Hiến kế để kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển bền vững

12/11/2022 07:00 GMT+7

Chiều 11.11, các trí thức trẻ đã chia thành 4 nhóm để thảo luận và đề xuất các vấn đề góp phần làm tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Đó là các vấn đề: Đề xuất mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững; Quy hoạch và giải pháp sử dụng hiệu quả, đồng bộ các quy hoạch địa phương, vùng, quốc gia; Phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, gắn với đổi mới hệ thống y tế.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế rất cấp thiết

Tại tổ thảo luận thứ 4 với chủ đề: “Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới hệ thống y tế”, các đại biểu trí thức trẻ được trải nghiệm những mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại vào lĩnh vực y tế.

Các đại biểu là trí thức trẻ phát biểu tại diễn đàn

Nhật Thịnh

PGS-TS-BS Đào Việt Hằng, Phó giám đốc Trung tâm nội soi, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Phó tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, trình bày tham luận về nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hành lâm sàng tại Việt Nam và bài toán thực tế trong chuyên ngành tiêu hóa, vai trò của app và AI.

Chị Hằng cho biết mô hình khám chữa bệnh truyền thống ở Việt Nam hiện nay số lượng bệnh nhân rất lớn mà lực lượng y, bác sĩ thì mỏng nên luôn trong tình trạng quá tải, dẫn đến dễ có những sai sót, điều đó dẫn đến ngành y tế trở thành “điểm nóng” của xã hội.

Kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững. Kinh tế tuần hoàn cũng giúp đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp. Đây là xu thế tất yếu và là nội dung đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm, định hướng phát triển.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Trang, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội

Đứng trước thực trạng như vậy chị Hằng cho rằng nhu cầu ứng dụng thông tin trong lĩnh vực y tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, mặc dù chuyển đổi, ứng dụng thông tin nhưng phải đảm bảo khả năng kết nối (trong cùng một đơn vị y tế và giữa những đơn vị khác với nhau), và sự khả thi.

Mở đầu phần trình bày của mình về công nghệ thực tế ảo - cuộc cách mạng trong giảng dạy y sinh, Nguyễn Hoàng Đức, CEO Akather Lab, nêu ra thực trạng hiện nay đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam đang rất thiếu hụt, dẫn đến bất cập khi dịch Covid-19 ập đến thì ngay lập tức làm tê cứng cả hệ thống y tế.

Anh Đức còn chỉ ra hiện tại một bác sĩ cần trải qua 6 năm học đại học, 2 năm học sau đại học và 3 - 5 năm làm và tích lũy kinh nghiệm nên suy ra mất tầm 11 - 13 năm để đào tạo được 1 bác sĩ, đây là một bất cập. Thời gian thực hành thì ít do điều kiện, thời gian thực hành hạn chế, không được tiếp xúc đa dạng mẫu bệnh.

Từ đó anh Đức đặt vấn đề: Liệu rằng công nghệ có giải quyết được những bài toán thực tế ở trên?

Tại tổ thảo luận, anh Đức giới thiệu về mô hình mô phỏng một phòng thực hành thực tế ảo, dùng mô hình 3D rất trực quan trong quá trình giảng dạy cho sinh viên. Các bác sĩ từ nhiều đầu cầu khác nhau đều có thể tham gia vào để phẫu thuật cho bệnh nhân thông qua mô hình thực tế ảo như thế này. Nên anh Đức cho biết hoàn toàn có thể ứng dụng mô hình này vào giảng dạy từ xa, rất phù hợp với những chuyên gia ở nước ngoài.

Bác sĩ Hiển - một trong những trí thức trẻ tại diễn đàn, trải nghiệm mô hình thực tế ảo mô phỏng phòng phẫu thuật

Giải pháp hoàn thiện và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn…

Tại tổ thảo luận về “Đề xuất mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững”, các đại biểu đã thảo luận, đồng thời đưa ra các giải pháp hoàn thiện và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số tại Việt Nam.

Theo tiến sĩ Nguyễn Bích Ngọc, giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm được Đảng xác định trong Đại hội XIII. Đổi mới mô hình tăng trưởng là sự cần thiết trước những thách thức toàn cầu và phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Nói về giải pháp hoàn thiện và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số tại Việt Nam cần phải chuyển động ra sao? Tiến sĩ Bích Ngọc cho rằng: “Mô hình tăng trưởng gắn với mục tiêu phát triển bền vững được thể hiện trên 3 nhóm giải pháp chính. Đó là, huy động đa dạng nguồn lực và phân bổ sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong đó, khoa học, công nghệ, internet vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch là những nguyên liệu chính để “vận hành” mô hình tăng trưởng mới. Tăng cường huy động nguồn lực và sự tham gia của khu vực tư nhân như một chủ thể chính và lực đẩy chính của nền kinh tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với gia tăng năng suất và chất lượng. Cụ thể, hoàn thiện và phát triển đồng bộ các thị trường, hệ sinh thái trong nước, nâng cấp vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và giá trị khu vực và toàn cầu”.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Trang (25 tuổi), Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho rằng: “Cơ cấu lại nền kinh tế là một nội dung lớn, quan trọng và cấp bách đối với Việt Nam hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh thế giới và trong nước thay đổi sâu sắc sau dịch bệnh Covid-19”.

Để làm tốt điều này, thạc sĩ Minh Trang nói: “Chúng ta cần xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Cạnh đó là khai thác tối đa các cơ hội từ xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới, quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, xu hướng phát triển kinh tế xanh. Lấy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo làm đột phá, phát huy cao độ yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, tinh thần đoàn kết dân tộc làm nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại không gian kinh tế”.

Trước câu hỏi, Việt Nam cần có giải pháp hoàn thiện và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ra sao? Thạc sĩ Minh Trang nói: “Kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững. Kinh tế tuần hoàn cũng giúp đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp. Đây là xu thế tất yếu và là nội dung đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm, định hướng phát triển”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.