>> Ký sự Organic - Kỳ 3: Mặc kệ nó
>> Ký sự Organic - Kỳ 2: Bài ca không dễ hát
>> Ký sự Organic - Kỳ 1: Cây cỏ hết hồn nhiên
|
Đúng ra không ai cho chúng ăn mà chúng tự kiếm ăn trong vườn, thích cỏ gì ăn cỏ nấy, người nuôi chỉ cho chúng ăn dặm cám gạo, chuối cây và rau lang. Cỏ, chuối cây và rau lang trong vườn chúng tôi dĩ nhiên là không bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu. Đàn heo bây giờ hoàn toàn không bệnh tật, chúng lót ổ sinh sản và tự nuôi con, chẳng cần người chăm sóc.
Đó là nuôi heo theo cách của cha ông ta, nghe thì dễ dàng nhưng tôi suýt nữa thì bỏ cuộc.
Sau khi trồng đủ chuối, đủ rau lang và dưỡng cho cỏ lên xanh tương đối, tôi chia phần đất dành cho heo gà ra làm ba khu, mua lưới B40 ngăn lại, mục đích là thả heo ăn hết cỏ khu này thì chuyển sang khu khác, ăn hết khu thứ ba thì khu thứ nhất cỏ đã phục hồi, cứ thế mà luôn phiên, lúc nào heo cũng có cỏ ăn.
Heo cỏ là heo như thế nào? Hơn bốn ngàn năm trước dân tộc ta lập quốc trên mảnh đất này. Khi những cư dân đầu tiên chuyển từ săn bắt hái lượm sang khai phá các đầm lầy để trồng lúa nước, cùng với con chó, heo là con vật đầu tiên được dẫn đi theo. Sở dĩ vậy là do con heo có nhiều khả năng vượt trội hữu dụng cho con người, trong đó có khả năng qua đầm lầy biết đi vào những chỗ không sụt lún, con người cứ theo chân heo mà đi, cầm chắc an toàn. Heo còn là khắc tinh của các loài rắn độc và chồn cáo, chỗ nào có heo thì rắn độc không dám bén mảng lại gần. Vì vậy, heo từng là “hướng đạo”, từng là “vệ sĩ” cho tổ tiên ta khi mở cõi. Ngày nay những giống heo cổ truyền đó vẫn còn, đó là heo cỏ, điển hình nhất là heo Móng Cái, các tỉnh phía nam thường gọi là heo mọi. Heo cỏ “nguyên bản” ngày nay vẫn giữ những đặc tính khi xưa. Báo chí từng viết về con heo “ăn chay và biết giữ nhà” của ông Nguyễn Văn Mạo ở tỉnh Đồng Tháp, coi đó là chuyện lạ. Heo của ông Mạo chính là heo cỏ. Con heo cỏ nào nếu được huấn luyện cũng có thể trở thành con heo như vậy, không có gì là lạ cả. Thịt heo cỏ thơm, hoàn toàn tương thích với đặc điểm sinh học của cơ thể người Việt ta, người khỏe mạnh ăn vào bổ dưỡng, người đau ốm ăn vào ngừa trị bệnh. Toàn thân con heo bộ phận nào cũng là một vị thuốc, kể cả phân, nên có thể gọi heo cỏ là “con thuốc”.
Gian nan nhất là gầy cho được một bộ giống thích nghi được với mảnh đất và cách nuôi này. Đầu tiên tôi mang 2 con heo từ miền núi Quảng Nam về, một đực một cái. Heo tôi nuôi chung với gà, theo kinh nghiệm người xưa thì hai thứ đó không thể tách rời nhau. Ai cũng biết gà là miếng mồi ngon cho rắn và chồn cáo, còn heo thì như đã nói, là khắc tinh của những con này. Ngược lại, heo mà bị bò cạp hoặc rết cắn là chết chắc, trong khi bò cạp hoặc rết mà gặp gà thì mười con bị ăn hết cả mười. Vì vậy heo gà ông bà ta nuôi chung để làm “vệ sĩ” cho nhau.
Nhưng điều bất ổn đã xảy ra. Bầy gà con theo mẹ vào ăn gần chỗ máng heo ngày một vơi dần, hôm mất hai con, hôm mất ba con, không mất ban đêm mà mất ban ngày, nên không thể nói do chuột. Có hôm thấy diều hâu sà xuống gắp, tôi làm ông bù nhìn đội nón phất phơ trước gió để dọa, diều hâu không đến nữa. Không còn diều hâu nhưng gà vẫn mất và mất nhiều hơn. Một hôm bắt quả tang hai em heo miệng đang nhai gà. Hỏi ra mới biết hai em heo này là heo lai, mẹ Móng Cái còn cha là giống gì đó của Thái Lan. Chỉ có heo cỏ thuần mới là thân hữu của gà, còn heo lai thì không, dù là lai rừng hay lai Thái lai Mỹ.
Cả cái tỉnh Bình Thuận này không tìm đâu ra giống heo cỏ. Tìm mãi mới được một con, của một chị nuôi trong nhà để chơi với cháu nhỏ, nay cháu lên thành phố học nên chị bán. Đó là em heo cái đến tuổi lên giống. Tôi mua về nuôi nhưng suốt mấy tháng không thể tìm đâu ra chú heo đực để gả chồng. Nghe nói chợ Bình Châu thỉnh thoảng vẫn có người mang heo cỏ con từ vùng núi xuống bán, “phục” hoài mới mua được một đàn 8 con, 3 đực 5 cái, yên chí là sẽ gầy được giống.
|
Dù được chăm sóc rất cẩn thận, thực hiện mọi điều kiêng cữ, nhưng được vài hôm toàn bầy bắt đầu tiêu chảy. Tìm mọi thứ cây lá cho ăn “theo kinh nghiệm dân gian”, cũng không ăn thua, một số hết tiêu chảy nhưng vài ngày lại tái diễn, thân gầy teo tóp. Gặp ai tôi cũng hỏi và ai cũng bảo gọi thú y, gọi điện hỏi chị tôi cũng được trả lời: “Gọi thú y vào chích mấy mũi là hết liền”. Tôi bực mình nói: “Ngày xưa bà nội mình nuôi heo đâu có chích thuốc mà có bao giờ thấy bệnh tật gì đâu”, chị tôi cười: “Ngày xưa khác, bây giờ khác, bây giờ ai nuôi heo cũng phải chích thuốc”. Nếu phải chích thuốc thì việc gì tôi phải nhọc công nuôi heo. Tôi dứt khoát không chích thuốc, cho uống thuốc cũng không, dù là thuốc đông y. Và bầy heo lăn ra chết, cố hết sức giữ cho được 1 con heo đực nhưng cuối cùng nó chết luôn. Có thể ở đây lạ nước và môi trường chưa dung nạp với heo nuôi tự nhiên, hoặc giả bố mẹ của đàn heo này người ta đã từng chích thuốc khiến cho con của chúng sinh ra cũng phải chích thuốc, có phải vậy hay không tôi không thể biết. Nhưng “mặc kệ nó” thì không được, “mặc kệ nó” là chấm dứt nuôi heo.
Chúng tôi lại lên vùng núi “phục” và mua được một đàn 4 con, chỉ 1 con heo đực, với hy vọng gầy giống rất mong manh. Lần này thì “mặc kệ nó”, tôi thả tự do trong vườn, chỉ để sẵn một ít cám gạo trộn nước, chúng tự do muốn ăn gì thì ăn. Lại bị tiêu chảy. Hôm sau chết 1 con, may là không chết con heo đực. Tôi cũng mặc kệ, không dùng cây lá để chữa, con nào chết cho chết, chết hết tôi sẽ không nuôi heo nữa. Cuối cùng thì không có con nào chết nữa, 3 con heo con tự nhiên hết tiêu chảy, trở nên khỏe mạnh, lớn nhanh. Tôi theo dõi trong vườn, thấy chúng không ăn nhất định một loại cỏ nào, khi thì ăn cỏ này, khi thì ăn lá khác, khi thì vít lá chuối xuống ăn, khi thì nhai luôn cây chuối con, khi thì nhai đất đá. Đó là chúng tự cân bằng thể trạng, tự cây lá chữa bệnh cho mình, chúng ta không thể biết lúc nào chúng ăn cây cỏ gì là thích hợp. Chúng ta không thể khôn hơn con heo, cái khôn của chúng ta là giữ cho được một vườn cỏ tự nhiên phong phú. Mọi thứ tri thức về thiên nhiên đều bất cập, chúng ta chỉ có thể “thuận với thiên nhiên” mà thôi.
Giờ thì 3 con heo cái mới và con heo cái đầu tiên đang chuẩn bị đẻ lứa thứ ba. Chúng tôi đã gầy được một bộ giống heo cỏ hoàn toàn không bệnh tật từ lứa thứ nhất và lứa thứ nhì. Khu vực khoanh lại trước đây đã được mở rộng đến sát dưới bầu. Từng đàn gà kiến đi theo, heo ủi tới đâu gà có mặt tới đó để “ăn ké” giun dế… (còn tiếp)
Bài, ảnh: Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)