“Mình đang ở Bắc Macedonia và sẽ trò chuyện khi lên xe buýt nhé”, Khánh, đang theo học thạc sĩ ngành hệ thống điện tại Đại học Khoa học Ứng dụng Darmstadt (Đức), đã trả lời như vậy khi tôi ngỏ lời phỏng vấn. Theo dõi Khánh đã lâu, tôi chưa bao giờ thấy nữ sinh này “ngồi yên”. Lúc thì Khánh ở Hy Lạp, thoắt cái, tôi lại thấy cô đến một loạt nước vùng Baltic hay thơ thẩn ở một ngôi làng nào đó tại Albania. Phần lớn các chuyến đi diễn ra sau khi Khánh sang Đức vào năm 2017. Lúc bài viết này được thực hiện, Khánh đang đến đất nước thứ 43.
Khánh tại phố cổ Warsaw, Ba Lan |
NVCC |
Với Khánh, du lịch là đam mê chứ không phải là hình thức nghỉ dưỡng. “Vì vậy, mình cố gắng đầu tư nghiêm túc về thời gian, trau dồi kỹ năng, kiến thức và sức khỏe cho việc du lịch không khác gì chơi một môn thể thao”, Khánh chia sẻ.
Cô gái cho biết du lịch tự túc ở châu Âu rất tiết kiệm nên việc giải quyết vấn đề tài chính không khó như nhiều người vẫn nghĩ. Nhờ thu nhập từ việc làm cố vấn cho văn phòng sinh viên quốc tế và trợ lý nghiên cứu, cùng với việc Đức có chính sách miễn học phí, Khánh có khả năng tự chi trả cho những chuyến đi của mình.
“Mình có thể kiểm soát chi phí bằng cách tránh mùa cao điểm, tìm hiểu khuyến mãi cho sinh viên hay nghiên cứu hệ thống giao thông công cộng”, Khánh gợi ý. Nữ sinh này cũng thú nhận đôi lúc chỉ biết điểm đến tiếp theo sau khi đã mua vé: “Thấy vé đến nơi nào rẻ thì mình sẽ đặt mua rồi mới lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi đó”.
“Lịch học ở trường khá linh hoạt. Tuy nhiên, để giữ vững thành tích trong lớp và đảm bảo sức khỏe cho các chuyến đi, mình cần quản lý thời gian chặt chẽ”, Khánh, nữ sinh đang nằm trong tốp 2 người có điểm số cao nhất ngành, cho biết.
Trước mỗi chuyến đi, Khánh thường dành thời gian tìm hiểu văn hóa, lịch sử, địa lý của điểm đến. Thói quen này vốn đến từ một lần Khánh mất điện thoại do “quá chén” tại lễ hội bia Oktoberfest (Đức) vào 5 năm trước. Các kiến thức có được từ việc luôn học hỏi trước còn giúp cô biết ứng xử một cách tôn trọng đối với văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử của địa phương. Nhờ vậy, Khánh dễ nói chuyện với người bản địa vì có những chủ đề chung. “Dù độc hành nhưng mình chưa bao giờ thấy cô đơn vì ngày nào cũng có người ở cạnh”, Khánh tâm sự.
Khánh (ngoài cùng bên trái) cùng bạn bè tại vòng cực bắc, Na Uy |
Trên các hành trình khám phá, Khánh luôn cố gắng duy trì sự bền vững cho bản thân mình và cả nơi sắp đến. Cô cũng chú ý để không ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người địa phương và khuyến khích mọi người trở thành du khách có trách nhiệm. Khánh cho biết thường ưu tiên di chuyển bằng những phương tiện công cộng như tàu điện, xe buýt để giảm vết carbon của mình, đồng thời: “đây cũng là hai phương tiện thích hợp nhất cho việc ngắm cảnh”.
Và đặc biệt, nữ sinh này luôn tâm niệm: “Mình không muốn đánh đổi việc du lịch với việc học, công việc, sức khỏe hay tiền bạc. Mỗi chuyến đi phải tạo ra được giá trị và không làm hao mòn năng lượng của mình”.
Bình luận (0)