Đại dịch làm đảo lộn cuộc sống, mọi người vất vả chống chọi, chính phủ phải tập trung chỉ đạo khẩn cấp, các cấp chính quyền làm việc bất chấp thời gian, lực lượng y tế làm việc xả thân thật đáng trân trọng! Còn dân chúng thì nghiêm túc nghe theo các chỉ thị, nhất nhất chấp hành, thật đáng ghi nhận!
Tuy nhiên, vẫn có những tình huống “dở khóc, dở cười” làm cho ai biết chuyện không biết phải phân giải sao cho đúng. Anh công nhân đi mua bánh mì; xe của ngân hàng đi cung cấp tiền cho các máy ATM; chở sữa bán tại siêu thị, cửa hàng cũng không được phép; hai cháu nhỏ mang con mèo yêu quý của mình sắp chết vì ốm đi cấp cứu… Họ đều bị chặn lại vì lực lượng chấp pháp cho rằng đây là những mặt hàng và dịch vụ “không thiết yếu”. Có nhiều tiếng nói phản đối, rồi cả ủng hộ cách làm của lực lượng chấp pháp, không ai chịu ai. Rồi ai cũng ấm ức. Mọi người đều thấy người dân và lực lượng chấp pháp (có vẻ) đúng mà không chắc lắm, ai cũng (có vẻ) sai mà cũng không chắc lắm. Rồi mọi người lại tranh luận cái gì thiết yếu và cái gì không thiết yếu, báo chí cũng tốn giấy mực cho chuyện này. Dịch vụ và sản phẩm thiết yếu mà chúng ta nói đến có lẽ gắn với sự tồn vong và sức khỏe ngay trước mắt của mỗi con người, hộ gia đình.
Theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ sử dụng ngôn ngữ. Tôi cho rằng trong đại dịch lần này, nếu lực lượng chấp pháp hiểu chữ “thiết yếu” theo nghĩa “rất cần thiết, phải giải quyết ngay” thì sẽ giảm được việc gây hiểu lầm, tranh cãi. Trong từ “cấp bách” có chữ “cấp” nghĩa là gấp gáp, khẩn cấp, gấp rút, thúc bách, cấp thiết. Sử dụng từ này sẽ dễ hiểu hơn cho quảng đại quần chúng. Ai cũng có thể hiểu được.
Như vậy, anh công nhân buộc phải quay về, vì trong trường hợp nhà anh còn gạo hay mỳ tôm thì không cần thiết phải đi mua bánh mỳ. Trong khi đó, sữa có thể là hàng cấp bách, vì việc duy trì, đảm bảo không đứt gãy lương thực, thực phẩm cho người dân là cần thiết. Hai cháu bé nên được đi chữa bệnh cho mèo, vì đó là việc cấp bách; nếu không chữa ngay con mèo yêu quý của cháu sẽ chết. Ở một tầng mức khác, nhu cầu được nhìn thấy con vật cưng khỏe mạnh là một việc rất cấp bách với những tâm hồn yêu động vật, dù không thiết yếu theo cách là ảnh hưởng tới tồn vong, sinh mệnh của con người. Tương tự, một người vợ có thể đi mua bao cao su, vì nếu không kịp thời, chị có thể sẽ sinh ra đứa con ngoài ý muốn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống gia đình về lâu dài. Xe chở tiền của ngân hàng cung cấp cho các máy ATM là cấp bách, vì có tiền đó người dân mới rút ra để mua được những thứ thiết yếu, mới giải quyết được những vấn đề cấp bách. Vì vậy, vậy việc đưa tiền đúng lúc, đúng thời điểm vừa thiết yếu lại vừa cấp bách.
Vì vậy, nếu ta hiểu tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là: “Mọi người không ra đường nếu không đang ở trong tình trạng cấp bách” thì chắc cả người dân và cả lực lượng chấp pháp sẽ dễ nhận ra đâu là việc cần cho phép, đâu là không, dễ thông cảm hơn và cũng ít tranh cãi hơn trong những tình huống cần vận dụng linh động.
Khi đó, mọi người sẽ thông suốt hơn trong việc mình làm, thông cảm hơn trong việc người khác làm và sẽ không có những chuyện “dở khóc, dở cười” nữa và ít nhất là sẽ không ai (bị cho) là cố tình làm khó ai.
Theo tháp Maslow, nhu cầu của con người trong xã hội rất đa dạng, và với chất lượng cuộc sống ngày càng tăng, tất cả những gì phục vụ cho những nhu cầu đó đều cần thiết, đặc biệt là bốn nhu cầu cơ bản của con người. Bởi vậy, có thể nói thứ gì cũng thiết yếu, nhưng không hẳn là cấp bách. Ví dụ, bà xã tôi nằng nặc đòi ra chợ mua giấy vệ sinh vì theo bả đó là thiết yếu nhưng tui nói nó chưa cấp bách, thế là bà ấy tạm dừng ra chợ.
Với ý kiến này, tôi hi vọng mọi người hiểu đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh chóng và mọi việc mau mau trở lại bình thường. Trong bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào, ngôn từ truyền thông luôn cần rõ ràng, ai cũng cần hiểu đúng được ngay. Dù điều này không phải dễ dàng, nhất là khi đại dịch COVID-19 là “vô tiền khoáng hậu” về quy mô, nhưng ngôn ngữ truyền thông sẽ góp phần quan trọng vào quá trình giải quyết khủng hoảng, thống nhất lòng người.
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả, một chuyên gia ngành du lịch tại Ninh Thuận
Bình luận (0)