Đóng vai trò quan trọng, mật thiết đối với sự phát triển của ngành du lịch, các doanh nghiệp hàng không đã tham gia góp ý, hiến kế nhằm thúc đẩy và đảm bảo mục tiêu đón 17,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019.
Tạo dấu ấn với du khách ngay từ trên máy bay
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong năm 2018, hơn 80% lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tính riêng giai đoạn 2008 - 2018, có tới 35% lượng khách quốc tế đến Việt Nam bay trên các chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA).
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng ban Kế hoạch phát triển VNA cho biết nhận thấy vị trí, vai trò quan trọng của hãng hàng không quốc gia trong việc chuyên chở hành khách, cũng như tạo dấu ấn đầu tiên cho du khách về văn hóa, con người Việt Nam ngay từ trên chuyến bay, trong nhiều năm qua, thông qua loạt giải pháp, hành động cụ thể, VNA đã phối hợp cùng ngành du lịch nỗ lực giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới.
Đơn cử, VNA thường niên tham gia và tổ chức roadshow, gian hàng tại gần 30 hội chợ du lịch quốc tế uy tín hàng đầu thế giới như WTm tại Anh, ITB tại Đức, MITT tại Nga, JATA tại Nhật Bản, Top Resa tại Pháp… Tại các hội chợ này, VNA và Tổng cục Du lịch đã phối hợp thuê và dựng gian hàng mang đậm nét văn hóa, con người Việt, cũng như tiếp xúc giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng tới các công ty lữ hành nổi tiếng trên thế giới.
Bên cạnh đó, hãng còn tổ chức hàng chục đoàn famtour, presstour mời các hãng lữ hành, báo chí, blogger trải nghiệm thực tế du lịch Việt Nam để xây dựng tour tuyến, viết bài cảm nhận, giới thiệu quảng bá điểm đến cho du lịch Việt.
"Một loạt hoạt động hợp tác thiết thực này giữa VNA và Tổng cục Du lịch" đã góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, kéo du khách quốc tế đến ngày càng đông, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm mà VNA có đường bay đến như châu Âu (Pháp, Đức, Anh, Nga…), Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan), Úc…" - ông Trung cho hay.
|
"Bắt tay" để mở rộng thị trường khách
Là mắt xích quan trọng trong chuỗi cơ sở hạ tầng ngành du lịch, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể nhằm tăng cường thu hút du khách tới các thị trường trọng điểm của du lịch Việt. Các giải pháp này hướng đến phát triển du lịch bền vững, ổn định trên cơ sở đa dạng thị trường và đa dạng phân khúc khách hàng, tập trung vào phân khúc MICE, Luxurt tour, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh…
Theo ông Nguyễn Quang Trung, cơ cấu du khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay đang tập trung ở 3 thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm trên 55% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Với các thị trường truyền thống này, VNA sẽ tiếp tục mở thêm nhiều đường bay đến các thành phố, điểm đến mới, đồng thời tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch, phối hợp với các đại lý lớn, quảng cáo điểm đến tại 3 quốc gia nói trên.
Tuy nhiên, ông Trung cũng lo ngại sự phụ thuộc khi các thị trường nguồn này “đổ bệnh” do nền kinh tế suy thoái hay từ các chính sách nới lỏng hạn chế của Trung Quốc đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… thì thị trường du lịch Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, vấn đề đa dạng hóa thị trường nguồn, tìm kiếm thị trường mới cần được đặt ra một cách nghiêm túc và cấp thiết.
"Các nước Tây Âu, Ấn Độ rất có tiềm năng để khai thác. Với việc tiếp tục tăng cường tần suất, đưa máy bay thân rộng mới hiện đại nhất khai thác trên các đường bay đến châu Âu, nghiên cứu mở đường bay đến Ấn Độ và tăng cường hợp tác, liên kết với các hãng hàng không Mỹ, Vietnam Airlines tin tưởng du khách quốc tế từ các thị trường này sẽ tăng trưởng nhanh chóng và bền vững. VNA cam kết sẽ đồng hành cùng Tổng cục Du lịch, doanh nghiệp lữ hành, Sở Du lịch các tỉnh, thành để phát động khách quốc tế đến Việt Nam trong các chương trình quảng bá, mở rộng mạng bay đến khu vực này" - vị này khẳng định, đồng thời đề xuất Tổng cục Du lịch tăng cường vai trò "nhạc trưởng" kết nối, điều phối sự hợp tác giữa hàng không, lữ hành và cơ quan quản lý, chủ trì các đơn vị liên quan, xây dựng chủ đề, chủ điểm cho từng giai đoạn.
Bình luận (0)