Gần 40 năm kinh nghiệm, David Field đi khắp châu Á làm huấn luyện viên tình nguyện giảng dạy, chia sẻ công tác cứu hộ biển. Trong đó, các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa... đều là điểm đến của ông.
Người dân vùng ven biển các bãi tắm ở Đà Nẵng những năm qua đã quen với “ông già gân” David Field quắc thước, rắn rỏi, cao khoảng 1,9 m, làn da sạm nắng gió… thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện kỹ năng cứu hộ biển. Thực ra cứu hộ là nghề tay trái, nghề chính của David là giáo viên trung học ở thị trấn nhỏ Kingsliff (bang New Southwales, Úc).
Lướt sóng cứu hộ biển
Từ khi nghỉ hưu năm 2001, David mang kinh nghiệm cứu hộ biển của mình đi khắp thế giới, lấy bờ biển nơi xa lạ làm chốn đi về. Ông cũng chính là người xây dựng Hội Cứu hộ biển Phuket, Thái Lan từ 2004.
Năm 2011, dựa theo mô hình của Tổ chức Lướt sóng cứu hộ Úc, Việt Nam - Úc xây dựng dự án phát triển cứu hộ biển tên Tổ chức Lướt sóng cứu hộ Việt Nam (Surf Life Saving Vietnam), trụ sở tại Đà Nẵng. David khi ấy đang huấn luyện người dân ở đảo Boracay, Philippines cho đến khi hình thành một đội cứu hộ biển chuyên nghiệp vào năm 2013.
Năm 2014, David đến Việt Nam và nhận ra đất nước có đường bờ biển dài hơn 3.260 km này đang rất cần đội ngũ cứu hộ biển chuyên nghiệp. Vậy là ông ở lại, làm tình nguyện viên chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ biển và huấn luyện cho những học trò đầu tiên là Đội cứu hộ khu nghỉ dưỡng Furama tại Đà Nẵng.
Đào Quang Hiền - nhân viên cứu hộ được David chỉ dạy, cho biết: “David là người thầy đặc biệt, ông chia sẻ kinh nghiệm về cứu hộ, cứu nạn trên biển rất dễ học, dễ hiểu, và an toàn, kể cả những bài thể dục giúp duy trì thể lực, các bài hô hấp để kịp thời hỗ trợ nạn nhân khi không có nhân viên y tế”.
Tôi muốn nói với các bạn VN rằng ai cũng có thể học cứu hộ và trở thành cứu hộ chuyên nghiệp, bởi đây là công việc giúp ích cho bản thân và cộng đồngDavid Field |
Sở hữu đường bờ biển dài hơn 90 km, trong đó khoảng 30 km là các bãi tắm quanh khu bán đảo Sơn Trà, lực lượng cứu hộ biển Đà Nẵng bao gồm 110 chuyên viên, được David chuyên tâm huấn luyện với mục tiêu đưa kỹ năng cứu hộ của đội ngũ đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt trong lối giảng dạy của David là sử dụng ván cứu hộ, nguyên do: “Cứu hộ biển ở Việt Nam chưa quen sử dụng ván cứu hộ, nhưng đây là dụng cụ rất hữu ích bởi giúp dễ dàng tiếp cận nạn nhân nhanh hơn tự bơi cùng phao cứu sinh”.
David bảo: “Khi tôi truyền kinh nghiệm cho 10 chuyên viên cứu hộ biển, họ sẽ dạy lại gia đình, người thân của họ, rồi những người đó sẽ cứu người khác hay có thể ngăn chặn những tai nạn thương tâm. Đây chính là điều tôi yêu thích khi làm tình nguyện viên cứu hộ biển”.
|
Đội cứu hộ nhí
Vợ David là cô Susan Eke cũng là huấn luyện viên cứu hộ biển, theo chồng sang Việt Nam năm 2017 để cùng ông làm tình nguyện viên giảng dạy. Gặp Susan trong giờ huấn luyện về hô hấp nhân tạo (CPR) và lướt ván cứu hộ tại bãi biển Đà Nẵng, bà cho biết: “Ở Úc, tôi là vận động viên thi đấu môn lướt sóng cứu hộ, nên khi sang Việt Nam tôi và David muốn truyền kinh nghiệm cho các bạn, nhất là phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ biết những kỹ năng về cứu hộ sẽ có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và con mình khi ra biển tắm”.
Cách đây 50 năm tại Úc, Chương trình đào tạo cứu hộ cho trẻ em Nippers (nghĩa là cặp càng cua) được khởi xướng và phát triển. Những bạn nhỏ tham gia Nippers được dạy các kỹ năng an toàn khi xuống nước, giảm thiểu tình trạng đuối nước. Đến 2017, Nippers đã hoạt động tại Hội An và Đà Nẵng, với hai tình nguyện viên chủ chốt là David và Susan.
Hằng tuần, tùy vào thời gian linh động của các thành viên nhí, đội “cứu hộ tí hon” sẽ được David và Susan tập trung nơi bãi biển, với bài tập đầu tiên là trò chơi vui nhộn, thay cho các thao tác khởi động, làm nóng trước khi vào bài tập chính. Đội hình cứu hộ tí hon, có bé 5 tuổi, có bé 14 tuổi, đủ mọi màu da, quốc tịch, khác biệt cả ngôn ngữ giao tiếp, nhưng đều có chung một niềm vui. Giờ học tuần nào cũng diễn ra đầy sôi nổi, hào hứng. Cậu bé Vũ Minh Huy - thành viên của Nippers, chia sẻ: “Con theo học cứu hộ từ ông David hơn một năm rồi, học lớp này rất vui, tụi con được chơi trò chơi, được học lướt ván nữa”.
Ở góc độ giáo dục, lớp học “cứu hộ tí hon” là nơi đào tạo kỹ năng, nhưng nhìn cách David truyền dạy lại như môn thể thao dưới nước thú vị, có những hoạt động gắn kết cộng đồng, phát huy tính làm việc theo nhóm.
|
Anh Vũ Thìn, phụ huynh có con nhỏ tham gia đội cứu hộ nhí, chia sẻ: “Từ khi con tôi tham gia vào nhóm, khi xuống nước cháu tự tin hơn hẳn. Cháu có thể tự bơi - lặn một mình, các hoạt động vui chơi của khóa học cũng rất lý thú và bổ ích”. Phụ huynh Chris Reed đến từ Úc cũng có cảm nhận riêng: “Úc và Việt Nam có nhiều bãi biển, gia đình tôi thường ra biển chơi nên việc các con biết bơi lội, biết cách chống đuối nước và có thể giúp đỡ người khác khi gặp đuối nước là kỹ năng rất cần thiết cho trẻ”.
Ngoài ra, David và Susan còn tự vận động các nguồn trợ cấp để thực hiện quyển sách cứu hộ biển bằng tiếng Việt (2018) như đã từng làm với Thái Lan (2017) nhằm phổ cập và chuẩn mực hóa công tác cứu hộ biển được hiệu quả hơn. Nói về hoạt động tình nguyện của mình, David gửi gắm thông điệp: “Tôi muốn nói với các bạn VN rằng ai cũng có thể học cứu hộ và trở thành cứu hộ chuyên nghiệp, bởi đây là công việc giúp ích cho bản thân và cộng đồng”.
Nhìn những thành viên cứu hộ tí hon bằng nửa tấm ván trượt vui chơi trên bờ biển, lướt băng băng trên sóng theo chỉ định của các tình nguyện viên, khuôn mặt các bé rạng ngời tự tin, vui sướng. Trong ánh mắt của David và Susan, tôi thấy ở họ sự tự hào. D
avid bảo: “Ở các đội cứu hộ chuyên nghiệp, mỗi cuộc thi đấu, có thể thấy ở họ sự tiến bộ vượt bậc. Các em trong đội cứu hộ tí hon cũng vậy. Tôi tin rằng chỉ vài năm nữa thôi, Việt Nam sẽ trở thành một thành viên ưu tú trong lĩnh vực cứu hộ biển trên quốc tế”.
(còn tiếp)
Một số cờ hiệu báo mức độ an toàn theo tiêu chuẩn Liên đoàn Cứu hộ quốc tế
- Cờ vàng: Nguy hiểm trung bình, sóng vừa phải, người có khả năng bơi lội chưa tốt không nên xuống biển.
- Một cờ đỏ: Nguy hiểm cao, sóng lớn, không nên tắm biển vào lúc này.
- Hai cờ đỏ: Bãi biển này cấm các hoạt động bơi lội.
- Cờ tím: Biển có sứa hoặc các sinh vật gây nguy hiểm.
- Cờ ca rô đen trắng: Khu vực dành cho hoạt động thể thao dưới nước.
- Cờ đỏ vàng: Khu vực có cứu hộ biển, an toàn cho việc tắm biển.
|
Bình luận (0)