Hôm qua 12.11, báo cáo trước Quốc hội và trả lời chất vấn của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẽ dồn tổng lực kiểm soát dịch bệnh, kích thích kinh tế để Việt Nam không bị tụt hậu, lỡ nhịp phục hồi so với thế giới.
Trước khi bước vào phiên chất vấn tại Quốc hội (QH), Thủ tướng giải trình thêm một số vấn đề “nóng” về các giải pháp mà các đại biểu (ĐB) quan tâm trong hơn 2 ngày chất vấn vừa qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước quốc hội: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" để chống dịch Covid-19 |
Trong “nguy” có “cơ”
Theo Thủ tướng, như nhiều ĐB nhận định, đại dịch đã khẳng định những kết quả đáng trân trọng mà Việt Nam đã đạt được, ngược lại “cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập có tính hệ thống của nhiều ngành, nhiều cấp”. Tuy nhiên, ông khẳng định trong “nguy” có “cơ”, tạo ra áp lực và là động lực để các cấp, các ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp (DN) phải tiếp tục đổi mới để thích ứng với tình hình mới.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vắc xin trên toàn quốc; chủ động chuẩn bị thuốc điều trị; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để phát triển KT-XH; tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, DN.
Mặt bằng trung tâm TP.HCM "hồi sinh" nhờ loạt quán xá vực dậy sau giãn cách |
Đưa sân bay Long Thành vào vận hành cuối năm 2025
Báo cáo trước QH về tiến độ các dự án trọng điểm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự án sân bay quốc tế Long Thành bị chậm, Chính phủ giao Bộ KH-ĐT thuê tư vấn nước ngoài đánh giá toàn bộ dự án nên dù bộ này trình từ tháng 7.2019, nhưng đến tháng 12.2020 mới chính thức phê duyệt. Tới nay, chỉ có việc giải phóng mặt bằng còn chậm, do tỉnh Đồng Nai mới giải ngân được 47% tổng số vốn 22.000 tỉ đồng cho công tác này. Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT cam kết sẽ “đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 vận hành vào cuối năm 2025” theo đúng kế hoạch.
“Chính phủ quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; cơ bản không để cản trở, ách tắc trong vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022 và những năm tiếp theo”, Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng, hiện nay, nhiều quốc gia, đối tác lớn về thương mại, đầu tư của ta đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. “Đây vừa là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH, nhưng cũng vừa là thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Thời gian tới, Thủ tướng cho hay Chính phủ xác định chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển
KT-XH sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, đặc biệt chú trọng phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, lao động an toàn, thông suốt; khắc phục nhanh những bất cập, vướng mắc; hỗ trợ kịp thời, thiết thực, hiệu quả người dân, DN.
Chính phủ quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh |
Khả Hòa |
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo để từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, bảo đảm thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) mong muốn Thủ tướng cho biết sẽ có định hướng, giải pháp căn cơ nào thực hiện thành công mục tiêu thời gian tới. Thủ tướng cho hay thứ nhất những gì là việc thường xuyên thì vẫn phải làm. Thứ hai, Chính phủ coi chương trình phục hồi kinh tế là đột phá. Trên cơ sở Nghị quyết của T.Ư, Chính phủ đang phối hợp với QH xây dựng chương trình này. Thứ ba, nâng cao năng lực y tế. “Quý 3 tăng trưởng âm vì thực hiện giải pháp hành chính để chống dịch. Trong chương trình phục hồi kinh tế này, thì đầu tiên phải nâng cao năng lực y tế”, Thủ tướng nhận định và cho biết mọi giải pháp cũng đều phải hỗ trợ cho con người, đặc biệt là an sinh xã hội.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”
Dành khá nhiều thời gian thông tin về chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 để thích nghi an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo cơ sở cho chương trình phục hồi kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kết quả hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 128 đã chứng minh chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là phù hợp. “Tuy còn có nhiều ổ dịch xuất hiện, nhưng trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KT-XH, thực hiện kiểm soát rủi ro”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới dự báo dịch có thể còn kéo dài với khả năng xuất hiện biến chủng mới, nên công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế phải vận dụng phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
“Điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KT-XH phù hợp, hiệu quả”, Thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ sẽ tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở từ nay đến hết năm 2022; tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi cho 100% đối tượng cần thiết.
Ông cũng cho biết Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, ngành khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập trong chính sách hỗ trợ người dân, người lao động; tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là các cháu mồ côi do dịch Covid-19; củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.
Mở cửa trường học trong năm 2021
Về giáo dục, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: “Việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vắc xin cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu”. Đồng tình với ý kiến của nhiều vị ĐBQH về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.
Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ yêu cầu bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang bị chậm thời gian qua.
Chính sách đặc thù phát triển ĐBSCL
Tại phiên chất vấn, nhiều ĐB nêu vấn đề chính sách để ưu tiên phát triển ĐBSCL xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của vùng này.
Thủ tướng cho biết vừa qua Chính phủ có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL, trong đó có chủ trương ưu tiên phát triển khu vực này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh muốn chủ trương đi vào cuộc sống phải có cơ chế chính sách.
“Sắp tới, Chính phủ sẽ xin cấp thẩm quyền về các cơ chế chính sách cụ thể phát triển ĐBSCL để giải quyết 3 hạ tầng này. Có hạ tầng thì mới có DN đầu tư và DN đầu tư thì mới tạo ra việc làm, có sinh kế cho người dân”, Thủ tướng nói.
Bình luận (0)