Chưa cần bảng so sánh các chi phí tài chính cụ thể để biết ta đắt hơn chỗ nào, đội lên chỗ nào thì vẫn có nhiều việc cần phải làm trước khi có quyết định cuối cùng cho dự án hàng tỉ đô này.
Thứ nhất, dự án sân bay Long Thành hiện đang được Chính phủ trình Quốc hội (QH) chấp thuận cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư 3/4 hạng mục của dự án này với lý do chính là tiết kiệm thời gian đấu thầu là thiếu thuyết phục.
Chuyện rút ngắn thời gian đầu tư là chưa có gì chắc chắn, nhưng chỉ định thầu là nguyên nhân của hầu hết các dự án đội vốn, chậm trễ lại quá nhiều. Trong khi thực tế, những dự án do tư nhân làm chủ đầu tư hầu hết tiến độ đều nhanh, chất lượng bảo đảm và suất đầu tư hợp lý.
Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) là một minh chứng điển hình. Nhà đầu tư chỉ mất chưa đầy 2 năm để biến một vùng sình lầy, phải thi công trong thời tiết khắc nghiệt thành một sân bay hiện đại nhất Việt Nam và khu vực. Vậy tại sao ta không đấu thầu, huy động vốn tư nhân mà lại chỉ định thầu với một dự án gần 5 tỉ USD (giai đoạn 1), đi ngược lại chủ trương, quan điểm và xu hướng thế giới trong vấn đề này?
Thứ hai, suất đầu tư công ở Việt Nam luôn cao nhưng lại kém hiệu quả. Không chỉ dự án sân bay Long Thành, ngược lại "lịch sử", suất đầu tư nhiều dự án hạ tầng ở Việt Nam cũng rất đắt khi so sánh với các nước. Vài năm trước, nghi án đường cao tốc Việt Nam đắt gấp 2 - 4 lần thế giới cũng đã được đặt ra sau tính toán cho thấy, suất đầu tư bình quân của đường cao tốc ở Việt Nam khoảng 12 triệu USD sau khi đã loại trừ các chi phí xây cầu dẫn và đền bù giải phóng mặt bằng. So với Trung Quốc, nơi có những điểm tương đồng, chi phí làm đường cao tốc chỉ là 5 triệu USD, của Mỹ và các nước châu Âu là 3 - 4 triệu USD/km. Đáng nói, dù đắt đỏ nhưng đường mới làm đã hư hỏng, sụt lún, ổ voi ổ gà... vẫn đang hiện diện ở khắp nơi.
Chuyện đắt, rẻ hãy để các cơ quan có chuyên môn, thẩm quyền trả lời; nhưng thực tế không ít dự án sau khi tính toán lại đã giúp ngân sách tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng. Đơn cử tại TP.HCM, sau khi tổng rà soát, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thay vì điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 17.400 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng thì giảm còn 43.600 tỉ đồng, tức tiết kiệm được 3.400 tỉ đồng. Hay dự án đường sắt cao tốc bắc - nam theo tính toán của Bộ GTVT tổng vốn đầu tư lên tới gần 58 tỉ USD, nhưng Bộ KH-ĐT sau đó đã đưa ra phương án khác, giảm mức đầu tư xuống 26 tỉ USD, tức giảm 32 tỉ USD so với phương án của Bộ GTVT.
Chưa nói đúng sai nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công cao, một phương án tối ưu vừa hiệu quả, tiết kiệm lại đảm bảo chất lượng dự án là điều mà các cơ quan có thẩm quyền phải đặt lên hàng đầu. Đừng để tranh cãi "Việt Nam đầu tư cái gì cũng đắt" trở thành sự thật.
Bình luận (0)