Sản xuất mì ăn liền, dầu ăn, bán lẻ đều lãi khủng
Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) công bố lũy kế 6 tháng đầu năm nay đạt doanh thu 41.898 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận gộp thu về 9.161 tỉ đồng, tăng 17%. Kết quả sau khi khấu trừ chi phí, Masan lãi sau thuế 1.396 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước bị lỗ 162 tỉ đồng. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là mảng thịt MEATLife với doanh thu tăng đến 34% lên 9.635 tỉ đồng. Bên cạnh đó, sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu cũng tăng lợi nhuận đáng kể, đặc biệt các dòng sản phẩm mì gói hay snack khác được tiêu thụ mạnh giữa đại dịch. Hay Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN) lũy kế 6 tháng đạt doanh thu hợp nhất 3.960 tỉ đồng, tăng 27% và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 83 tỉ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. PAN cho biết nối tiếp sự phục hồi ổn định từ nửa cuối năm 2020, trong quý này mức tăng doanh thu đạt được phần lớn do sự tăng trưởng trong mảng giống cây trồng, gạo đóng gói, tôm xuất khẩu và bánh kẹo. Còn với Tập đoàn KIDO (KDC), kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.898 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu thuần ngành dầu ăn tăng 36% và ngành hàng thực phẩm tăng 22%. Lợi nhuận sau thuế của KDC đạt 351 tỉ đồng, tăng mạnh 163% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có được nhờ nhiều đơn vị thành viên của KDC hiện gồm dầu ăn Tường An, dầu Vocarimex, KIDO Nhà Bè đều tăng cao về doanh thu và lợi nhuận.
Đáng chú ý là Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) dù báo cáo doanh thu hợp nhất trong 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh do không còn hợp nhất với báo cáo tài chính của Công ty CP nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico nhưng cũng có lãi ròng gần 28 tỉ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.155 tỉ đồng. Trong đó, mảng chăn nuôi heo sau 1 năm tuyên bố đầu tư chính thức ghi nhận doanh thu với 190 tỉ đồng, thậm chí cao hơn doanh thu cốt lõi là mảng trái cây và đạt mức lãi gộp với 94 tỉ đồng.
Không chỉ có các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, một số công ty bán lẻ cũng tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Công ty CP bán lẻ FPT (FRT) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu đạt 9.024 tỉ đồng, tăng 24% so cùng kỳ, hoàn thành 55% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 76 tỉ đồng, tăng 189% và hoàn thành 63% kế hoạch năm. Chuỗi bán lẻ này nhờ tăng trưởng doanh thu laptop tăng đến 31% và chuỗi nhà thuốc Long Châu tăng doanh số gần gấp 3 lần so với 6 tháng của năm 2020. Thậm chí như Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng báo cáo doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay tăng gấp rưỡi lên 11.637 tỉ đồng và lãi sau thuế 736 tỉ đồng, tăng 67% so với 6 tháng năm 2020...
|
Đến doanh nghiệp sắt thép, bất động sản...
Ngoài những công ty được chú ý từ mảng tiêu dùng, hàng thiết yếu thì từ đầu năm đến nay, các DN ngành thép cũng luôn có kết quả kinh doanh ấn tượng. Ví dụ như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận doanh thu gần 66.900 tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 16.723 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2020. Đại diện Hòa Phát cho biết nửa đầu năm, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép như than luyện coke, quặng sắt tăng cao. Tuy nhiên Hòa Phát vẫn duy trì sản lượng sản xuất phục vụ đủ nhu cầu thị trường trong nước và giá bán ra luôn thấp hơn so với giá trên thị trường thế giới. Đồng thời các lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản cũng duy trì đà tăng trưởng như sản lượng bò Úc tiếp tục giữ thị phần số 1, tổng đàn chăn nuôi heo an toàn sinh học phát triển tốt, phấn đấu đạt khoảng 450.000 con thương phẩm trong năm nay. Sản lượng trứng gà hiện dẫn đầu miền Bắc và đã vào hàng loạt siêu thị lớn trên toàn quốc với khoảng 730.000 quả/ngày...
Theo TS Đinh Thế Hiển: Nếu dịch sớm được khống chế thì khả năng cả năm nay, tốc độ tăng trưởng của nhiều DN vẫn cao hơn năm 2020. |
Có nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng do đại dịch Covid-19 nhưng Tập đoàn Vingroup vẫn đạt doanh thu thuần hợp nhất trong 6 tháng là 61.770 tỉ đồng, tăng 59% so cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 6.403 tỉ đồng, tăng 4,6% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế 6 tháng đạt 3.305 tỉ đồng, tăng 33% cùng kỳ 2020.
Trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản nhà ở được đánh giá gặp nhiều khó khăn, công tác bán hàng ở nhiều dự án bị đình trệ, nhưng hàng loạt công ty cũng báo cáo tăng trưởng về lợi nhuận với nhiều khoản nhờ chuyển nhượng dự án, thu nhập tài chính. Có thể kể đến như Công ty CP TTC Land (SCR) có doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.199 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ 2020. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 220 tỉ đồng, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ 2020 và thực hiện đến 95% kế hoạch năm. Công ty CP xây dựng Hòa Bình (HBC) đạt doanh thu thuần gần 5.443 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nhập đột biến từ chuyển nhượng các khoản đầu tư, lãi ròng của HBC ghi nhận hơn 73 tỉ đồng, gấp 5,6 lần 6 tháng năm 2020; Công ty CP Phát Đạt doanh thu thuần đạt 1.124 tỉ đồng, giảm 4,9% nhưng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 502 tỉ đồng, tăng 80% so với lợi nhuận đạt được nửa đầu năm ngoái nhờ trong quý 2/2021 ghi nhận lợi nhuận từ việc chuyển nhượng và bàn giao một số nền đất tại dự án Phân khu số 2 thuộc khu đô thị sinh thái Nhơn Hội - Bình Định...
Lợi nhuận sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm?
Theo thống kê của FiinGroup, tính đến ngày 20.7 đã có 213/1.759 DN niêm yết trên thị trường công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh cho quý 2/2021. Trong đó có 11 ngân hàng (chiếm 39,3% vốn hóa ngành) và 198 DN (chiếm 15% vốn hóa khối phi tài chính). Doanh thu thuần của 198 DN phi tài chính ước tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước và 19,5% so với quý 1/2021. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt là 75,3% so với cùng kỳ 2020 và 22,6% so với quý đầu năm nay. Mức tăng chung chủ yếu đến từ ngành tiện ích, dầu khí và thép, phần lớn nhờ giá hàng hóa (dầu, LPG và thép) tăng mạnh. Tuy nhiên, FiinGroup nhận định tăng trưởng trong quý 3/2021 của các ngành này đang đối mặt với thách thức lớn là dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng làm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, nhu cầu tiêu thụ khí của các nhà máy điện khí thường thiếu ổn định vào mùa mưa; quý 3 thường là thấp điểm tiêu thụ thép và giá thép trong nước đang hạ nhiệt. Đáng chú ý, doanh thu quý 2/2021 của các DN này tăng tốc so với quý 1/2021 nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đã chậm lại dù vẫn duy trì ở mức cao. Riêng nhóm ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu, hóa chất, công nghệ thông tin là những nhóm ngành có lợi nhuận sau thuế tăng chậm lại trong quý 2 vừa qua.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng nhận định hàng loạt DN báo lãi 6 tháng đầu năm nay tăng cao là do nhiều hoạt động thương mại, sản xuất kinh doanh đã tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm, nhất là so với mức sụt giảm sâu của quý đầu năm trước. Riêng nhóm ngành bất động sản dù nguồn thu chính sụt giảm nhưng vẫn có những đơn vị tăng mạnh lãi từ chuyển nhượng dự án, đầu tư tài chính... Trong khi đó, dịch Covid-19 diễn ra tại VN từ cuối tháng 5 đến nay chủ yếu ảnh hưởng mạnh đến những công ty trong ngành F&B như nhà hàng, khách sạn và một số DN nhỏ. Vấn đề lo ngại là 6 tháng cuối năm nay nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài hơn thì nhiều DN sẽ bắt đầu bị ngấm thiệt hại, từ đó mới bộc lộ trong báo cáo từ quý 3/2021.
Bình luận (0)