Xin bà cho biết các di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh thì như thế nào?
Trước hết phải khẳng định là sau khi ghi danh các di sản của chúng ta đều tốt lên. Tuy nhiên, mức độ tốt lên không giống nhau.
Thưa bà, Hội Gióng thời kỳ đầu bị lên tiếng vì sân khấu hóa, “quan hóa”?
Đối với một di sản được đưa vào danh sách đại diện hoặc khẩn cấp, nếu có đánh giá bao giờ cũng có một số vấn đề nếu đánh giá hằng năm. Hội Gióng được vinh danh năm 2010, đến 2011 có chuyện xô xát trong thanh niên ở làng nhân việc tham gia cướp lộc rồi gây thương tích. Khi đó, cộng đồng tự nghĩ biện pháp để giải quyết, còn chính quyền tăng cường an ninh để bảo vệ hội cho tốt. Lúc đó, Văn phòng UNESCO Hà Nội và trung tâm của tôi thấy điều đó quan trọng nên phải đánh giá, điều tra. Sau đó có hội nghị với cộng đồng, bàn phương thức cho hội năm 2012 tốt hơn. Một trong những giải pháp đưa ra là thay tay thước trong chiến trận của hội, từ tay gỗ lim thành tay nhựa. Cũng có thêm vài biện pháp. Sau khi thảo luận để cộng đồng hiểu hơn về công ước UNESCO, thì cũng có việc giáo dục ứng xử với lớp trẻ.
Cũng liên quan đến Hội Gióng, có ý kiến cho rằng nó hay như thế thì làm thế nào để trình diễn thường xuyên phục vụ du lịch, trích đoạn nó ra, có thể làm thêm sân khấu nào đó để thực hiện việc này. Nhưng sau đó, cộng đồng cũng nghe ý kiến các nhà khoa học và không làm điều đó nữa để không ảnh hưởng tính linh thiêng của lễ hội.
Ở đây, tôi đánh giá cao Phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT Hà Nội vì đã chủ động đối thoại với cộng đồng. Khi đối thoại thì mọi thứ về như cũ.
Trước đây, giải thích về di sản văn hóa phi vật thể rất khó khăn, nay chúng ta đã có 13 di sản loại này được UNESCO ghi danh. Nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể đã thay đổi nhiều chưa, thưa bà?
Không phải ngay một lúc mọi người có thể hiểu thế nào là di sản, thế nào là di sản phi vật thể. Quá trình lập hồ sơ gửi UNESCO chính là quá trình chúng ta làm việc với địa phương để nâng cao nhận thức của cả người dân lẫn chính quyền về di sản.
Với hát xoan chẳng hạn, chính cộng đồng cũng đề nghị là chúng tôi phát triển hát xoan tốt rồi, chuyển từ danh sách cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách đại diện được không. Trong quá trình làm hồ sơ, chúng tôi cũng bàn với cộng đồng khi chuyển danh sách thì cần làm gì, tại sao hai danh sách đó lại khác nhau. Khi đó cũng có ý kiến cho rằng nên phát triển hát xoan trên diện rộng. Tuy nhiên, khi thảo luận xong đã dẫn đến quyết định bảo vệ phần “lõi” của hát xoan là mấy chục phường xoan. Cái “lõi” đó tốt thì mới giữ xoan được tốt. Rồi cũng có kế hoạch xây dựng những nhóm yêu hát xoan, để họ tạo ra những câu lạc bộ riêng, rồi mời các phường xoan gốc đến dạy. Những câu chuyện này đều thuộc phạm trù quản lý.
Với các di sản phi vật thể, có cần cảnh báo gì không? Như việc muốn tổ chức các kỷ lục chẳng hạn?
Mỗi khi làm hồ sơ cần thận trọng trong chọn di sản. Một trong tiêu chí là người dân phải hiểu thật rõ về di sản của mình, cũng như ý nghĩa của việc đưa vào danh sách của UNESCO. Họ phải cam kết về kế hoạch họ định làm để bảo vệ nó.
Trên thực tế, các cam kết đó có được thực hiện tốt không?
Có chỗ tốt, có chỗ chưa. Hoặc có chỗ tốt theo kiểu mình suy luận, mà không phải tốt theo kiểu công ước quy định. Công tác truyền thông chẳng hạn, chúng ta không thể nói di sản nào đó là độc nhất vô nhị, hoặc di sản có giá trị đặc biệt không ai có, hay chỉ cái này là duy nhất… Không nên sa lầy vào những thứ như thế, vì di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú. Mỗi di sản đều có cái hay và nét riêng. Làm sao phải khuyến khích cùng nhau giữ được di sản và tôn trọng khác biệt, tôn trọng đa dạng văn hóa.
Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)