Chương trình được phát trực tiếp lúc 8 giờ 30 trên các kênh online của Báo Thanh Niên: thanhnien.vn, YouTube Thanh Niên, Facebook.com/thanhnien, TikTok Thanh Niên.
Trong 4 tháng diễn ra (từ 1.6 - 30.9), cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây cũng như chuyên mục này trên Báo Thanh Niên được xem như cuốn nhật ký đẫm màu hoài niệm, đầy cung bậc cảm xúc của các tác giả trên mọi miền đất nước (và cả người Việt đang học tập, sinh sống ở nước ngoài) về tình đất và người miền Tây. Đặc biệt, với cuộc thi viết lần này, cùng hạng mục tản văn/tùy bút/ghi chép, còn có thêm hạng mục chính luận - với nhiều bài viết đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây để hưởng ứng Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vậy nên bên cạnh những trang viết lay động mang dấu ấn cá nhân, cuộc thi nhận không ít những hiến kế, gửi gắm khát khao, kỳ vọng về “một miền Tây phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần, trở thành vùng đất thịnh vượng, văn minh, là điểm sáng trên bản đồ VN và thế giới”.
Sách Nghĩa tình miền Tây |
t.n |
Là giám khảo của hạng mục tản văn/tùy bút/ghi chép, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã lưu tâm thật nhiều tới từng bài viết khi ghi chú kỹ càng trên các tác phẩm ấn tượng với mình. Chẳng hạn với bài Đình ông Nguyễn… (Nguyễn Chí Ngoan), chị nhận xét: “Khai thác đề tài độc, lạ - người dân hiếu kính với tiền (hiền) nhân”; với Mùa hạ, miệt thứ và tôi (Lê Thị Mỹ Thạnh), đó là bài viết “có duyên, sinh động”; còn Thương nhớ phù sa (Cao Thanh Mai) là “tác phẩm duy nhất về hiện thực không còn tươi đẹp của miền Tây”; hay với Nhớ hoài vị “kem chuối lắc” của mẹ ở làng xưa (Trịnh Thị Hải Yến) - một bài viết “cảm động”; ở Giỗ quải miền Tây (Lê Quang Trạng), tác giả đã “nhìn được cái tính miền Tây qua hai chữ bà con”…
Và theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Tôi tin những tác giả tham gia cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây bắt đầu những con chữ đầu tiên không phải bằng ham muốn giải thưởng, mà bởi những tình cảm sâu thẳm của mình đối với một vùng đất, và có cất lời bao nhiêu lần đi nữa, vẫn cảm giác chưa nói hết lòng mình”.
Trong khi đó, là giám khảo của cả hai hạng mục, nhà báo Trần Hoàng Tuyên - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Trưởng đại diện tạp chí Thế giới hội nhập tại ĐBSCL, nhìn nhận: “Nghĩa tình miền Tây là cơ hội để gợi lại, nhắc nhau, đánh thức và cùng hành động vì một tương lai bình yên, sự phát triển bền vững. Bằng những kiến thức, mối quan tâm và cách kiến giải, chúng ta có được những bài viết máu thịt với đồng bằng”.
Ra mắt sách Nghĩa tình miền Tây
Những bài viết chất lượng đã được ban giám khảo vòng sơ khảo chọn đăng trên chuyên trang của báo in, cũng như chuyên mục Nghĩa tình miền Tây trên thanhnien.vn, với tổng cộng gần 200 bài. Không chỉ vậy, trong lễ trao giải hôm nay, cuốn sách Nghĩa tình miền Tây - tuyển tập gồm 90 tác phẩm chất lượng từ cuộc thi cũng được phát hành.
Hạng mục tản văn, tùy bút, ghi chép:
- 1 giải nhất: Đình ông Nguyễn…, tác giả Nguyễn Chí Ngoan (Kiên Giang).
- 1 giải nhì: Mênh mang miền Tây một cõi, tác giả Linh Chi (Thừa Thiên-Huế).
- 2 giải ba: Làm rể miền Tây, tác giả Nguyễn Hội (Long An) và Miền Tây, thương nhau thương từ giọng điệu, tác giả Tạ Tư Vũ (TP.HCM).
- 6 giải khuyến khích (vì có 2 bài trùng số điểm nên Ban tổ chức quyết định tăng thêm 1 giải so với thể lệ): Mùa hạ, miệt thứ và tôi, tác giả Lê Thị Mỹ Thạnh (Phú Yên); Miền đất hứa, tác giả Thanh Hương (Cần Thơ); Giỗ quải miền Tây, tác giả Lê Quang Trạng (An Giang); Cô gái Khmer năm đó, tác giả Hoàng My (TP.HCM); Lòng người rộng như sông…, tác giả Nguyễn Thị Như Hiền (TP.HCM); Nhớ ngọn khói lam, thương bếp cà ràng, tác giả Tâm Lang (Bạc Liêu).
Hạng mục chính luận - tác phẩm đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây:
- 1 giải nhất: Định vị thành phố đảo động lực trên hành lang phát triển Tây Nam bộ, tác giả Lê Hồng Xương (TP.HCM).
- 1 giải nhì: Giải pháp “cứu” bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Lưu Đình Long (TP.HCM).
- 2 giải ba: Giới thiệu mô hình chỉnh thể sinh thái, tầm nhìn tới năm 2050 cho Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Mạc Yên (Cần Thơ); Phân tích yếu tố con người và đề xuất mô hình du lịch tình nguyện, khám phá phát triển cho một số dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Trần Công Tâm Anh (Nga).
- 5 giải khuyến khích: Thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Lê Văn Hưởng (Tiền Giang); Giành giật Đồng bằng sông Mekong với “cát tặc”, tác giả Trúc Tùng (TP.HCM); Vì một miền Tây thịnh vượng, tác giả Hạnh Phúc (Quảng Ngãi) và 2 tác phẩm của tác giả Đức Bảo (Khánh Hòa): Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc - góc nhìn khác từ Đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển nông nghiệp thích ứng và bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, còn có một giải phụ: Bài viết được yêu thích nhất (căn cứ lượt xem và like trên thanhnien.vn: Cần Thơ không cô đơn, tác giả Phan Hoàng Vinh (Cần Thơ); Bài viết hay nhất về quê hương Đồng Tháp Mười: Thả dớn đón cá linh non, tác giả Lê Nữ Kim Cương (TP.HCM).
Bình luận (0)