Nghị lực mùa thi:

Hoàn cảnh khốn cùng của cậu học trò xin được cứu giúp

05/07/2024 06:00 GMT+7

Sinh ra đã không biết mặt ba ruột, còn ba dượng mất khi Công mới học lớp 2, mẹ lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, tương lai của cậu học trò như ngọn đèn trước gió. Em không nhà cửa, không có gì trong tay và thậm chí còn phải đối mặt việc một mình chống chọi với bão giông cuộc đời, vì bệnh tật có thể cướp đi mẹ của em bất cứ lúc nào.

Xin cái ăn mỗi ngày

Là học sinh giỏi, vừa hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng cậu học trò Nguyễn Hoàng Thành Công, lớp 12A8 Trường THPT Tạ Quang Bửu (Q.8, TP.HCM) lại canh cánh những nỗi lo vì gia cảnh quá éo le.

Ba dượng vì nhiễm căn bệnh thế kỷ nên đã mất khi Công mới học lớp 2. Mẹ cũng vì thế mà nhiễm căn bệnh này. Từ đó, cuộc sống của hai mẹ con đối diện biết bao sóng gió bủa vây.

"Cũng may tôi chỉ bị nhiễm từ chồng sau, nên Công không có chuyện gì", chị Nguyễn Thị Hồng Tuyết, mẹ của Công, cho biết.

Từ khi chồng mất, để có tiền sinh sống và nuôi con, chị Tuyết đã làm rất nhiều việc, từ bán vé số, nhặt ve chai đến làm thuê... Nhưng khi bệnh trở nặng, từ nhiều năm nay chị Tuyết không đi làm được. Cuộc sống của hai mẹ con cứ lay lắt mỗi ngày.

Hoàn cảnh khốn cùng của cậu học trò xin được cứu giúp- Ảnh 1.

Điều Công lo sợ nhất là bệnh tật sẽ cướp mẹ của em đi mãi mãi

NỮ VƯƠNG

"Không chỉ căn bệnh thế kỷ này mà giờ còn biến chứng ra đủ bệnh. Tôi còn bị xơ gan, u xơ tử cung nên uống đủ loại thuốc. Uống thuốc để cầm chừng vậy thôi, chứ thời kỳ cuối rồi…", chị Tuyết chảy nước mắt nghĩ về cuộc đời đầy đau thương của mình.

Chứng kiến hoàn cảnh khốn cùng của hai mẹ con, ai cũng phải rơi nước mắt. Công đi làm thêm từ năm lớp 7 để có tiền lo cho mẹ, cho cuộc sống và việc học của chính mình. Thời điểm đó, mỗi ngày em đi làm từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau mới về đến nhà.

"Do em làm phụ trong quán nhậu nên phải chấp nhận thức trắng cả đêm. Công việc bắt đầu từ 5 giờ chiều, thường đến 3 giờ sáng là quán nghỉ, nhưng dọn dẹp xong, về đến nhà thì cũng 5 giờ", Công kể.

Từ lúc bệnh của mẹ trở nặng đến nay, cậu học trò chưa bao giờ có được ngày nghỉ tết. Vì tết đến là em lại đi làm thêm. Mỗi mùa tết, em nhận giữ kho cho gia đình người ta. Vậy là em phải ở trực 24/24. Sau 7 ngày dịp tết, em kiếm được khoảng 2 triệu đồng, rồi tằn tiện lo cho cuộc sống những ngày sau đó.

"Bình thường Công phải đi học không thể làm thêm thì tiền đâu để hai mẹ con sinh sống?", tôi hỏi. Chị Tuyết phân trần: "Mỗi tháng ở phường cho được 10 kg gạo, cô bí thư khu phố (Bí thư Chi bộ khu phố - PV) cho 500.000 đồng/tháng. Giờ không đi lượm ve chai được thì mọi người xung quanh có gì sẽ mang đến cho, tôi dồn lại rồi Công chở ra vựa bán. Lâu lâu cũng bán được 70.000 - 100.000 đồng tiền ve chai, rồi mình dành dụm lo bữa ăn hằng ngày".

Nghe chị Tuyết kể, tôi không khỏi thắc mắc: "Từng đó sao đủ trang trải cuộc sống, việc học tập của Công, rồi bệnh tật phải lo thuốc thang?".

Công kể: "Việc học trên trường, em được cô giáo giúp đỡ. Không có tiền đóng học phí, cô chủ nhiệm vận động phụ huynh của lớp quyên góp để đóng cho em. Lễ trưởng thành vừa rồi cô cũng đóng tiền để em được đi dự. Rồi em học giỏi nên được nhận các suất học bổng của phường, quận. Đồ ăn uống hằng ngày thì mẹ quen biết mọi người, lâu lâu người ta cho rau, mấy hũ chao để dành ăn".

Chị Tuyết tiếp lời con trai: "Trước đây tôi đi bán vé số, cứ thấy ở đâu phát phiếu nhận quà, gạo từ thiện là lại xin. Giờ không đi bán nữa, người ta biết nên thường mang lại nhà cho. Ai cho gì cũng mừng, để còn có cái mà lo cho Công ăn học, vì giờ tôi bất lực rồi, đâu làm được gì nữa".

Tiền đâu để học đại học ?

Gặp Công, trên gương mặt rất sáng của em là đôi mắt u buồn, cả lúc em cười cũng không giấu được nỗi buồn sâu thẳm ấy.

Nhiều đêm trước khi ngủ, cứ suy nghĩ đến bệnh tình của mẹ là Công lại khóc. Nhưng em chỉ khóc một mình vì không muốn để mẹ biết. Đêm về, chị Tuyết cũng lén con mà khóc. Rồi hôm sau hai mẹ con lại kiên cường chiến đấu với ngày mới đầy rẫy những khó khăn.

Hoàn cảnh khốn cùng của cậu học trò xin được cứu giúp- Ảnh 2.

Hàng xóm thương nên mang ve chai đến cho, Công phụ mẹ chở ra vựa bán kiếm thêm ít đồng lo bữa ăn hằng ngày

NỮ VƯƠNG

"Lúc ba mất là mẹ đã phát hiện bị nhiễm bệnh, nhưng vì em còn nhỏ nên mẹ giấu. Mãi cho đến khi em học THCS, mẹ phát bệnh nặng, em mới biết. Sau này tìm hiểu, em biết được bệnh không thể chữa trị, kể từ đó em rất lo sợ. Ba mất, giờ mẹ mà có chuyện gì nữa thì…", bỏ lửng câu nói, đôi mắt Công ứa lệ.

Làm sao em có thể không khóc? Làm sao em có thể không đau? Cuộc đời đầy nghịch cảnh dường như chưa bỏ quên em ngày nào? Tôi hỏi em: "Giai đoạn nào em thấy khó khăn nhất?", Công trả lời: "Em thấy giai đoạn nào cũng khó khăn. Ngày nào cũng có khó khăn".

Công đi học thường phải mặc đồng phục cũ. Bạn cùng lớp nghỉ học, em xin đồng phục của bạn để mặc. Áo quần mặc ở nhà, giày dép em đi học cũng là của bạn cho.

Điều khiến chị Tuyết đau lòng nhất là bất lực nhìn con học giỏi nhưng không biết lấy đâu ra tiền để Công vào ĐH.

"Tôi sống nay chết mai, sợ con một mình không biết phải làm sao nên mỗi ngày đều động viên con ráng học để sau này có công ăn việc làm tự lo cho bản thân…", chị Tuyết khóc nghẹn, nghĩ về chặng đường phía trước của con.

Cô Nguyễn Thị Tâm, Bí thư Chi bộ KP.1 (P.9, Q.8), vừa nhắc đến Công đã rơi nước mắt: "Gia cảnh rất khó khăn nhưng Công học giỏi, ngoan và rất dễ thương, tôi rất cảm động. Đáng lẽ Công đã nghỉ học từ tiểu học vì không có tiền đóng học phí, nhưng chúng tôi luôn động viên. Ngoài sự quan tâm của phường, thì khu phố luôn tìm mọi cách, vận động quà, tập vở, học bổng để hỗ trợ cháu".

Cô Tâm không khỏi lo lắng: "Học phổ thông chi phí còn đỡ, lên ĐH thì không biết tiền đâu để đóng học phí. Chỉ mong cháu nhận được các suất hỗ trợ để có thể tiếp tục việc học".

Hiểu rõ hoàn cảnh của học trò mình, cô Võ Thị Hoàng Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8 Trường THPT Tạ Quang Bửu, vận động phụ huynh hỗ trợ đóng tiền học cho Công. Cô Hạnh nhìn nhận: "Công học lực giỏi, tính tình dễ thương và rất ngoan. Đặc biệt gia cảnh vô cùng khó khăn nhưng Công rất chịu khó, nếu được hỗ trợ để học tiếp thì sẽ rất có tương lai và em sẽ đi được rất xa".

Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Nguyễn Hoàng Thành Công, lớp 12A8 Trường THPT Tạ Quang Bửu (Q.8, TP.HCM), quý độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Vietcombank - chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Hoàng Thành Công; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Công trong thời gian sớm nhất.

Hoàn cảnh khốn cùng của cậu học trò xin được cứu giúp- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.