Lắng nghe điều con muốn nói

12/04/2022 06:56 GMT+7

“Bình thường ba không hay cho con đi chơi với bạn bè, vì ba nói ba không biết mặt của bạn con”, “Mẹ ơi, tại sao lúc nào mẹ cũng phân biệt con với chị hai vậy? Con cũng là con của mẹ mà…”.

Những chia sẻ trên của các cậu bé, cô bé ở tuổi mới lớn trong chương trình Thiếu niên nói (đã được phát sóng trên kênh VTV3) từng khiến nhiều bậc cha mẹ, thầy cô phải giật mình và nhìn lại bản thân.

Mỹ Như - cô bé 14 tuổi (thứ 2 từ phải sang) ước mơ diễn xuất, mong ba đừng la mắng mà chấp nhận đam mê trong chương trình Điều con muốn nói

NewAd

Còn nhiều khoảng trống

Trong chương trình Thiếu niên nói, các em có thể nói ra hết những tâm tư, nỗi buồn, niềm vui, mặc cảm… của mình không cần che giấu. Cùng với Thiếu niên nói, một số chương trình khác là Học sinh nói, Cha mẹ thay đổi, Thầy cô chúng ta đã thay đổi, Hiệu trưởng thay đổi (phát sóng trên kênh VTV7) từng tạo nên cơn “sốt”. Ở đó, những cậu bé, cô bé được cất lên tiếng nói của mình, hay được người lớn - cha mẹ, thầy cô, hiệu trưởng lắng nghe để thay đổi. Mặc dù đã tạo nên hiệu ứng tích cực trong xã hội, nhưng những chương trình hiếm hoi về tâm lý tuổi học đường như vậy đã phải tạm ngừng sản xuất vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Có lẽ, chương trình Điều con muốn nói (phát vào tối thứ sáu hằng tuần trên VTV9) là kênh chia sẻ hiếm hoi hiện giúp gia đình gắn kết để hiểu, thương nhau hơn trên truyền hình hiện nay. Nhà báo Nhật Hoa, Giám đốc Kênh truyền hình Giáo dục VTV7, cho biết vệt chương trình Học sinh nói, Cha mẹ thay đổi, Thầy cô chúng ta đã thay đổi cùng chương trình về tư vấn giáo dục giới tính đang tiếp tục được phát lại trên kênh VTV7. “Từ 2 năm nay, do dịch Covid-19, nên VTV7 tập trung sản xuất các chương trình dạy học trên truyền hình theo chủ trương của Bộ GD-ĐT”, bà Hoa cho hay và nói thêm: “Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu các vệt chương trình về tâm lý lứa tuổi và tiếp tục sản xuất trong 1 - 2 năm tới”.

Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN), đang có khoảng trống với những chương trình về tâm lý tuổi học đường, mới lớn trên truyền hình. “Phần lớn các chương trình đang tập trung cho game show, những chương trình giải trí, chú trọng vào những thứ bắt mắt, gây cười, chứ không chú ý mạnh mẽ cho những chương trình để giải quyết vấn đề là làm sao cho một đứa trẻ phát triển bình thường”, ông Bình nói và nhìn nhận: “Hình thức chúng ta truyền thông vẫn còn sự phiến diện, thiếu đầy đủ. Đặc biệt, những vấn đề về giáo dục tâm lý cho lứa tuổi học đường đang bị chìm khuất giữa những vấn đề khác”. PGS-TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng: “Chúng ta chưa có nhiều chương trình mang tính tư vấn hay nói về tâm lý của cha mẹ và con cái, thể hiện qua các hình thức dễ hiểu từ những show truyền hình, chương trình phổ biến kiến thức hay game show… nhằm kết nối các thế hệ với nhau”.

Chương trình Cha mẹ thay đổi mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem và hiệu ứng tích cực trong xã hội

TL

“Người lớn” phải thay đổi

Theo PGS-TS Trần Thành Nam: “Trong xã hội hiện nay, tốc độ của công nghệ thay đổi rất nhanh, tạo ra khoảng cách giữa các thế hệ về mặt tâm lý, thói quen, tính cách và phong cách sống, nhu cầu giải trí…; vì vậy, dễ dẫn tới sự đứt gãy giữa các thể hệ. Cha mẹ và con cái dường như khó hiểu nhau hơn và đôi khi lạc lõng giữa thế giới của nhau; dẫn đến những sự hiểu lầm, xung đột”. Theo ông, một trong những yếu tố có thể “mang” họ đến gần nhau hơn, là cần phải có thêm nhiều chương trình được phổ biến trên truyền hình hoặc các nền tảng… ví như hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ, giúp các con có thể hiểu tâm lý người cha, mẹ mình và ngược lại.

Ông Nam bày tỏ: “Ở khía cạnh nào đó, tôi nghĩ cần có sự truyền thông xã hội tốt hơn, cần phải xây dựng các chương trình mà qua đó vừa làm nâng cao kiến thức để làm cha mẹ tích cực vừa nâng cao kỹ năng cho những thế hệ khác nhau có thể cùng đứng một diễn đàn, không gian để kết nối với nhau, phản biện những giá trị của từng thế hệ, qua đó có thể chấp nhận và hiểu biết lẫn nhau hơn”. Bởi như ông nhìn nhận: “Hiện nay, những đứa trẻ Gen Z (thế hệ sinh ra trong khoảng năm 1997 - 2012) đối diện với nhiều nguy cơ, đặc biệt các bạn cảm thấy không được an toàn trong các mối quan hệ gia đình, cảm thấy không được yêu thương/tôn trọng/thấu hiểu những giá trị của thế hệ mình. Có lẽ, đó là nguồn cơn dẫn đến những hành vi không đúng từ giới trẻ đối với bố mẹ và ngược lại. Trong khi, đằng sau sự tức giận của cha mẹ có thể là nỗi lo xuất phát từ tình thương yêu, hay những hành vi một đứa trẻ thực hiện không theo người lớn chẳng qua vì đang ở giai đoạn muốn khẳng định mình… Vậy nên, nếu có nhiều diễn đàn, chương trình, mọi người sẽ cảm thấy an toàn hơn với những hành vi của nhau, yêu thương và tôn trọng những lựa chọn hành vi của nhau hơn”.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, trong xã hội phát triển như hiện nay, những chương trình dành cho tâm lý tuổi học đường lại càng trở nên cần thiết. “Ở xã hội hiện nay, mọi thành viên trong gia đình, hay trong xã hội đều cần được quan tâm. Trong nhiều năm, chúng ta thường rao giảng mục đích cá nhân phải phấn đấu vì cái chung, và quên mất việc đặt vấn đề thỏa mãn “cái” cá nhân. Tức là việc này lâu nay đã bị bỏ trống. Khi xã hội càng phát triển thì vấn đề thực tiễn là “cái” cá nhân lại phải đặt lên trước. Nhưng bây giờ người ta mới đang chú ý đến việc giải đáp những nhu cầu riêng tư, đời sống tâm sinh lý của người lớn mà vẫn chưa thực sự dành nhiều quan tâm tới con trẻ”, ông Bình bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.