[Kỳ3] Ra trường làm bao lâu mới "lấy lại" học phí: Ở nước ngoài thì sao?

03/11/2022 06:00 GMT+7

Nhiều người trẻ Việt than thở việc học đại học tốn quá nhiều tiền nhưng ra trường lại nhận lương “ba cọc ba đồng” . Vậy ở các nước khác, vấn đề này liệu có khiến người trẻ phàn nàn?

Tùy theo mỗi nơi

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về “mức lương khởi điểm tốt nhất cho sinh viên mới tốt nghiệpSingapore như thế nào?”, anh Ganapati Bhat (cộng tác viên kỹ sư phần mềm tại Accenture sống tại Singapore) chia sẻ: “Nhiều công ty tư nhân trả khoảng 2.200 USD (54 triệu đồng - PV) mỗi tháng cho sinh viên mới tốt nghiệp, bất kể họ tốt nghiệp từ trường nào và dù họ không hề có kinh nghiệm. Tăng lương mỗi năm thêm khoảng 50 USD (1,2 triệu đồng)”.

Du học sinh chấp nhận mức học phí cao khi sang nước ngoài học tập

Phạm Hữu

Cũng theo Ganapati Bhat: “Những người có bằng cấp định hướng kỹ thuật (tức là kỹ thuật, khoa học máy tính...) có được mức lương cao hơn so với những người có bằng cấp kinh doanh, nghệ thuật, khoa học xã hội, nhân văn...”.

Về vấn đề lương thưởng của sinh viên mới ra trường tại Philippines, chị Dayang Marikit (sống tại Philippines) cho biết: “Con số khoảng gần 440,78 USD (gần 11 triệu đồng). Người mới tốt nghiệp ra trường không thể yêu cầu mức lương cao hơn vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc. Họ vẫn đang trong thời gian thử việc, có nghĩa là công ty đang đầu tư vào người mới và kiểm tra năng lực”.

Còn theo một báo cáo mới đây từ Think Tank Third Way (tổ chức tư vấn chính sách công ở Mỹ), mức lương khởi điểm tại nước này phụ thuộc nhiều vào ngành học. Các chương trình cử nhân về quản lý xây dựng, kỹ thuật và điều dưỡng có nhiều khả năng giúp sinh viên tốt nghiệp nhận được lợi tức đầu tư giáo dục nhanh nhất.

Trong đó, các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật có mức lương khá cao, đứng đầu trong các ngành. Tuy nhiên, các chuyên ngành về nhân sự, nhân văn thì ngược lại, có mức lương khởi điểm trung bình thấp nhất. Với những người có bằng cử nhân vào năm 2022, tùy theo ngành, sẽ nhận được mức lương khởi điểm trung bình dự kiến dao động từ: 55.455 - 75.900 USD/năm (1,3 - 1,9 tỉ đồng).

Ngoài ra, theo Cục Thống kê lao động Mỹ năm 2020, mức lương trung bình của một sinh viên tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân là 67.860 USD/năm (gần 1,7 tỉ đồng). Sinh viên tốt nghiệp bằng cao đẳng kiếm 48.776 USD/năm (gần 1,2 tỉ đồng).

Ở Canada, mức lương trung bình cho sinh viên mới ra trường là 40.563 USD/năm (hơn 1 tỉ đồng), còn ở Úc là 81.324 USD/năm (hơn 2 tỉ đồng).

Bạn trẻ làm việc ở nước ngoài với mong muốn có mức thu nhập cao hơn

Học phí đại học ở nước ngoài như thế nào ?

Học phí đại học ở Mỹ từ 5.000 - 50.000 USD (125 triệu - 1,25 tỉ đồng) mỗi năm. Hầu hết chương trình học kéo dài trong 4 năm. Điều này đồng nghĩa sinh viên phải chi trả từ 20.000 USD - 200.000 USD (tức từ 1 - 10 tỉ đồng) cho đến khi tốt nghiệp, tùy từng trường.

Học phí tại Pháp là 170 euro/năm (4,2 triệu đồng), Nga từ 120.000 - 380.000 RUB/năm (khoảng 48 - 153 triệu đồng).

Các trường đại học Oxford, Cambridge (Anh) thu mức học phí đối với sinh viên trong nước và EU ở mức tối đa được phép theo quy định của chính phủ đối với các chương trình đại học là 9.250 bảng/năm (khoảng 267 triệu đồng).

Người trẻ nước ngoài ít ta thán về câu chuyện “học phí cao nhưng lương thấp”

Học phí các đại học hàng đầu ở Canada dao động từ 25.000 - 65.000 CAD (từ 450 triệu - 1,1 tỉ đồng), tùy ngành và trường đại học.

Học phí tại Đại học Quốc gia Singapore năm 2020 - 2021 cho các chuyên ngành cũng khác nhau, và đặc biệt cao đối với các ngành y khoa. Ngành âm nhạc được trợ giá học phí cao nhất, lên đến 74%. Học phí chưa trợ giá dao động trong khoảng từ 29.850 - 159.600 SGD (512 triệu - 2,8 tỉ đồng).

Còn tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich, Thụy Sĩ), học phí năm 2020 - 2021 dành cho bậc đại học và sau đại học (trừ tiến sĩ) đối với sinh viên trong nước và quốc tế là 1.660 USD (41 triệu đồng)/năm, đã bao gồm cả phí nộp hồ sơ và phụ phí bắt buộc.

Lương 2,2 tỉ đồng/năm

Nguyễn Thị Thanh Xuân (27 tuổi, đang sống và làm việc tại New Zealand) có thời gian làm việc hơn 6 năm sau khi trải qua thời gian học đại học. Theo Xuân, sau khi ra trường, nếu tìm được việc làm đúng chuyên ngành ở các công ty lớn thì 2 năm sau có thể lấy lại số tiền đầu tư học đại học tại New Zealand.

Xuân cho biết cô đã từng đầu tư cho việc học ngành nhà hàng khách sạn với mức học phí 50.000 NZD (705 triệu đồng) cho một năm rưỡi. Tuy nhiên, với ngành nghề này mức lương không cao so với mặt bằng chung, công việc lại vất vả nên Xuân quyết định học tiếp một trường đại học ngành kinh tế khác. Mức học phí cho 3 năm đại học khoảng 110.000 NZD (khoảng 1,5 tỉ đồng), cộng thêm chi phí sinh hoạt, mỗi sinh viên sẽ mất khoảng 150.000 - 180.000 NZD cho toàn bộ khóa học (khoảng 2,1 - 2,5 tỉ đồng).

Sau khi ra trường, Xuân làm việc tại một công ty lớn về tài chính với vị trí kiểm toán. Mức lương khởi điểm của Xuân được khoảng 40.000 NZD/năm (565 triệu đồng). Sau 3 năm lương tăng lên được hơn 110.000 NZD/năm (1,5 tỉ đồng), 3 năm tiếp theo tăng lên đến hơn 160.000 NZD (2,2 tỉ đồng).

Phạm Hữu

Ở một số nước châu Âu khác như Áo, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Đức..., tất cả sinh viên bậc đại học được miễn học phí. Sinh viên tại Ireland được miễn phí với bậc đại học nhưng phải đóng phí dịch vụ sinh viên là 3.000 euro/năm (khoảng 74 triệu đồng). Học phí ở Ý tại các trường công lập khoảng 950 - 4.000 euro/năm (23 - 99 triệu đồng). Đại học tư thục học phí có thể lên đến 20.000 euro/năm (khoảng 495 triệu đồng). Na Uy cũng miễn phí với tất cả đại học công lập (có ngoại lệ với một số chuyên ngành).

Như vậy có thể thấy, mức lương của sinh viên mới ra trường tại các nước khác khá cao so với mặt bằng chung tại Việt Nam. Một số trường đại học nước ngoài còn miễn phí học phí đại học, nhận được chế độ đãi ngộ tốt từ doanh nghiệp nên câu chuyện về học phí và lương sau tốt nghiệp cũng khá tốt. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.