Không thể nói 'chậm' là xong

12/04/2022 04:18 GMT+7

Được coi như tác động chủ công trong phục hồi kinh tế, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quý đầu tiên của năm nay vẫn thấp.

Đáng nói, giải ngân vốn ODA hầu như chưa thực hiện khi mới đạt tỷ lệ chưa tới 1% trong 3 tháng đầu năm.

Xác định đầu tư công sẽ dẫn dắt các nguồn vốn tư, vốn ngoại nên ngay trong Tết Nguyên đán vừa rồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến nhiều công trường trọng điểm động viên, khuyến khích các doanh nghiệp bảo đảm tiến độ thi công. Sau tết, Thủ tướng cũng đã ký công điện gửi các bộ, ngành cũng như lãnh đạo các tỉnh, thành trên cả nước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Những chỉ đạo như thế này diễn ra ở nhiều cuộc họp kinh tế - xã hội, họp thường kỳ Chính phủ cho thấy tầm quan trọng của việc giải ngân vốn đầu tư công cũng như sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ.

Thế nhưng, kết quả của quý 1 như nói trên, thật đáng thất vọng. Nguyên nhân, lý do đều đã được mổ xẻ, cũng không có gì mới mẻ. Do dịch, do thủ tục, giá vật tư vật liệu tăng cao làm đội vốn... Trong đó, lý do nổi bật mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong cuộc họp về vấn đề này nói thẳng là trách nhiệm của chủ đầu tư, một số cơ quan bộ ngành địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ...

Điều Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói hoàn toàn chính xác bởi cùng một cơ chế, chính sách nhưng có nơi giải ngân tốt và có những nơi vin hết cớ này đến cớ khác.

Nhưng vin cớ gì đi chăng nữa thì với những bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công rõ ràng đang “đủng đỉnh”, trái ngược với sự quyết liệt của Chính phủ. Mà “đủng đỉnh” ngày nào thì cơ hội phục hồi kinh tế mất ngày đó. Trong khi cơ hội phục hồi chính là tăng tổng cầu trong nền kinh tế, tạo công ăn việc làm của rất nhiều người lao động, hoạt động kinh doanh của hệ thống sản xuất, các chỉ tiêu tăng trưởng GDP, tăng sự cạnh tranh cho môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài... Thế nên, nói “chậm” thì đơn giản nhưng hệ quả của nó nếu phân tích chi tiết ra mới thấy tác động rất lớn, rất rộng.

Trong quá khứ, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm đã gây ra những sự lãng phí khổng lồ khi dự án bị đội vốn lên gấp nhiều lần, chậm phát huy các hiệu quả kinh tế xã hội, làm tăng nợ công, mất uy tín với các nhà “chủ”. Vì vậy, khi có đầu mối chịu trách nhiệm, cần phải truy trách nhiệm, chế tài làm gương. Ai “đủng đỉnh”, cần dẹp sang một bên để người khác làm, đúng như tinh thần mà Chính phủ chỉ đạo: Nơi nào chưa quyết liệt, phải nhường chỗ cho những người thực sự dám nghĩ, dám làm.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục; du lịch hàng không đang tăng tốc; tiêu dùng trong dân chúng cũng được kích hoạt... nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Vì thế, không nên để sự ì ạch của một số bộ ngành, một số địa phương mà kéo chậm cỗ máy tăng trưởng.

Nếu vốn công thực hiện đúng vai trò dẫn dắt, tổng cầu được kích hoạt... kinh tế năm nay không chỉ phục hồi mà chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng lạc quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.