Kể chuyện thành Hà Nội xưa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/11/2019 06:11 GMT+7

Châu bản triều Nguyễn, những ảnh chụp... cho thấy thành Hà Nội đã thay đổi trong thế kỷ 19 và 20 như thế nào.

Hai tấm ảnh về điện Long Thiên thời Nguyễn và thời Pháp thuộc trong triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - dấu ấn một thời” đã cho thấy kiến trúc này thay đổi ra sao: Một với mái ngói sau thềm điện Long Thiên cùng cặp rồng đá thời Nguyễn; một tuy vẫn bậc thềm đó nhưng kiến trúc đằng sau đã hoàn toàn không còn. Triển lãm do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (Cục Văn thư lưu trữ nhà nước) thực hiện từ 22.11 tại Hoàng thành Thăng Long.

Những chuyến ngự giá và hành cung

Theo Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, dưới thời Nguyễn, thành Hà Nội dù không còn giữ vị trí trung tâm, song nơi đây vẫn đóng vai trò chính trị quan trọng. Thành Hà Nội được nhà Nguyễn cho xây dựng theo kiểu Vauban, trên nền của tòa thành cũ thời Lê. Điện Kính Thiên trở thành hành cung cho các vị vua triều Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Đó cũng là nơi để tổ chức đại lễ bang giao và các lễ tiết quan trọng.
“Các vị vua đầu triều Nguyễn, sau khi lên ngôi, đều thực hiện chuyến ngự giá Bắc tuần để xem cuộc sống của dân chúng và kiểm tra quan lại địa phương. Sử liệu có chép lại lần ngự giá Bắc tuần đầu tiên của vua Gia Long kéo dài từ 4.8.1803 - 8.2.1804 (âm lịch), lần cuối cùng dưới thời vua Khải Định năm 1918”, TS Nguyễn Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, cho biết.
Cũng theo bà Hoài, tại Thăng Long - Hà Nội, điện Kính Thiên được lựa chọn làm hành cung. Đây cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng mỗi khi các vua Nguyễn ngự giá. Năm 1816, tòa điện này được vua Gia Long cho xây dựng lại. Vua Thiệu Trị đã cho đổi tên điện Kính Thiên thành Long Thiên vào 1841. Đôi rồng chầu và bậc thềm đá phía trước điện được giữ nguyên từ thời Lê Sơ (thế kỷ 15) cho đến nay.
Tại triển lãm, không chỉ có hình ảnh điện Kính Thiên xưa, mà còn có các văn bản liên quan đến những lần vua ngự giá Bắc tuần. Chẳng hạn, công chúng được xem bản tấu của Bộ Lễ ngày 14.3 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) về việc chọn cử người phụ trách các vị trí tiếp đón sứ thần trong thành Hà Nội nhân dịp đại lễ bang giao. Một văn bản khác vào năm 1841 lại liên quan đến việc thông báo đại lễ bang giao, ngự giá sẽ ra Bắc. Vì vậy, cần xây dựng, bài trí hành cung Hà Nội để làm nơi cho vua nghỉ. Kèm theo đó, cũng có văn bản năm 1841 về việc bổ nhiệm chức tuần phủ và đề đốc Hà Nội để chuẩn bị cho đại lễ bang giao và tiếp đoàn ngự giá đến hành cung Bắc thành. Cũng còn có cả văn bản năm 1805 về việc cho tháo dỡ gỗ ngói từ miếu nhà Lê ở Bắc thành (tức cung điện trong hoàng thành) chuyển vào xây dựng miếu nhà Lê ở Lam Sơn - Thanh Hóa.
Kể chuyện thành Hà Nội xưa1

Điện Long Thiên đã bị phá hủy, chỉ còn lại đôi rồng và bậc thềm đá, đầu thế kỷ 20

Hoàng thành thay đổi

Tư liệu Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 cho thấy, nửa cuối thế kỷ 19, quân đội Pháp đã 2 lần đánh chiếm thành Hà Nội, vào năm 1873 và 1882. Sau thời gian từ 1883 - 1888, với sự tồn tại song song 2 chính quyền: triều đình nhà Nguyễn và Pháp, ngày 3.10.1888, Hà Nội chính thức trở thành nhượng địa của Pháp, theo Dụ của vua Đồng Khánh. “Lúc này, dưới sự tác động của người Pháp, thành Hà Nội có nhiều biến đổi về kiến trúc cũng như công năng. Từ 1883 - 1897, chính quyền Pháp đã tiến hành cải tạo, phá bỏ các công trình cũ bên trong thành và một số công trình phụ cận, đồng thời xây dựng các công trình mới để phục vụ mục đích quân sự”, bà Thu Hoài cho biết.
Liên quan đến những cuộc chiếm thành này, trung tâm công bố một số bản phụng Thượng Dụ của Cơ mật viện thời Tự Đức năm 1873. Chẳng hạn, văn bản ngày 15.10 truyền Dụ kêu gọi nhân dân, hào kiệt chiêu mộ sức người, sức của, đồng tâm hiệp lực sớm lấy lại thành Hà Nội. Văn bản ngày 6.10 lại nói đến việc cho Nguyễn Tri Phương (Tổng đốc thành Hà Nội khi đó) tập hợp quân sĩ, tìm cách đánh chiếm lại thành Hà Nội. Đặc biệt, bản phụng Thượng Dụ của Cơ mật viện ngày 21.11 nói về việc xét xử quan chức để thất thủ thành Hà Nội.
Thời kỳ quân đội Pháp xây dựng các công trình mới và các doanh trại trong thành Hà Nội cũng được tái hiện qua văn bản cũng như hình ảnh tại trưng bày. Ở đây, có bức thư số 667 ngày 11.7.1882 của Henri Rivière, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, gửi Tổng đốc Hà Nội trả lời yêu cầu về việc trao trả điện Kính Thiên, Trung tâm lưu trữ quốc gia 1. Cũng có cả Dụ của vua Đồng Khánh ngày 3.10.1888 về việc xây dựng các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng thành các khu nhượng địa Pháp...
Các hình ảnh cho thấy điện Long Thiên được xây công sự bảo vệ phía trước và dựng 2 tòa nhà ở hai bên vào năm 1886. Tư liệu ảnh cũng cho thấy trụ sở Ban Chỉ huy pháo binh quân đội Pháp được xây dựng năm 1887 trên nền của điện Long Thiên bị phá hủy năm 1886 và thành Cửa Bắc cũng khác lạ so với ngày nay… 
Triển lãm được bố cục thành 2 phần. Phần 1: Nhà Nguyễn với thành Thăng Long - Hà Nội; Phần 2: Người Pháp với thành Hà Nội.
“Triển lãm giới thiệu gần 100 tài liệu, tư liệu, bản đồ, bản vẽ, hình ảnh tiêu biểu về thành Hà Nội giai đoạn từ 1802 - 1945. Đặc biệt, tại triển lãm này, lần đầu tiên các tài liệu Châu bản triều Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới của UNESCO được trưng bày trong không gian của di sản Hoàng thành Thăng Long”, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.