Đó là dự án khởi nghiệp du lịch C2T của nhóm 6 thành viên gồm: Trương Thế Vy, Nguyễn Duy Khang (cùng 33 tuổi), Trình Ngọc Dũng, Trần Thị Kim Ngọc (cùng 34 tuổi), Võ Văn Phong, Lê Triều Vũ (cùng 38 tuổi) đều chung niềm đam mê phát triển du lịch địa phương ở tỉnh Bến Tre.
Dịch bệnh ảnh hưởng rất nặng đến ngành du lịch, thế nhưng nhờ chuẩn bị cẩn trọng nhiều phương án ngay từ đầu, cộng với sự linh động thích ứng, các thành viên sáng lập của C2T đã đưa dự án khởi nghiệp của mình vượt khó, gia tăng doanh số và giúp những nhân viên làm du lịch không bị thất nghiệp mùa dịch.
Tận dụng tốt dữ liệu khách hàng cũ
Trong một cuộc thi khởi nghiệp ở TP.HCM mới đây, anh Võ Văn Phong (1 trong 6 thành viên sáng lập C2T) đã kể câu chuyện khởi nghiệp vượt dịch Covid-19 của nhóm khiến nhiều người trầm trồ và ngưỡng mộ.
C2T thực hiện tour trải nghiệm du lịch vùng xanh Bến Tre |
NVCC |
Anh Phong kể trong dịch bệnh các doanh nghiệp du lịch bế tắc và bị điêu đứng, lúc này anh em trong nhóm ngồi lại với nhau, đưa mô hình kinh doanh lên chỉnh sửa và xem dự án của mình đang có cái gì. Lúc này C2T còn 15.000 khách hàng, trên Facebook thì có khoảng 200.000 lượt theo dõi.
“Chính vì vậy, tụi mình chọn cách tương tác với khách hàng cũ, hỏi họ hôm nay ăn gì và muốn cái gì. Và tìm mọi cách để thay đổi, không đi du lịch nữa thì biến nông sản, đặc sản ở Bến Tre là thực phẩm thiết yếu để cung cấp cho nhóm khách hàng đã từng đi du lịch, từng tương tác với mình trên Facebook. Đổi kênh giá trị thành cung cấp thực phẩm thiết yếu như tôm, cá, gà, vịt, nông sản và đặc sản…”, anh Phong kể.
Anh Phong cho biết thêm khi tỉnh Bến Tre thực hiện Chỉ thị 16, không thể đi lại được thì các mặt hàng nông sản, thủy sản cũng không bán được nên nhóm chuyển qua giao hàng, cung cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại chỗ ở địa phương cũng như TP.HCM. Giải cứu được khoảng 8.500 con vịt, 4.000 con gà, 270 con heo cho bà con nông dân, nhưng cũng tạo ra nguồn thu từ việc shipper bán nông sản, đặc sản và bán hàng trực tuyến.
“Ngày xưa đối tác của C2T là homestay, nhà hàng, khách sạn… bây giờ là nông dân, người đánh bắt, các ghe cào, những người nuôi vịt, nuôi heo và trồng rau củ quả. Lúc này tất cả hướng dẫn viên du lịch chuyển sang làm shipper. Do có sự chuẩn bị trước, nên tụi mình đã thay đổi giấy phép kinh doanh, bổ sung thêm ngành nghề, từ đó mới thuận tiện trong việc đi giao hàng và vượt qua cơn bão Covid”, anh Phong bày tỏ.
Điều đặc biệt, anh Phong cho biết việc bán hàng trực tuyến và tận dụng tốt dữ liệu khách hàng cũ giúp nhóm tiết giảm được nhiều chi phí: “Thay vì bỏ chi phí để quảng cáo thì mình tương tác với khách hàng cũ. Những khách hàng đi du lịch của mình trước đây thì giờ họ cũng đang rất cần nhu cầu ăn uống, thực phẩm. Tận dụng thời gian mùa dịch mọi người ở nhà trực tuyến thường xuyên nên mình nhắn tin trên Facebook, Zalo với khách hàng. Lập thêm các trang fanpage và có được lượng tương tác rất tốt trên đó”.
Từ những hướng dẫn viên du lịch trở thành shipper mùa dịch |
Làm khởi nghiệp phải có sự chuẩn bị
Bên cạnh đó, anh Phong cho biết C2T còn phát triển thêm hình thức du lịch trực tuyến: “Bằng cách dùng các nền tảng như Meet, Zoom… trong nhóm chung tạo với khách hàng và gửi đường dẫn thông báo cho mọi người là ngày mai mình có tour du lịch miễn phí, anh chị nào có muốn tham gia du lịch trực tuyến không? Mọi người ở nhà mùa dịch cũng rảnh thời gian mà lại căng thẳng tinh thần nên sẽ thích tham gia”.
Anh Phong phân tích khi mọi người tham gia vào tour du lịch trực tuyến thì đầu tiên sẽ xem tour mới này có gì độc đáo để khi hết dịch sẽ đi và trực tiếp trải nghiệm. Không những thế, khách hàng cũng có thể nói chuyện được với người nông dân đang đánh bắt, biết được con tôm, con cá đó đang được đánh bắt như thế nào… từ đó họ tin tưởng, thấy tươi ngon và muốn đặt mua. Lúc đó các thành viên trong C2T chính là đơn vị đứng giữa để tiếp nhận đơn hàng và giao cho khách.
“Cách này sẽ tạo được sự hứng thú và trực quan cho khách hàng, hơn là việc mình quay một clip sẵn và gửi thì khách hàng sẽ không có được cảm xúc do không tương tác được với ngư dân, nông dân ở hiện trường”, anh Phong chia sẻ.
Ngoài ra, chính những người ở địa phương cũng vì dịch mà không thể đi du lịch, thì các bạn đã linh động tạo ra sản phẩm tour du lịch mới để người dân địa phương trải nghiệm nông sản, đặc sản và cảnh sắc quê hương mình thông qua hình thức du lịch trải nghiệm sông nước, xuống tàu và tách biệt hoàn toàn, không tập trung đông đúc…
Khi được hỏi về nguồn thu, anh Phong tự hào chia sẻ: “Ngày xưa làm du lịch thì chỉ có nguồn thu vào cuối tuần, nhưng khi đại dịch Covid-19 quét qua, ngày nào tụi mình cũng có nguồn thu rất ổn và tốt. Thậm chí doanh số tăng gấp đôi, gấp 3 lần trước đây. Tiền lời không chỉ đủ nuôi quân mà còn tăng 200% so với lúc chưa có dịch”.
Điều đặc biệt, trong khi đại dịch khiến người làm du lịch phải chuyển qua ngành nghề khác hoặc thất nghiệp thì mục tiêu của tất cả thành viên C2T là khi dịch Covid-19 đi qua vẫn nuôi và giữ được nguồn nhân lực đó.
Không phải ngẫu nhiên đạt được thành quả đáng ngạc nhiên trong mùa dịch như vậy, mà đó là sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng của nhóm.
“Trước khi khởi nghiệp thì tụi mình đã dựng ra những bức tranh sẵn, đó gọi là quản trị rủi ro. Khi khủng hoảng, C2T không còn phải quản trị khủng hoảng nữa mà là quản trị an toàn. Khi nhìn được bức tranh của thế giới trước đó thì chúng mình sẽ có sự chuẩn bị và lên kịch bản trước. Khởi nghiệp mà không có sự chuẩn bị thì dễ bị hoảng loạn, loay hoay trong khủng hoảng. Và sự chuẩn bị sẽ giúp mình chủ động hơn”, anh Phong chia sẻ.
Bình luận (0)