Làm giàu nhờ vốn vay của Đoàn

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
17/08/2022 06:05 GMT+7

Vay vốn từ quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp , lập nghiệp, nhiều thanh niên đã phát triển được mô hình kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Vay vốn để hiện đại hóa sản xuất

Trong thời gian nuôi con nhỏ, chị Phạm Thị Bích Kiều (31 tuổi, ở P.Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn, Bình Định) làm bột ngũ cốc dinh dưỡng rồi rao bán trên mạng xã hội được nhiều người đặt mua. Đến năm 2020, chị Kiều xây nhà xưởng, đăng ký kinh doanh hộ gia đình về ngành nghề sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng… Chị nhập hạt ngũ cốc từ các công ty có uy tín để đảm bảo chất lượng, sau đó rửa sạch, phơi khô, rang rồi đem xay bột để pha chế thành các loại bột ngũ cốc dinh dưỡng.

Vợ chồng chị Phạm Thị Bích Kiều tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOOP tại TP.Quy Nhơn

BẢO THOA

“Thời gian đầu, do làm thủ công nên tôi gặp không ít khó khăn. Các loại hạt đậu nhiều dầu nên có khi máy xay không được, còn mùa mưa thì không thể phơi được hạt ngũ cốc… Khi xay thì không chủ động được thời gian, nếu chủ máy có nhiều đơn hàng thì mình phải chờ rất lâu. Do đó, mình luôn mong có vốn để mua sắm máy móc, mở rộng sản xuất”, chị Kiều kể.

Năm 2021, chị Kiều nghe thông tin Quỹ hỗ trợ thanh niên Bình Định khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên vay vốn để phát triển sản xuất nên đã liên hệ với Đoàn thanh niên của địa phương để được hướng dẫn làm hồ sơ. Khoảng 3 tháng sau, chị Kiều được giải ngân vốn vay ưu đãi 200 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chị đầu tư mua các máy rang, xay, sấy ngũ cốc… và đầu tư phát triển bao bì, mẫu mã cho sản phẩm.

Nhờ vậy, cơ sở sản xuất ngũ cốc và kinh doanh nông sản của chị Kiều đã xây dựng được thương hiệu, thị trường ngày càng mở rộng. Hiện cơ sở sản xuất của chị Kiều đang sản xuất 3 loại bột ngũ cốc dinh dưỡng, gồm: loại 8 hạt, loại 12 hạt và loại 22 hạt. Trung bình mỗi tháng chị Kiều sản xuất khoảng 100 kg bột ngũ cốc các loại, doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.

Sản phẩm Gu’s Coffee của gia đình anh Nguyễn Ngọc Hiên đang dần có chỗ đứng ổn định trên thị trường

HOÀNG TRỌNG

Còn anh Nguyễn Ngọc Hiên (ở P.Bồng Sơn, TX.Hoài Nhơn, Bình Định) dù có việc làm ổn định tại một doanh nghiệp lớn những vẫn nung nấu ý tưởng sản xuất cà phê và xây dựng thương hiệu cà phê sạch. Thời gian rảnh, anh Hiên lên các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông tìm nguồn nguyên liệu cà phê sạch và học hỏi kinh nghiệm rang, chế biến, pha chế cà phê nguyên chất... Năm 2017, anh Hiên mua máy móc để sản xuất cà phê sạch, đặt tên sản phẩm là Gu’s Coffee rồi mở quán bán tại P.Bồng Sơn. Năm 2021, anh Hiên quyết định nghỉ hẳn việc ở công ty để dành thời gian tập trung phát triển sản phẩm Gu’s Coffee của mình.

“Khi bắt đầu khởi nghiệp thì khó khăn nhất của thanh niên là vốn và kinh nghiệm. May mắn là tôi vay được 200 triệu đồng từ Quỹ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp để đầu tư phát triển chuỗi cà phê nhượng quyền thương hiệu Gu’s Coffee và đẩy mạnh bán hàng online, hướng đến xuất khẩu”, anh Hiên nói.

Hiện sản phẩm cà phê sạch của anh Hiên đã được bán trực tiếp cho các đại lý ở Bình Định, TP.HCM, Quảng Ngãi… và bán qua các kênh thương mại điện tử như Lazada, Shopee. Bình quân mỗi năm anh Hiên bán khoảng 24 - 25 tấn cà phê bột, doanh thu khoảng 2,5 tỉ đồng.

Anh Nguyễn Tấn Tài vay 120 triệu đồng để đầu tư nuôi cá lăng và phát triển du lịch tại nước hồ Phú Nông

HOÀNG TRỌNG

Tạo điều kiện để thanh niên vay vốn

Theo anh Nguyễn Thành Trung, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Bình Định, trên địa bàn tỉnh có nhiều thanh niên sử dụng nguồn vốn vay của Quỹ thanh niên Bình Định khởi nghiệp, lập nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả. Trong đó, cơ sở chuyên sản xuất phôi và trồng các loại nấm của anh Trần Quang Tiến (26 tuổi, ở H.Phù Mỹ, Bình Định) được vay hơn 100 triệu đồng vào năm 2020 để đầu tư thêm các máy móc, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng các loại nấm. Anh Bùi Khắc Bảo (ở TX.Hoài Nhơn, Bình Định) vay 200 triệu vào năm 2021 để đầu tư phát triển cơ sở in, may quần áo đồng phục, hiện cơ sở này có doanh số bán ra khoảng 300 - 400 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Sơn Tịnh (31 tuổi, ở TX.Hoài Nhơn) vay 200 triệu đồng để phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm chén, dĩa, muỗng từ mo cau, vỏ dừa… Năm 2020, anh Nguyễn Tấn Tài (30 tuổi, ở TX.Hoài Nhơn) vay 120 triệu đồng để đầu tư nuôi cá lăng và phát triển du lịch tại nước hồ Phú Nông…

Hỗ trợ 17 dự án thanh niên làm kinh tế

Theo Tỉnh đoàn Bình Định, Quỹ hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp được hình thành vào năm 2019. Nguồn vốn của quỹ được huy động từ nguồn kinh phí xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên, hội viên, học sinh, sinh viên… có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp, lập nghiệp.

Đến nay, Quỹ hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp đã hỗ trợ 17 dự án thanh niên làm kinh tế với số tiền 3,1 tỉ đồng. Ngoài ra, Tỉnh đoàn Bình Định cũng đã hỗ trợ 11 dự án với tổng số vốn vay gần 2,2 tỉ đồng từ nguồn vốn 120 của T.Ư Đoàn.

Trong những năm sắp đến, Tỉnh đoàn Bình Định tiếp tục hướng dẫn thanh niên vay vốn, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn, Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp... Hằng năm, Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Bình Định” để tìm kiếm, đầu tư và động viên những mô hình, dự án sáng tạo về khởi nghiệp, lập nghiệp trên các lĩnh vực. Qua đó, những dự án khởi nghiệp sáng tạo đoạt giải nếu có nhu cầu đều được Tỉnh đoàn Bình Định hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Những đoàn viên, thanh niên có dự án, mô hình làm kinh tế hợp pháp hay doanh nhân trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần vốn để đầu tư sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất 0,3%/tháng, trong thời gian 2 năm. Đối với học sinh, sinh viên có đề án khởi nghiệp cần vốn để triển khai vào thực tế sẽ được vay vốn lãi suất 0%...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.