát án tử”  kể chuyện vui cho mọi người, chỉ cho mọi người động tác tập thể dục tại nhà, mách mọi người những món ăn ngon miệng. Cô N.T.V, học viên mới đây của anh Tâm kể: “Lúc mới biết mình bị ung thư, tôi rất suy sụp. Nhờ thông tin trên một diễn đàn, tôi biết tới anh Tâm và lớp học khiêu vũ, nghe Tâm nói chuyện, nhìn cách anh sống và kiên trì chiến đấu với bệnh tật, chúng tôi thấy mình không thể bỏ cuộc dễ dàng”.
Mới đây, Tâm đi khám lại, bác sĩ nói đã không thấy tế bào ung thư mới, hẹn anh 6 tháng sau mới cần nhập viện tái khám. Tâm khoe tin vui với những người bạn của mình. Hiện tại, ngoài đi dạy khiêu vũ thể thao, Tâm còn làm bên tổ chức các sự kiện về khiêu vũ. Đúng như Tâm nói, không có niềm tin, con người chẳng còn điều gì. Và khi số phận đã thử thách mình tới tận bờ vực của cái chết, sao không thẳng thừng “chơi” với nó một ván cuối cùng bằng sự lạc quan?

Anh Tâm và tác giả bài viết

Ảnh Thúy Hằng

'Tôi ngạc nhiên kinh khủng về Tâm'            

Chị Thanh Đan, huấn luyện viên (trainer) golf tại Long Thành, Đồng Nai nói với phóng viên Báo Thanh Niên: “Tôi ngạc nhiên kinh khủng, Tâm lấy đâu nhiều năng lượng tích cực như thế. Tôi biết và dần quen thân với Tâm được 2 năm nay, biết hết tình trạng bệnh của Tâm.
Ai cũng sợ ung thư, bạn biết rồi đấy, nhưng nhìn kết luận của bác sĩ ghi Tâm bị ung thư giai đoạn 4, rồi cách bạn chiến đấu với nó trong suốt 4 năm qua với đầy tin yêu cuộc sống, tôi vô cùng ngưỡng mộ. Tôi là người có sức khỏe không tốt, nhưng sau mỗi lần nghe Tâm livestream kể chuyện vui, tập thể thao, đọc sách, ăn uống khoa học… tôi đã được truyền rất nhiều cảm hứng sống lạc quan từ bạn”, chị Thanh Đan bộc bạch.

'Có mấy ai làm được như anh đó không?'

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, chuyên khoa ngoại tiết niệu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết nếu như bác sĩ nhi khoa thông thường, họ sẽ theo dõi bệnh nhân tối đa tới năm 16 tuổi thì với đặc thù công việc, là người thực hiện các ca phẫu thuật cho cả các bệnh nhi và người lớn, ông có thể theo dõi nhiều người bệnh trong cả cuộc đời.

Chàng trai giơ ngón tay chiến thắng bên cạnh bác sĩ Vũ Lê Chuyên

Ảnh NVCC

“Tôi phẫu thuật cho nhiều em bé sơ sinh và theo dõi, tiếp tục điều trị cho đến bây giờ đã vài chục năm. Anh Võ Phạm Minh Tâm, tôi phẫu thuật năm anh ấy 9 tuổi, bây giờ mới có 22 năm chưa là gì”, PGS.TS Vũ Lê Chuyên nói với phóng viên Báo Thanh Niên. Ông cho biết thêm, tình trạng bệnh lúc đó của anh Tâm rất nặng. Hiện tại, tình trạng của anh đã ổn định.
PGS.TS Vũ Lê Chuyên nhìn bức ảnh anh Tâm, người 2 lần thoát "án tử" chụp cùng ông trong một lần tái khám tại Bệnh viện Bình Dân rồi cười: “Bạn thấy đấy, nếu một người không lạc quan thì làm sao lúc nào cũng hài hước, đi khám lại nhưng vẫn choàng vai bác sĩ rồi giơ ngón tay cái, có mấy ai làm được như anh đó không?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.