Không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp: Sẽ bớt coi trọng bằng cấp?

Hà Ánh
Hà Ánh
08/10/2019 09:08 GMT+7

Dư luận xã hội những ngày gần đây xôn xao về dự thảo vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến xung quanh việc không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp ĐH. Bên cạnh ý kiến cho rằng quy định này 'cào bằng' đánh giá người học thì không ít người ủng hộ cách làm mới này.

 

Theo thông lệ quốc tế

Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo lần 1 Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng tốt nghiệp ĐH. Dự thảo này nêu rõ 10 nội dung chính được thể hiện trên văn bằng giáo dục ĐH và cũng cho phép các cơ sở đào tạo được bổ sung thêm nhiều nội dung khác phù hợp với quy định pháp luật. Nếu so với quy định cũ thì ở dự thảo mới bằng tốt nghiệp sẽ không ghi xếp loại theo các mức như trước gồm: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đã có thông tin lý giải việc công bố dự thảo dựa trên quy định mới của luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 1.7). Theo đó, luật quy định đối với giáo dục ĐH, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng. Trong phụ lục văn bằng sẽ gồm thông tin của người học như: người được cấp bằng, quá trình đào tạo và cấp bằng, trình độ đào tạo, hình thức đào tạo... Đặc biệt là các thông tin về kết quả học tập có bao gồm điểm xếp loại tốt nghiệp và xếp loại tốt nghiệp.
Theo ông Trinh, việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư này, ban soạn thảo đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia. Quy định như trong dự thảo thông tư về nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục ĐH VN với các nước.

Bớt sự chú ý vào bằng cấp

Trước các thông tin trên, một số người từng học tập ở nước ngoài bày tỏ sự đồng tình với cách làm mới này.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết bản thân ĐH Quốc gia TP.HCM từng có giai đoạn không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp. Quyết định này đã được ĐH Quốc gia TP.HCM tham khảo cách làm của các trường ĐH ở nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng sau đó, ĐH này quay trở lại cách làm cũ là ghi xếp loại cho phù hợp với quy định chung của Bộ GD-ĐT.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa nói: “Cách làm này với thế giới không lạ, còn ở VN ban đầu thì chưa quen nhưng có thể chấp nhận được. Không thể hiện xếp loại tốt nghiệp trên bằng sẽ là một cách để xã hội dần đi vào thực tế, đánh giá năng lực thật của người lao động và bớt chú ý bằng cấp hơn”.
Theo ông Nghĩa, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu sâu về người học thì nghiên cứu thêm bảng điểm, phụ lục văn bằng. “Hơn nữa, thực tế cho thấy việc xếp loại người học không có giá trị tuyệt đối và như nhau giữa các trường hoặc các ngành nghề khác nhau trong cùng một trường. Một sinh viên trung bình khá của một trường đánh giá chặt chẽ có thể ngang bằng với sinh viên giỏi của một trường bình thường”, ông Nghĩa lý giải thêm.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng cho rằng việc không ghi xếp loại thì tốt hơn. Từ đó sẽ giúp việc đánh giá, nhìn nhận không chạy theo điểm số và hướng tới việc học thực chất hơn.
Ông Khang phân tích thêm: “Năng lực một người sẽ được đánh giá trên 3 mặt: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó kiến thức chiếm một phần nhỏ. Như vậy có thể thấy, điểm số ở đây không có vai trò quá lớn”. Cũng theo ông Khang, xu hướng đánh giá này có thể nhìn thấy trong việc cấp xét học bổng cho sinh viên của nhiều trường ĐH lớn trên thế giới, trong đó bên cạnh bảng điểm thì phần rất quan trọng là kỹ năng và thái độ thông qua các hoạt động đóng góp cho xã hội.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cũng ủng hộ việc không ghi xếp loại này. Ông Phong lý giải, ở góc độ người học thì bằng cấp luôn là niềm tự hào, nhất là bằng ĐH. Bằng này cần được thiết kế và trao tặng một cách chỉn chu, trang trọng.
“Nhưng về mục đích sử dụng, phần lớn người nhận bằng sẽ sử dụng cho công việc. Khi tuyển dụng, doanh nghiệp cần nhiều thông tin hơn mà bằng này dù có nội dung xếp loại cũng không thể hiện đủ”, ông Phong lý giải.

Ghi xếp loại cũng chưa quyết định được tuyển dụng hay không

Khi đi xin việc, nội dung xếp loại nếu được ghi cũng chưa quyết định việc được tuyển dụng hay không. Nếu bằng tốt nghiệp ghi xếp loại giỏi thì cũng chỉ là một ưu thế ở vòng đầu tiên, còn vòng sau đó người xin việc cần thể hiện được các năng lực thực sự phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Nguyễn Hoàng Thị Khuê, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM

Sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn kỹ vào bảng điểm hơn

Bằng ĐH không phải sự thể hiện tất cả của thành công. Không ghi xếp loại trên bằng sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn kỹ vào bảng điểm hơn và các giấy chứng nhận, giấy khen, thành tích học tập và quá trình phấn đấu để đánh giá rõ hơn năng lực của sinh viên. Đi làm đòi hỏi khả năng thích ứng tốt với môi trường xung quanh. Nếu chỉ có điểm giỏi mà không có kỹ năng cần thiết, thái độ đủ tốt để thích ứng cũng sẽ bị đào thải. Đó lý giải cho rất nhiều sinh viên có bằng ĐH cũng bị thất nghiệp. Tất cả các trường ĐH đều cấp bằng tốt nghiệp trong khi chất lượng đào tạo khác nhau, chương trình khác nhau. Nếu ghi xếp loại trên bằng, nếu nhà tuyển dụng không tìm hiểu kỹ thì sẽ thiệt thòi cho sinh viên những trường có đánh giá chặt chẽ.
Ngô Thị Kiều Nhi, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.