Hoang mang vụ bé trai 3 tuổi tử vong khi chơi cầu trượt ở trường

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
29/11/2019 08:12 GMT+7

Vụ việc một bé trai 34 tháng tuổi tử vong khi chơi cầu trượt tại Trường mầm non Phù Lỗ, H.Sóc Sơn, Hà Nội, một lần nữa khiến dư luận đau lòng và bất an về sự an toàn trong trường học .

Thông tin cháu bé tử vong được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội, kèm theo nhiều bình luận bày tỏ sự đau lòng, thương xót. Nhiều Facebooker có chung sự hoang mang, lo lắng vì những vụ tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm của học sinh xảy ra ngay trong môi trường học đường thời gian qua khiến các phụ huynh không thể an tâm ngay cả khi đã gửi con đến trường - nơi tưởng như an toàn nhất.
Nhiều cư dân mạng cũng nhắc lại cái chết thương tâm của cậu bé học sinh lớp 1 ở Trường Gateway đến nay vẫn còn trong vòng điều tra; hay như vụ việc một học sinh lớp 2 ở H.Mỹ Đức, Hà Nội, tử vong tại sân trường do bị điện giật vào cuối tháng 10 vừa qua...

Cầu trượt - nhà leo, nơi cháu bé bị mắc kẹt dẫn đến tử vong

Công an vào cuộc điều tra

Liên quan đến vụ bé 34 tháng tuổi tử vong khi chơi tại Trường mầm non Phù Lỗ, UBND H.Sóc Sơn đã có thông báo chính thức về sự việc. Theo đó, khoảng 8 giờ 45 ngày 25.11, trong giờ hoạt động ngoài trời của lớp nhà trẻ D2, cháu Đ.T (sinh ngày 30.1.2017) cùng các bạn tham gia trò chơi ở nhà leo nằm ngang thì bị tai nạn. Khi cháu T. chui vào đường ống hình vuông thì bị tuột phần chân và thân người qua ô thoáng hình chữ nhật, còn đầu thì bị mắc lại trong ống. Do chân cháu T. không chạm đất nên cháu bị treo lơ lửng dẫn đến ngất xỉu. Phát hiện sự việc, các cô giáo đã đưa T. vào phòng y tế sơ cứu ban đầu, sau đó đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Mặc dù các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư tận tình cứu chữa nhưng đến 21 giờ cùng ngày, cháu đã tử vong.
UBND H.Sóc Sơn đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT, Công an huyện, các cơ quan chức năng liên quan điều tra sự việc. Địa phương cũng đang làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có liên quan. Khi có kết luận chính thức, UBND huyện sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Ai kiểm nghiệm đồ chơi trước khi đưa vào trường học ?

Cháu bé tử vong do tai nạn khi chơi nhà leo nằm ngang - cầu trượt ở sân trường. Đây là loại đồ chơi rất phổ biến dành cho trẻ em đặt tại những sân chơi công cộng hoặc trường mầm non. Nhiều ý kiến cũng bình luận xoay quanh chất lượng của những thiết bị đồ chơi này ra sao và liệu nó có được kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn trước khi lắp đặt vào nhà trường hay sân chơi công cộng dành cho trẻ hay không?
“Quá đau lòng. Khi đưa những đồ chơi này vào trong nhà trường, không hiểu các ngành chức năng có đánh giá được hết rủi ro mà trẻ có thể gặp phải hay không? Vì giáo viên không thể nào quán xuyến hết được”..; “... Những người làm đồ chơi cho trẻ em nên dự đoán rủi ro do đồ chơi có thể gây ra. Không nên để tai nạn xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm, lúc đó đã trễ rồi”... là những bình luận phổ biến về vụ việc này.
Theo dõi của PV Thanh Niên cho thấy, văn bản, chỉ thị, hướng dẫn... về việc đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong trường học ở tất cả các cấp, từ bộ ngành đến địa phương lâu nay không thiếu. Sau mỗi vụ tai nạn lại có một văn bản, chỉ đạo nhắc lại nhằm cảnh báo và yêu cầu rà soát toàn bộ những nguy cơ có thể xảy ra mất an toàn cho học sinh.
Tuy nhiên, dường như vụ việc xảy ra dù đau lòng đến mấy cũng chỉ xôn xao một thời gian, các trường tăng cường rà soát. Nhưng khi sự việc lắng xuống, công tác rà soát cũng bị lãng quên luôn. Vì thế, đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của người đứng đầu, tất cả các vụ tai nạn xảy ra trong trường học thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng, sau đó mới kiểm điểm từng bộ phận phụ trách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.