Cuộc chạy đua tốc độ
Trên thế giới, kit xét nghiệm bằng công nghệ Realtime PCR được cho là đem lại kết quả chính xác nhưng lại phải mất thời gian chờ đợi. Theo chuyên trang Live Science, một hạn chế khác của bộ kit Realtime PCR là với trường hợp đã nhiễm vi rút Corona chủng mới (SAR-CoV-2) một lần rồi hồi phục thì lần 2 xét nghiệm có thể không phát hiện ra. Hơn thế nữa, việc thực hiện xét nghiệm bằng bộ kit Realtime PCR có quy trình chặt chẽ và cần nhân sự được đào tạo bài bản về chuyên môn. Trong bối cảnh đó, các nước đã đẩy nhanh tiến độ. Tại Đức, nhà sản xuất công nghệ y tế Bosch Healthcare Solutions mới đây phát triển kit xét nghiệm theo công nghệ PCR hoàn toàn tự động, có thể cho kết quả trong vòng 2,5 giờ sau khi lấy mẫu, theo Hãng tin DW. Tuy nhiên, đây là sản phẩm hoàn toàn mới và chưa cho ra thị trường.
Tại Mỹ và một số nước châu Âu khác, các công ty cũng chạy đua phát triển kit xét nghiệm theo công nghệ trên để cho kết quả trong vòng một giờ đồng hồ.
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu lớn, các kit xét nghiệm nhanh đang được nhiều nước phát triển và đưa vào sử dụng với các ưu điểm như nhanh chóng, có khả năng sàng lọc tốt và áp dụng được trên diện rộng, không cần quá nhiều nhân lực trình độ cao. Thời gian cho kết quả ngày càng được rút ngắn, từ 45 phút xuống 30 phút rồi 10 phút như các bộ kit xét nghiệm nhanh mà Việt Nam đang sử dụng. Tại Mỹ, Hãng Abbott Laboratories hôm 27.3 giới thiệu bộ kit xét nghiệm Covid-19 mới, cho kết quả dương tính trong vòng 5 phút và âm tính chỉ trong vòng 13 phút. Abbott Laboratories cho biết đã được Cục Quản lý thực và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép để bắt đầu sản xuất 50.000 bộ kit/ngày từ 1.4, theo AFP. Mới đây nhất, FDA cũng vừa phê chuẩn việc sử dụng khẩn cấp bộ kit xét nghiệm Covid-19 cho kết quả trong vòng chưa đầy 2 phút, do Công ty Bodysphere phát triển.
Vũ khí lợi hại
Như đã phân tích, xét nghiệm nhanh có nhiều ưu điểm trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh ngày càng khó lường như hiện nay. Theo tờ I, xét nghiệm nhanh và trên diện rộng chính là chìa khóa quan trọng giúp Hàn Quốc chống chọi với Covid-19 trước ngưỡng cửa “vỡ trận”. Chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng bật đèn xanh cho các công ty phát triển các bộ kit xét nghiệm nhanh ngay khi dịch bệnh bùng phát dữ dội ở Trung Quốc và những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Hàn Quốc. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết chỉ trong vòng hơn 1 tháng, chính phủ nước này đã chấp thuận 5 loại bộ kit được các công ty đưa ra.
Theo Reuters, việc Hàn Quốc có những bộ kit xét nghiệm sớm để chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ xảy ra với Covid-19 xuất phát từ kinh nghiệm xương máu sau dịch MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) vào năm 2015. Khi đó, chính phủ Hàn Quốc phản ứng chậm chạp và thiếu minh bạch, từ chối phê duyệt sớm bộ xét nghiệm MERS và giao trách nhiệm chẩn đoán cho chưa tới 5 phòng thí nghiệm. Kết quả là, sau 2 tháng dịch MERS bùng phát đã khiến 186 người ở Hàn Quốc nhiễm, trong đó 38 người chết, trở thành nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch MERS bên ngoài khu vực Trung Đông.
Giờ đây, Hàn Quốc đã chủ động ứng phó với dịch Covid-19 và mang lại nhiều kết quả tích cực. Hồi giữa tháng 2, khi ổ dịch tại Daegu bùng phát, nhiều người đã lo ngại Hàn Quốc không thể kiểm soát nổi tình hình. Tuy nhiên, với việc triển khai xét nghiệm nhanh trên diện rộng đã giúp nước này nhanh chóng sàng lọc, khoanh vùng và tiến hành các biện pháp nhanh chóng hơn như cách ly người bệnh và những người có nguy cơ. Ngay từ giai đoạn đầu, số lượng xét nghiệm của Hàn Quốc đã cao hơn nhiều so với các nước khác. Chẳng hạn, tính đến ngày 26.2, tức khoảng một tháng kể từ khi trường hợp đầu tiên được xác nhận ở Hàn Quốc và Mỹ, Hàn Quốc đã xét nghiệm cho 46.127 người, trong khi Mỹ chỉ tiến hành với 426 người.
Các nhà quan sát cho rằng việc có bộ kit xét nghiệm trong tay, đội ngũ y tế Hàn Quốc có “vũ khí lợi hại” trong cuộc chiến chống Covid-19. Kết quả khả quan được ghi nhận khi Hàn Quốc đã hạn chế được số ca nhiễm mới và tử vong một cách đáng kể.
“Xét nghiệm nhanh là yếu tố quan trọng vì giúp phát hiện sớm ca nhiễm, giảm thiểu lây lan và nhanh chóng điều trị cho bệnh nhân”, theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha. Trong khi đó, chuyên gia Michael Mina tại Đại học Harvard nhận định mô hình xét nghiệm diện rộng của Hàn Quốc là công cụ rất có giá trị vừa để kiểm soát vi rút, vừa để hiểu và tính toán các phản ứng hiệu quả đối với dịch bệnh.
Hàn Quốc hiện có thể xét nghiệm Covid-19 cho 20.000 người mỗi ngày tại 633 địa điểm trên toàn quốc, bao gồm xét nghiệm tài xế ngồi trên ô tô. Mô hình này đã được áp dụng ở một số bang tại Mỹ và một số nước châu Âu. Hàn Quốc đang hướng tới việc mở rộng phân phối, xuất khẩu cho nhiều nước trên thế giới các bộ kit xét nghiệm nhanh của nước này. Theo Reuters, Công ty công nghệ sinh học SolGent, một trong 5 doanh nghiệp sản xuất kit xét nghiệm ở Hàn Quốc, cho biết dự kiến tăng sản lượng lên tới 400.000 kit trong tháng 4 để phục vụ nhu cầu toàn cầu.
Mặc dù phát huy hiệu quả nhưng các bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 vẫn còn gây tranh cãi về tính chính xác. Một số sản phẩm của Trung Quốc đã bị Tây Ban Nha trả lại vì cho kết quả không chính xác. Cộng hòa Czech cũng gặp vấn đề với các bộ kit sản xuất tại Trung Quốc, tuy nhiên nguyên nhân được cho là sử dụng sai cách. Cũng liên quan đến các bộ kit xét nghiệm nhanh, tờ Telegraph đưa tin các phòng thí nghiệm ở Anh mới đây nhận được thông báo việc phân phối các bộ kit xét nghiệm Covid-19 có thể trễ hơn do có dấu vết của vi rút SAR-CoV-2 được phát hiện trong bộ phận của bộ kit xét nghiệm mà Anh đặt từ nước ngoài và dự kiến giao hàng trong tuần này. Không rõ đơn vị sản xuất ở nước nào và lỗi này xuất phát từ đâu.
|
Bình luận (0)