|
>> Ký sự Organic - Kỳ 7: Nỗi ám ảnh GMO và chất độc da cam
>> Ký sự Organic - Kỳ 6 : Những con chó dạy ta điều gì ?
>> Ký sự Organic - Kỳ 5: Rằng hay thì thật là hay…
>> Ký sự Organic - Kỳ 4: Lớp học heo gà
>> Ký sự Organic - Kỳ 3: Mặc kệ nó
>> Ký sự Organic - Kỳ 2: Bài ca không dễ hát
>> Ký sự Organic - Kỳ 1: Cây cỏ hết hồn nhiên
Số lượng bác sĩ ngày càng tăng, những phát minh ra các thứ thuốc ngày càng nhiều, doanh thu của các hãng dược ngày càng lớn được coi là thành tựu của văn minh, trong khi lẽ ra là điều đáng buồn của nhân loại
Sự bất bình thường đó từ lâu đã thành bình thường, ít ai đặt ra câu hỏi ngược. Nhưng ngày xưa không như vậy. Các bộ tộc sống hoang dã không như vậy. Bố con ông Hồ Văn Thanh sống 40 năm trong rừng cũng không bệnh tật gì, cho đến khi được “giải cứu”, được đưa đi “chăm sóc sức khỏe” mới sinh bệnh.
Thiên nhiên đã bao bọc dân tộc ta bằng một thảm cỏ cây vô cùng phong phú với hơn 12 ngàn loài thực vật được ghi nhận, gấp hàng chục lần châu Âu. Mặc dù rừng rú cây cỏ bị tàn phá nghiêm trọng do chiến tranh và chất độc hóa học trong thế kỷ 20, nhưng kết quả điều tra đầu thế kỷ 21 của Viện Dược liệu thống kê được 3.948 loài là cây thuốc. Như vậy cỏ cây nước ta cứ 3 cây thì có 1 cây thuốc. Những cây thuốc đó không chỉ nằm ở rừng sâu núi cao mà còn ở ngay trong vườn tược, khắp các bờ bụi ao hồ. Thống kê trên chắc chắn là chưa đủ, vì cây lúa cũng chính là cây thuốc nhưng không được đưa vào, hạt lúa để lâu năm có thể chữa được bệnh nan y, hồi sinh cho người kiệt sức, tất nhiên cây lúa đó không phải là lúa lai.
Do sống thuận với thiên nhiên, bữa ăn truyền thống của người Việt chúng ta bản thân nó là một thang thuốc phòng ngừa bệnh tật. Thuốc đã hàm chứa trong cơm gạo thịt cá rau quả, cái gì ăn được cái đó chính là thuốc. Những khi trái gió trở trời, đã có đủ cây lá trong vườn nhà. Hãn hữu lắm mới có người gặp biến cố mắc bệnh nan y phải cần đến thầy thuốc.
Làng Giảng Hòa (Quảng Nam) tôi ngày xưa có một thầy thuốc bắc là bác Thúc, bác họ tôi. Ông bắt mạch hốt thuốc không chỉ cho người trong làng mà cho cả xã, nhưng năm thì mười họa mới có một người bị bệnh. Gia đình ông sống bằng trồng dâu nuôi tằm, trồng đậu tỉa bắp và dạy học, chứ không sống bằng nghề thuốc. Tôi vẫn nhớ cả làng tôi hầu như không có ai chết trẻ, trừ trận lụt năm 1964 và tiếp đó là bom đạn Mỹ sát hại hơn hai phần ba số người trong làng.
Dân tộc ta ngày xưa cũng không có nhiều người chết trẻ. Người ta tính tuổi thọ bình quân bây giờ cao hơn thời gian trước giải phóng, nhưng đó là cách tính gộp bình quân những người chết trẻ do chiến tranh, còn trước chiến tranh tôi chắc là không có số liệu tin cậy để so sánh. Những con số “bình quân”, bình quân tuổi thọ, bình quân GDP,… không có mấy ý nghĩa so với những gì diễn ra trong thực tế.
Lịch sử nước ta không có ghi nhận một trận dịch lớn nào gây chết người hàng loạt, trong khi ở châu Âu những trận dịch kinh hoàng từng giết chết hơn một phần hai dân số. Khi người Pháp đến đây “khai hóa” mới mang theo nhiều “bệnh lạ”. Kể từ đó, chưa đầy 150 năm nền văn minh công nghiệp phương tây đã kéo theo hàng trăm thứ bệnh lũ lượt “nhập khẩu” vào, những thứ bệnh mà dân tộc này chưa bao giờ mắc phải. Con chó Việt Nam vốn không mắc bệnh dại, bệnh dại là do chó tây mang đến. Con chuột Việt Nam vốn không mang dịch hạch, dịch hạch mới xuất hiện ở nước ta từ đầu những năm 1960.
Dịch bệnh ở châu Âu là cái giá mà con người phải trả trong quá trình đô thị hóa, vừa thoát khỏi thiên nhiên vừa tàn phá thiên nhiên. Những trận dịch đã khiến cho người châu Âu ai chết đã chết, ai sống sót đều mang một kháng thể chống được bệnh, nhưng mầm bệnh từ trong người họ vẫn lây nhiễm sang những người không mang kháng thể. Dưới đây tôi chỉ nêu một sự thật mà các sách lịch sử do không đủ dữ liệu nên không nhắc tới, nay thì nhiều nghiên cứu đã khám phá để giúp chúng ta khi xem lịch sử có thêm một cách nhìn.
Tác giả Jared Diamond trong cuốn sách nổi tiếng đoạt giải Pulitzer “Súng, vi trùng và thép”, với nhiều khảo cứu công phu và toàn diện, đã khẳng định người châu Âu khi chinh phục châu Mỹ, đã tiêu diệt các dân tộc bản địa châu Mỹ không phải bằng gươm bằng súng hay bằng trí tuệ hơn người mà chính là bằng vi trùng mang trong người họ. Ông viết : “Những căn bệnh từ các dân tộc đi xâm lược vốn đã mang kháng thể đáng kể lây nhiễm sang các dân tộc không có kháng thể. Bệnh đậu mùa, bệnh sởi, cúm, sốt phát ban, dịch hạch và những căn bệnh truyền nhiễm khác ở châu Âu đã đóng vai trò quyết định trong những cuộc chinh phục của người châu Âu, bằng cách giết hại nhiều dân tộc trên các châu lục khác”.
Jared Diamond viết tiếp : “Khắp nơi ở châu Mỹ, các bệnh dịch do người châu Âu mang tới đã lan tràn từ bộ lạc này sang bộ lạc khác từ lâu trước khi bản thân người châu Âu đến, giết chết khoảng 95% dân số người châu Mỹ bản địa tiền Columbus. Những xã hội bản địa đông dân và có tổ chức cao nhất ở châu Mỹ, các tù trưởng quốc vùng Mississippi, đã biến mất bằng cách đó trong khoảng từ năm 1492 đến cuối thế kỷ XVII, ngay cả trước khi bản thân người châu Âu đến định cư lần đầu tiên ở khu vực sông Mississippi. Một trận dịch đậu mùa vào năm 1713 đã là bước duy nhất và lớn nhất để người di cư châu Âu tiêu diệt sạch dân tộc San bản địa Nam Phi. Chẳng bao lâu sau khi người Anh định cư ở Sydney vào năm 1788 đã bắt đầu trận dịch đầu tiên làm chết hầu hết người châu Úc bản địa. Một thí dụ có bằng chứng rõ ràng từ các đảo Thái Bình Dương là trận dịch đã quét qua Fiji vào năm 1806 do một vài thủy thủ châu Âu bị đắm tàu Argo mà dạt lên bờ. Những trận dịch tương tự cũng xảy ra trong lịch sử Tonga, Hawatii và các đảo Thái Bình Dương khác”.
Dẫn thông tin trên đây tôi không có ý “đổ lỗi” cho văn minh công nghiệp, cũng không phải để tự tôn dân tộc mình hay nói xấu người ngoài. Lịch sử là lịch sử, nhân loại không thể quay ngược thời gian để sửa sai. Nhưng phải biết tĩnh lặng nhìn vào quá khứ để biết bệnh tật từ đâu đến và làm sao để thoát khỏi bệnh tật nhằm duy trì nòi giống. Đọc các bài tường thuật về cuộc “giải cứu” cha con ông Hồ Văn Thanh để đưa về với thế giới văn minh tôi thấy tức anh ách, không phải tôi phản đối việc đưa cha con ông ấy về lại với làng mạc hay có ý muốn khuyên người khác lên rừng ở, mà ở chỗ cha con ông ở suốt 40 năm trong rừng mà không mắc bệnh, là điều mà ngành y tế và truyền thông phải học hỏi, nhưng chẳng ai nghĩ tới điều đó cả. Nhưng thôi, tôi lại “sân si” rồi…(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)