Kiến nghị kinh doanh nước sạch là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Lê Quân
Lê Quân
15/04/2020 18:00 GMT+7

Trong văn bản gửi Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Hội Cấp thoát nước Việt Nam kiến nghị bổ sung lĩnh vực kinh doanh nước sạch là ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào dự thảo luật Đầu tư.

Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, con người sống không thể thiếu nước và nước sạch là một loại sản phẩm, hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người và phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, hàng trăm nghìn người dân đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn. Hay như ở Hà Nội, hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi nước sạch không bảo đảm an toàn, hoặc do vỡ đường ống cấp nước sông Đà nhiều lần.
Người dân ở các khu nhà cao tầng, khu đô thị mới tại nhiều thành phố được cấp nước sạch bị ô nhiễm (do các ban quản lý cung cấp). Nhiều khu dân cư nông thôn phải sử dụng nước cấp chưa đảm bảo chất lượng theo quy định...
Do đó, vấn đề an ninh, an toàn trong cấp nước sạch đã, đang được đặt ra và trở nên cấp thiết vì liên quan đến sức khỏe của người dân và cộng đồng.
Nhiều nước trên thế giới đã ban hành luật Cấp nước với nội dung đề cao vai trò quản lý của Nhà nước, chính quyền địa phương, bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an sinh, an toàn trong cung cấp nước đối với người sử dụng nước. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, cung cấp nước đều chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước thông qua giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nếu đơn vị kinh doanh nước sạch không đủ điều kiện thì hậu quả sẽ khôn lường

Ảnh Trần Cường

Theo Hội Cấp thoát nước, Việt Nam hiện chưa có luật Cấp nước nhưng đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động cấp nước như Nghị định 117/2017, Quyết định 2502/2016. Trong 2 văn bản này có nội dung: “Hoạt động cấp nước là loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát của Nhà nước nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội…”.
Hiện nay, các doanh nghiệp ngành nước đang trong quá trình cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều quy định có liên quan đến quản lý doanh nghiệp ngành nước sau cổ phần hóa chưa được ban hành.
Chẳng hạn như quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương với doanh nghiệp cấp nước sạch trong việc bảo đảm an ninh, bảo đảm cấp nước an toàn; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước, sản xuất và cung cấp nước, xây dựng hệ thống cấp nước; giám sát, kiểm soát chất lượng nước sạch; bảo vệ nguồn nước cho cấp nước sạch; quản lý rủi ro, ứng phó và giải quyết sự cố trong hoạt động cấp nước sạch…
Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nếu các doanh nghiệp cấp nước sạch không đủ điều kiện và năng lực thực hiện các nhiệm vụ trên thì hậu quả khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8 diễn ra tháng 10.2019, Hội Cấp thoát nước Việt Nam có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ban soạn thảo dự án luật, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, đề xuất ngành nghề sản xuất, cung cấp nước sạch là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đề nghị bổ sung ngành nghề sản xuất, kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại phiên họp thảo luận của Quốc hội về dự án luật Đầu tư sửa đổi, diễn ra ngày 20.11.2019.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tổng kết và giao Chính phủ, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội trong kỳ họp sau.
Tuy nhiên, trong dự thảo dự án luật Đầu tư sửa đổi được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ 43, từ 23 - 25.3 vừa qua, cơ quan soạn thảo đã không bổ sung ngành nghề sản xuất, cung cấp nước sạch là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Vì vậy, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tiếp tục gửi kiến nghị lên Chủ tịch Quốc hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.