Lại chuyện lỗi đánh máy

31/10/2019 04:53 GMT+7

Ví von cán bộ công chức là người tài trong bộ máy "chỉ cần là người đánh máy giỏi để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi” của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tuần trước gây khá nhiều tranh cãi .

Nhưng những gì diễn ra trên thực tế cho thấy, điều này không hẳn là vô lý.
Mới nhất trong Báo cáo về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 của Chính phủ gửi Quốc hội được các đại biểu phát hiện sai sót số liệu trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 22.10 vừa rồi. Sau đó, Chính phủ đã có đính chính lại cho chính xác.
Cụ thể, nội dung đính chính là bỏ chữ "nghìn" trong đơn vị tính khoản trả nợ ròng năm 2019 là "5.038,3 nghìn tỉ đồng", con số sau đính chính tại báo cáo mới là 5.038,3 tỉ đồng. Đính chính tiếp theo là bổ sung chữ "nghìn" trong đơn vị tính của số dự kiến huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách T.Ư năm 2020 (từ 459,4 tỉ đồng thành 459,4 nghìn tỉ đồng). Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết lý do đính chính là do phát hiện lỗi kỹ thuật tại Báo cáo 512.
Cuối năm 2017, cũng vì "lỗi đánh máy", các giấy tờ như thẻ Đảng, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe... bỗng dưng không được làm thủ tục hàng không. Cũng thời điểm đó, do "lỗi diễn đạt", Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên - Môi trường được hiểu là sổ đỏ phải ghi tên cả gia đình. Hy hữu hơn, Tòa án nhân dân Long An tha nhầm phạm nhân cũng do lỗi đánh máy.
Sau khi phát hiện sự nhầm lẫn, hội đồng kịp thời sửa sai nhưng câu chuyện này vẫn được nhiều người nhắc đến như một điển hình của "lỗi đánh máy". Đặc biệt, cũng vì lỗi đánh máy, Bộ Y tế đã biến một bệnh nhân nam bị chỉ định khâu... âm đạo.
Hay cuối năm 2018, 4 cán bộ đang công tác tại Học viện Âm nhạc Huế rất bất ngờ khi nhận được thông báo sẽ phải nghỉ việc vì lý do tinh giản biên chế. Sau khi làm đơn phản ảnh lên trên, học viện thừa nhận sai sót và nói rằng lỗi do… đánh máy.
Nhắc lại để thấy, lỗi đánh máy, lỗi kỹ thuật ngày càng được sử dụng nhiều, đến mức trở thành câu cửa miệng khi có chuyện xảy ra mà chưa công bố nguyên nhân. Từ đó đặt ra vấn đề việc đánh máy đúng, chính xác là hết sức quan trọng. Thêm một số 0, đặt sai một dấu phẩy, dấu chấm có thể làm sai lệch hoàn toàn kết quả của một báo cáo, thậm chí số phận một con người.
Thế nhưng từ trước tới nay, hầu hết mọi người chưa thực sự coi trọng công việc này. Đó là nguyên nhân dẫn tới chuyện cái gì cũng đổ lỗi cho đánh máy, lỗi kỹ thuật. Vậy ai là người đánh máy, ai là người làm kỹ thuật? Hình như sau mỗi vụ lỗi đánh máy, chưa bao giờ thấy truy trách nhiệm người đánh máy, dù ở nhiều sự việc hệ quả rất trầm trọng.
Quan trọng hơn, không lẽ những người xem văn bản, quyết định và ký lên các báo cáo, các quy định pháp luật phải chăng không đọc kỹ, hoặc thậm chí không xem lại? Nếu vậy trách nhiệm cao nhất thuộc về ai? Tại sao lại chỉ đổ lỗi đánh máy?
Đánh máy là một nghề đàng hoàng, nghiêm túc và cũng quan trọng như tất cả các nghề nghiệp khác. Vì vậy, đừng sử dụng "lỗi đánh máy" để giải thích cho mọi sai sót văn bản và đổ hết tội lên đầu người đánh máy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.