Năm 1946, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra định nghĩa về sức khỏe, đó là: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tâm hồn, xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật”.
Định nghĩa này, mang nhiều ý nghĩa, nhất là trong những lúc con người, cộng đồng gặp khó khăn như bệnh dịch đang diễn ra phức tạp. Bởi lẽ, không ít người trong cơn đại dịch Covid-19 đang diễn ra đã rơi vào tình trạng suy nhược từ thể xác đến tinh thần, sang chấn tâm lý, căng thẳng, thất vọng…, những dấu hiệu cảnh báo họ đang bị stress.
Ngay từ thời xa xưa con người đã nhận thức sâu sắc về yếu tố tịnh hóa tâm hồn mới đem lại sức khỏe đích thực. Một người có tâm hồn lạc quan, tư tưởng thanh cao, khoan dung độ lượng chan hòa tình yêu thương trong cuộc sống, sẽ luôn cảm thấy yêu đời và luôn có một sức khỏe sung mãn. Ngược lại, những lo toan, ẩn ức, tiêu cực thái quá có thể dẫn đến sự suy sụp tinh thần, bệnh tật phát sinh.
Biện pháp giãn cách xã hội mà TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đang thực hiện là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus trong cơn đại dịch,… Nếu thời hiện đại chúng ta thường thấy hình ảnh của sự gấp gáp, vội vã và xem “sống chậm” là biểu hiện của tính thụ động, thì trong cơn đại dịch này đã khiến con người phải cân bằng lại, phải sống chậm, phải tự cách ly để bảo vệ mình, cộng đồng của mình.
Không chỉ vì cơn đại dịch, mà ngày nay nhiều quốc gia ra sức khuyến khích sống chậm giữa cuộc đời nhanh, để tạo sự cân bằng, được trở về với thiên nhiên, với chính mình. Sống chậm nhưng lúc nào thần cũng định, trí cũng sáng và tâm cũng an. Thật vậy, trong khoảng thời gian này, dù muốn hay không thì có lẽ sự tĩnh lặng, sống chậm thật sự cần thiết, mỗi người tự chọn cho mình một nơi chốn yên bình để sống an lành, giữ tâm phẳng lặng.
Tuy vậy, sự bình an đến từ ngoại cảnh là có, nhưng sẽ không bền vì ngoại cảnh luôn biến động, thay đổi. Sự bình an đích thực và lâu bền nhất chỉ nảy nở, khởi phát từ trong chính bản thân mình “tâm an vạn sự an” là vậy. Khi đó, trong lòng người, sự tĩnh lặng sẽ quay về và sẽ làm thức tỉnh sự bình an.
Tôi cũng cố gắng bình an giữa tâm dịch Covid-19 bằng những hành động thiết thực, như tập trung cho chuyên môn, công việc, sắp xếp lại kệ sách, lên ý tưởng cho những dự định xa hơn, thường xuyên đọc tin tức, tham gia những hoạt động thiện nguyện theo khả năng, điều kiện của mình… Bởi lẽ, sự nhàn tâm này không phải là lánh đời, mà là tập cách sống lạc quan, ung dung tự tại trước thời cuộc và là “cơ hội” giúp cho sự tử tế, thiện lương được trau dồi trước những khó khăn chung của xã hội bằng sự thấu hiểu hơn, khoan dung hơn và yêu thương hơn.
Do vậy, giữa cơn đại dịch Covid-19, thiết nghĩ chúng ta cần giữ tinh thần lạc quan, bình tĩnh, có lối sống giản dị, tìm cách giúp đỡ cộng đồng, người yếu thế, rèn luyện thể chất,... để bảo vệ sức khỏe - “tài sản quý nhất” của đời người.
Bình luận (0)