Kinh tế hồi phục nhanh sau đại dịch

07/04/2022 06:53 GMT+7

GDP tăng trưởng trở lại gần như trước đại dịch, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định là những nét nổi bật của Việt Nam trong vòng 1 năm qua.

Chiến dịch vắc xin thần tốc

“Việt Nam là một hình mẫu, minh chứng cho sự nỗ lực quốc gia và hỗ trợ quốc tế để phủ vắc xin cho toàn dân, cần được nhân rộng”, lời chúc mừng của TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, khi Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin hàng đầu thế giới, khiến tất cả người dân Việt Nam không khỏi tự hào xúc động. Chỉ cách đây 1 năm, khi dịch Covid-19 với biến chủng Delta, vốn lây lan nhanh và nguy hiểm, xâm nhập sâu nước ta, với những diễn biến chưa có tiền lệ, Việt Nam còn chưa có đủ vắc xin, chưa có thuốc điều trị, chưa hiểu hết về biến chủng mới, kinh nghiệm ứng phó gần như bằng 0 và năng lực y tế còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty HAYAT KIMYA VN

NHẬT BẮC

Đặc biệt, khi dịch bệnh tấn công TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam, xâm nhập sâu các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất thì tình hình trở nên khó khăn, phức tạp hơn nhiều lần. Trong bối cảnh vắc xin khan hiếm toàn cầu, “ngoại giao vắc xin” và chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử miễn phí cho người dân đã được Chính phủ quyết liệt triển khai.

Doanh nghiệp hồi phục sản xuất và quay trở lại thị trường tăng cao

ngọc thắng

Mỗi chuyến công du của lãnh đạo Đảng và Nhà nước mang về cam kết tài trợ hàng trăm ngàn, hàng triệu liều vắc xin từ nước bạn đem tới niềm hân hoan, phấn khởi to lớn tới mỗi người dân. Từ Pfizer, Janssen, Moderna của Mỹ, AstraZeneca của Anh, tới VeroCell, Sinovax của Trung Quốc, Sputnik V của Nga, Abdala của Cuba, Covaxin của Ấn Độ… sự trợ giúp của COVAX và trên 30 nước đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp, thần tốc vượt lên là một trong những nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới, đưa cuộc sống trở lại tình trạng “bình thường mới”.

GS-TS Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam, đánh giá tỷ lệ bao phủ vắc xin vào tốp đầu thế giới, thậm chí cao hơn các cường quốc như Mỹ và Nhật, là thành tích rất lớn và cực kỳ quan trọng mà Việt Nam đạt được. Từ chiến lược zero Covid, sau đó chuyển sang tiêm chủng với những chiến dịch thần tốc, chủ trương đúng đắn đã được lãnh đạo Đảng cùng Chính phủ quyết tâm thực hiện thể hiện tầm nhìn tốt, sự thích ứng linh hoạt, chuyển mình mạnh mẽ của Chính phủ. Nhờ vậy, số người nhiễm bệnh, tử vong giảm xuống rất nhanh chóng, tạo điều kiện chủ động mở cửa kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch gọi chiến lược tạo nguồn vắc xin thần tốc, tiêm chủng thần tốc và chuyển đổi chiến lược phòng chống Covid là 2 “điểm son” của Chính phủ trong suốt 1 năm qua. Theo ông, nhiệm kỳ Chính phủ mới từ khi bắt tay vào công việc đã đứng trước thách thức rất lớn. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian rất ngắn, nỗ lực của Chính phủ cùng cả hệ thống chính trị, bằng nhiều con đường đã tạo được nguồn vắc xin đa dạng và kịp thời. Nhờ sự thành công của chiến dịch vắc xin và huy động lực lượng phòng chống dịch, từ đầu tháng 10.2021, với Nghị quyết 128, Chính phủ đã kịp thời thực hiện chủ trương chuyển từ chiến lược zero Covid sang thích ứng an toàn để mở cửa kinh tế.

“Đây là bước ngoặt cực kỳ quan trọng và quyết định rất đúng đắn. Chính sự chuyển hướng mạnh mẽ này giải quyết các gãy đổ của nền kinh tế, giúp doanh nghiệp (DN) phục hồi. Kết quả kinh tế lạc quan trong năm 2021 và đặc biệt là trong quý 1 năm nay xuất phát từ chiến lược đúng đắn này”, ông Trần Du Lịch khẳng định.

Kinh tế đảo chiều

Từng bước kiểm soát được dịch Covid-19 và mở cửa kinh tế trở lại từ tháng 10.2021, tăng trưởng GDP từ mức âm hơn 6% trong quý 3/2021 đã đảo chiều tăng 5,22% trong quý 4/2021, qua đó đưa GDP Việt Nam năm 2021 tăng 2,58%. Bước sang năm 2022, quá trình hồi phục kinh tế từng bước có thêm những tín hiệu sáng mới. Tăng trưởng GDP quý đầu năm đạt 5,03% - là mức cao nhất so với quý 1 của hai năm liền kề 2020-2021.

Hàng loạt DN trong nước quay trở lại hoạt động với số lượng đăng ký cả quý 1/2021 đạt kỷ lục hơn 60.000 đơn vị, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cũng tiếp tục tăng hơn 10,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 85,58 tỉ USD bất chấp tình hình vận chuyển quốc tế vẫn gặp nhiều khó khăn khi một số quốc gia còn bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Đặc biệt, trái ngược với những lo ngại, vẫn có nhiều “đại bàng” tìm đến Việt Nam như Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đầu tư nhà máy tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư gần 1,32 tỉ USD để sản xuất đồ chơi và thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa. Đây là dự án lớn thứ 2 tại châu Á và là dự án lớn thứ 6 trên toàn cầu của LEGO. Đặc biệt, lượng vốn đăng ký điều chỉnh trong 3 tháng vừa qua tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước khi đạt hơn 4 tỉ USD.

Trong đó ông lớn Samsung đầu tư thêm 920 triệu USD vào Nhà máy Samsung Điện cơ (SEMV); nhà đầu tư Singapore cũng điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD. Song song đó, lượng vốn FDI giải ngân thực hiện cũng đạt 4,42 tỉ USD, tăng 7,8% so với quý 1/2021 và là số vốn thực hiện cao nhất trong 5 năm qua… Đây là những dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế của Việt Nam sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh.

TS Trần Du Lịch nhận xét: Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế đã được chuẩn bị khá công phu, kịp thời trình Quốc hội để ban hành các gói giải pháp từ tháng 1.2022. Vấn đề được đặt ra theo tính đồng bộ từ sự hoàn thiện về thể chế, chỉnh sửa cùng lúc 9 luật để tạo điều kiện hấp thụ vốn đầu tư đến quyết định tăng đầu tư công.

Đặc biệt, Chính phủ và Thủ tướng tập trung đẩy tiến độ các công trình giao thông đường bộ phía đông, xem đầu tư công như một công cụ kích thích tổng cầu, vừa đạt mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng, vừa tăng tổng cầu nền kinh tế. Tiếp theo đó, 2 gói hỗ trợ về tài khóa và tín dụng hơn 350.000 tỉ được triển khai, trong đó bao gồm cả giải quyết vấn đề an sinh xã hội. “Nơi bị gãy đổ lớn nhất là TP.HCM cũng nhờ đó mà có điều kiện phát triển, đi từ tăng trưởng âm 7,4% năm ngoái lên tăng trưởng gần 2% của quý 1 năm nay. Kết quả trên có được nhờ loạt giải pháp được triển khai đồng bộ và đang đi vào thực hiện rất tốt. Không chỉ phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ mà sử dụng các công cụ từ thể chế, đầu tư công… để đẩy nhanh hấp thụ vốn, tạo điều kiện cho DN phục hồi”, ông Lịch nhận định.

Đẩy mạnh vốn công dẫn dắt vốn tư

Ngay những ngày đầu năm 2022, gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, trong đó tập trung khá lớn vào đầu tư công. Sau đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công vừa phải bảo đảm đúng tiến độ, vừa nâng cao chất lượng; phải rà soát từ khâu chuẩn bị đầu tư, chọn chủ đầu tư, nhà thầu, lập kế hoạch… đúng quy định và trên tinh thần công khai, minh bạch. Vốn đầu tư của nhà nước sẽ là vốn mồi thu hút các DN trong nước có đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính tham gia các thành phần của các dự án lớn.

Song song đó, Chính phủ vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách, hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được tổ chức. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu trong năm 2022 phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm về công tác này, vào cuộc mạnh mẽ, “đã nói phải làm”, cầu thị lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân, DN, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng trong bối cảnh đầu tư từ các DN tư nhân bị suy yếu hay vốn FDI còn chậm do bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 thì việc đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy kinh tế phát triển là đúng hướng. Dù vậy, đây chỉ xem như là giải pháp ngắn hạn trong 1 - 2 năm.

Trong khi đó, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là giải pháp dài hạn nhất. Khi được thực hiện quyết liệt, tạo ra những đổi mới mạnh mẽ thì sẽ thu hút được ngày càng nhiều DN trong nước mạnh dạn mở rộng đầu tư sản xuất. Các tập đoàn nước ngoài nhìn thấy rõ những thay đổi đó là sẽ tăng tốc rót vốn vào Việt Nam. Việc thúc đẩy phát triển kinh tế có thể gây ra nguy cơ lạm phát cao hơn một chút so với những năm trước nhưng điều đó phải chấp nhận.

Những kết luận ấn tượng

“Phương châm là “đã nói phải làm”, thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo”. (Kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 9.3).

“Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật”. (Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ LĐ-TB-XH tháng 5.2021).

“Chúng ta cần tuân thủ theo nguyên tắc “cái gì biết mới quản, không biết thì không quản”. (Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về pháp luật để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế vào tháng 8. 2021)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.