Mỗi lần đọc tin trẻ em bị xâm hại, chúng ta đã thấy nặng lòng. Trong khi đó, chị Thảo thường xuyên tiếp cận, sống cùng những nạn nhân như vậy. Chị bộc bạch: “Công việc của chúng tôi rất căng thẳng, mỗi ngày đều tiếp nhận ca nào đó. Nhiều lúc tôi bàng hoàng không thể tin nổi những chuyện khủng khiếp xảy ra với các bé, như trường hợp cô bé 11 tuổi bị ông nội và cha ruột xâm hại…”.
Đầu óc căng “ba bề bốn bên”
Sau hai ngày tiếp cận 12 trẻ bị xâm hại tình dục ở một tỉnh miền Tây, chị Nguyễn Yên Thảo phờ phạc hẳn. Chị nói số vụ trẻ em bị xâm hại phản ánh trên báo chí chỉ là phần rất nhỏ so với thực tế. Từ người dẫn chương trình cho một đài truyền hình, sau khi giải cứu vài ca “thấy thương quá”, chị gắn luôn với công việc này suốt 10 năm nay.
Mỗi lần tiếp cận nhà nạn nhân, chị Thảo tự nhủ nên đi cùng đại diện chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một số tình huống bất đắc dĩ, chị đành đi một mình, những lúc ấy rất áp lực, đầu óc căng “ba bề bốn bên”. Bởi lẽ, đứa trẻ cũng như gia đình e dè tiếp xúc người lạ và nghi ngờ mục đích của chị. Mặt khác, thủ phạm (đa phần là hàng xóm, người thân của đứa trẻ) vẫn nhởn nhơ ở đó!
Ca gần đây là trường hợp đứa bé 6 tuổi ở miền Tây bị cha ruột xâm hại. Để hạn chế việc chồng mình làm chuyện đồi bại, bà vợ (bị khuyết tật, mới sinh con) hằng đêm đành xích chân bé vào chân bà. Thấy chị Thảo xuất hiện, cha đứa bé hầm hè cầm cái búa tới lui…
|
Trước đó, chủ tiệm uốn tóc ở tỉnh Bến Tre đã gọi điện đến nhà OBV nhờ giải cứu một học viên 14 tuổi bị cha hãm hiếp. Theo cô bé, người cha bảo: “Nếu mày cho ai biết chuyện này, chiếc quan tài tao mua sẵn để dưới quê sẽ dành cho mày. Chị mày cũng giống mày mà không dám hó hé, mày liệu hồn đó”... Cô bé sợ hãi muốn đi trốn ngay lập tức, nên chị Thảo vội vã đưa em lên nhà OBV. Để làm thủ tục cho em nhập học, chị Thảo tìm đến nhà cậu ruột - người thân còn lại của cô bé. Nghe chị Thảo trình bày, ông ta chửi té tát: “Làm gì có người nào tốt như vậy? Xạo! Lừa cháu tui đi bán hả!”. Rồi ông rượt chị Thảo chạy trối chết. May thay, chị kịp dúi 500.000 đồng cho cô bé, dặn: “Con ký giấy tờ xong, lên lại với cô nghe!”.
Không ít lần chị Thảo và cộng sự bị kẻ xấu chửi bới, đe dọa đốt nhà OBV. Chị trăn trở về một số gia đình không hợp tác cứu đứa bé. Một bé gái (TP.HCM) có nguy cơ bị xâm hại, được đưa vào nhà OBV sống một tuần và bé rất thích. Nhưng mẹ bé đòi chị Thảo phải đưa bà 10 triệu đồng, nếu không sẽ dẫn cô bé đi. Trường hợp khác là một trẻ ở tỉnh Đồng Nai bán vé số, bị ông già ngoắc vô cho chơi điện thoại rồi xâm hại. Chị Thảo thuyết phục bà nội bé cho bé vào ở nhà OBV, được ăn học miễn phí. Nhưng bà dứt khoát: “Mỗi tháng, nó bán vé số cho tui 3 triệu đồng. Cô đưa tui 3 triệu đồng/tháng rồi mang nó đi”…
“Cô ơi, con sợ bụi rậm lắm !”
|
“Cô đến đây để giúp con nè. Con muốn đi học lại không?”. “Không”. “Vậy con muốn học nghề gì?”. “Không muốn làm gì hết”… H.V (chuẩn bị lên lớp 6, bị xâm hại dẫn đến có bầu ở Sóc Trăng) nhát gừng trả lời chị Yên Thảo. Vậy mà khi tham quan nhà OVB, H.V bỗng đề nghị: “Cô cho con ở lại đây nha!”. Hiện H.V được đánh giá là ngoan, tha thiết đi học nhất. Chị Thảo vỡ ra: “Nếu mình không biết đứa bé tổn thương đến thế nào, mình sẽ không hiểu vì sao nó "xù lông" với mình. Sau này mẹ bé kể lúc trục thai ra là trải nghiệm kinh hoàng của nó”.
Theo chị Thảo, điều trị tâm lý cho trẻ bị xâm hại tình dục là khó nhất và lâu dài, thậm chí cả đời nạn nhân. Sau 6 năm ở nhà OBV, một cô bé mới tiết lộ: “Cô ơi, con sợ bụi rậm lắm! Mấy người hại con toàn lôi con vô bụi rậm”. Trước đó, em tự tử hai lần, hay gặp ác mộng thấy người ta đến giết mình vì không cho họ “làm”…
M.H (25 tuổi, ngụ tại TP.HCM) là một trong những ca được nhà OBV hỗ trợ dù vẫn sống cùng gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, H tâm sự: Lên 3 tuổi, H. theo mẹ đến một nhà thờ, nơi bà làm đầu bếp. Sợ H. bị phỏng, quản lý không cho cô bé đến chỗ mẹ nấu nướng. Thấy H. bù lăn bù lốc, người mẹ gửi H. “đi theo chơi” với một đồng nghiệp nam trẻ tuổi của bà làm khâu vo gạo và lấy củi. Bà không ngờ người đó xâm hại H. cho đến tận 5 tuổi.
Lên lớp ba, sau bài học về quyền trẻ em, H. hơi run: “Ủa, chẳng lẽ mình đã bị xâm hại?”. H. ra tiệm internet, tự mày mò tìm hiểu rồi rơi vào khủng hoảng triền miên. Cô bé thường đập đầu, rạch tay, lảm nhảm một mình, nhiều lần uống thuốc ngủ tự vẫn... Tháng 7.2018, trải qua 7 cơn ngưng tim ngưng thở, nghĩ mình sắp “ra đi” nên H. đã trăn trối với cha mẹ về nỗi đau chôn giấu bấy lâu. Sau lần chết hụt đó, H. trốn lên nhà OBV và được nơi đây tận tình giúp chữa bệnh. H. tự nhận đã bớt trầm cảm và định theo nghề huấn luyện viên thể hình. “Em muốn nói với các phụ huynh là sinh con ra, dù trai hay gái cũng giữ kỹ. Đừng quá tin một ai, kẻo hối hận như gia đình em. Trẻ từ 4 - 5 tuổi cần được dạy về giới tính, về vùng kín để tự bảo vệ mình”, H. nhắn nhủ.
Chị Thảo cho hay có những trẻ đã rời nhà OBV nhưng vẫn gọi điện: Cô ơi! Con con bị sốt; Con bị chồng đánh; Con thiếu vốn làm ăn; Con đậu trường A. hơi xa nhà, giờ sao cô?... Chị Thảo nói: “Tụi nó như con của mình rồi, chẳng lẽ nó kêu mình làm lơ”. Đôi lần quá áp lực và sóng gió, chị định đóng cửa nhà OBV. Nhưng nhìn con gái bé bỏng của mình có giấc ngủ bình yên, chị nghĩ đến những đứa trẻ bất hạnh không biết về đâu, nên quyết tâm không được bỏ cuộc.
Thỉnh thoảng trên trang Facebook của chị, tôi thấy các bức ảnh chị đứng giữa mưa, hay ngồi vắt vẻo trên cây… Chợt nhớ lời chị: “Nếu tôi làm gì đó khùng điên, hãy kệ tôi nhé. Đó là cách tôi tìm cân bằng, giải tỏa stress!”. (còn tiếp)
Hy sinh lớn
Ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc (thuộc T.Ư Hội Khoa học tâm lý - giáo dục VN) đã tiếp nhận, nuôi dưỡng miễn phí trẻ em bị xâm hại tình dục hoặc có nguy cơ. Các em được chữa trị về tâm lý, thể chất và học văn hóa, học nghề.
Đại diện Văn phòng phía nam T.Ư Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN cho biết: “Nhà OBV hỗ trợ rất hiệu quả cho các bé có hoàn cảnh đặc biệt. Thay vì dành thời gian cho gia đình và con cái, cô Thảo luôn lăn xả giúp các bé. Tôi cho rằng cô ấy có lòng nhân ái bao la và hy sinh lớn”.
|
Nhà OBV là nơi tin tưởng cho trẻ bị xâm hại
Nhiều lần tôi đã cùng một số ban ngành tham quan nhà OBV. Tôi thấy nơi này đảm bảo tốt cho các bé về cơ sở vật chất, về kết nối gia đình, về sức khỏe - tinh thần (được ổn định tâm lý, được học chữ, học nghề), về tính pháp lý. Từ thông tin tại tòa và nhận thấy những cháu sức khỏe không được bảo đảm, hoàn cảnh sống có nguy cơ bị xâm hại rất cao, chúng tôi đề xuất gia đình đi thăm nhà OBV. Nếu thấy con mình thích nghi và môi trường sống tốt hơn, gia đình có thể cho các cháu ở lại.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM
|
Bình luận (0)