Tuổi thơ của Nguyễn Thị Mến gắn liền với vùng quê nông nghiệp thuộc xã Lát (H.Lạc Dương, Lâm Đồng) nên chị đã sớm cảm nhận được những lo toan, vất vả của người nông dân.
Chị Nguyễn Thị Mến với sản phẩm hồng treo gió công nghệ Nhật Bản |
NVCC |
Khi 23 tuổi, vừa rời giảng đường, Mến bắt đầu khởi nghiệp với mục tiêu nâng tầm nông sản Đà Lạt, hỗ trợ bà con nông dân có đầu ra ổn định, đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm Đà Lạt chất lượng và chính gốc.
Sau nhiều thời gian tìm tòi, suy nghĩ, chị Mến thành lập website dacsandalat.com.vn, đăng tin trên các trang rao vặt, mạng xã hội để quảng bá và tăng sự tiếp cận của khách hàng với nông sản Đà Lạt.
“Thời gian đầu chỉ 1 - 2 khách hỏi mua, nhưng dần dần, nhờ nhiều người giới thiệu, sản phẩm chất lượng nên lượng khách hàng bắt đầu tăng lên. Sản phẩm chủ lực ban đầu là hồng sấy dẻo, hồng treo gió công nghệ Nhật Bản được nhiều người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài quan tâm, chọn làm quà biếu và gửi đi khắp thế giới”, chị cho biết.
Chị Mến thành lập công ty chuyên sản xuất, kinh doanh nông sản, đặc sản Đà Lạt để có tư cách pháp nhân, tạo niềm tin, uy tín khi làm việc với các đối tác. Chị không ngần ngại đầu tư vào các dự án con về các loại nông sản Đà Lạt trên nền thương mại điện tử.
Trong thương mại điện tử, công ty của chị xây dựng nhiều tên miền liên quan trực tiếp đến sản phẩm giúp khách hàng dễ nhận diện, ghi nhớ và có niềm tin với sản phẩm. Hơn nữa, tên miền cũng chính là từ khóa để các công cụ tìm kiếm đánh giá tốt hơn, giúp cải thiện thứ hạng tìm kiếm, từ đó dễ dàng tiếp cận với người dùng online, gia tăng doanh số bán hàng; sở hữu và giữ được “tài sản online” cho địa phương, quốc gia để không bị rơi vào tay các đối thủ nước ngoài.
Đến nay, chị Mến liên kết và trực tiếp, gián tiếp bao tiêu nông sản cho hơn 500 bà con nông dân và tạo công ăn việc làm cho 30 thanh niên trong tỉnh. Hàng chục loại đặc sản Đà Lạt đã có mặt tại hầu hết các địa phương trong nước và xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, khi đại dịch Covid-19 ập đến, doanh thu mặt hàng đặc sản khô của công ty lập tức bị ảnh hưởng, sản lượng sụt giảm đến 80%. Nguyên nhân đến từ việc các cửa hàng phân phối tại sân bay ế ẩm do ít chuyến bay, các trung tâm thương mại bị đóng cửa, khách du lịch đến TP.Đà Lạt sụt giảm.
Trước tình trạng này, chị Mến đã linh hoạt chuyển đổi kế hoạch kinh doanh để vượt qua, bằng cách thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường. Nếu trước đây công ty chủ yếu bán sỉ nông sản như rau củ, dâu tây, atiso tươi, bơ, phúc bồn tử đen… cho các cửa hàng, chuỗi siêu thị mini, thì khi dịch ập đến, chị Mến triển khai bán lẻ kết hợp bán sỉ như trước đây. Bên cạnh đó còn phát triển gói combo rau, củ, quả tươi theo kiểu “đi chợ hộ”.
Công ty đã nghiên cứu và nhận thấy nhu cầu thị trường đối với hình thức bán combo này rất lớn. Mỗi combo là một thùng rau, củ, quả để các gia đình ăn từng tuần với giá từ 190.000 - 300.000 đồng, phù hợp với giai đoạn người dân phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội.
Ngoài ra, công ty đã xây dựng trang web để đẩy mạnh bán hàng thông qua kênh trực tuyến. Và công ty đã thành công với mô hình này. Theo chị Mến, chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua được đại dịch chính là sự linh động và thích nghi. Hai năm dịch, công ty vẫn đạt doanh thu 20 tỉ đồng (năm 2020) và 15 tỉ đồng (năm 2021).
“Đến nay tôi cảm thấy tự hào bởi đã hoàn thành sứ mệnh nâng tầm nông sản Đà Lạt, hỗ trợ nhiều bà con nông dân có đầu ra ổn định, đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm Đà Lạt chất lượng, chính gốc. Trong tương lai, tôi muốn tạo dựng một thương hiệu Việt “để đời”, vươn tầm quốc tế và có tính kế thừa”, chị Mến nói.
Chị Nguyễn Thị Mến đã đạt các danh hiệu: Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng 2019; Gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu cụm Tây nguyên năm 2021; Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2021; Giải thưởng Lương Định Của năm 2021…
Bình luận (0)