Làng nhôm phế liệu lớn nhất miền Bắc lên cụm công nghiệp vẫn ô nhiễm?
Để tránh ô nhiễm trầm trọng trong khu dân cư, các hộ dân tái chế nhôm phế liệu ở làng Mẫn Xá (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được vận động ra cụm công nghiệp để sản xuất. Tuy nhiên, cụm công nghiệp sau khi hoạt động cũng không có nơi xử lý xỉ thải.
Tự động phát
Khói nhôm phế liệu phủ dày đặc trên những mái nhà xưởng.
Hàng chục doanh nghiệp và hộ dân tái chế nhôm phế liệu trong làng Mẫn Xá, (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã được vận động ra cụm công nghiệp Hanaka gần đó để sản xuất, nhằm làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Cụm công nghiệp Hanaka (bên phải) được xây dựng gần làng nghề Mẫn Xá (bên trái). |
Nguyễn Bắc |
Thế nhưng, khi ra cụm công nghiệp để thuê đất sản xuất, các hộ dân này không khỏi ngỡ ngàng vì cụm công nghiệp cũng không có hạ tầng xử lý xỉ thải nhôm như kỳ vọng. Không những vậy, khói bụi nhôm từ các cột khói của cụm công nghiệp vẫn thổi thẳng vào khu dân cư làng Mẫn Xá, không khác nhiều so với việc các hộ dân sản xuất trong làng như trước đây.
“Cụm công nghiệp có khu xử lý rộng 3,1 hecta xử lý chất thải, nước thải làng nghề nhưng hiện nay dự án mở rộng này mới đang khởi động, đang trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng để làm khu xử lý nước thải, chất thải của cụm công nghiệp làng nghề.
Các lò nhôm đỏ lửa trong cụm công nghiệp Hanaka dù địa điểm này vẫn chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn môi trường. |
Nguyễn Bắc |
Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng cũng chưa được các cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý hoặc những chế tài để tránh xảy ra tình trạng một làng Mẫn Xá thứ 2 ở cụm công nghiệp làng nghề.
Đối với các đơn vị như cụm công nghiệp làng nghề chưa đủ điều kiện mà đã đưa vào hoạt động sản xuất, địa phương đánh giá mức độ ô nhiễm có thể sẽ như làng Mẫn Xá thứ 2. Chúng tôi muốn kiến nghị với các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng có thể giúp địa phương, chỉ đạo địa phương làm sao để quản lý chặt chẽ hơn để tình trạng ô nhiễm môi trường không thể thành làng Mẫn Xá thứ 2, không thể thành bãi xỉ ở cụm công nghiệp làng nghề trong tương lai”, ông Nguyễn Hoàng Gia, Chủ tịch UBND xã Văn Môn, Bắc Ninh cho biết.
Khung cảnh tan hoang như ‘bãi chiến trường’ ở làng nhôm phế liệu lớn nhất miền Bắc |
Theo thông tư 31/2016 của Bộ Tài nguyên Môi trường thì cụm công nghiệp muốn đi vào hoạt động phải đảm bảo an toàn môi trường, có khu lưu chứa chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải và hệ thống thoát nước mưa.
Tuy nhiên, cụm công nghiệp Hanaka đến nay vẫn “3 không”: Không khu lưu chứa chất thải rắn, hệ thống nước thải và hệ thống thoát nước.
Các cột khói của các hộ dân sản xuất nhôm phế liệu đã chuyển từ trong làng Mẫn Xá ra ngoài cụm công nghiệp làng nghề Hanaka. |
Nguyễn Bắc |
Dù chưa hoàn thiện về các điều kiện môi trường, nhưng hoạt động xây dựng nhà xưởng ở đây vẫn đang diễn ra nhộn nhịp. Hơn 10 nhà xưởng đã xây xong thì đang bốc khói nghi ngút, hoạt động sản xuất nhôm tái chế diễn ra rầm rộ.
“Hiện nay có một số cơ sở sản xuất ra nhận đất thì đã tiến hành đầu tư cơ sở để sản xuất. Đối với các cơ sở ra thì lượng ra còn rất ít. Thực chất nhiều doanh nghiệp cơ sở đã nhận đất, mua đất nhưng vẫn còn sản xuất rải rác trong làng được nên họ cũng chưa muốn đầu tư ra cụm. Ở tại cụm của chúng tôi, có một số doanh nghiệp họ đã ra nhận đất và đầu tư nhà xưởng. Những doanh nghiệp này đều có cam kết về xử lý môi trường cũng như có hệ thống xử lý nước thải của riêng họ, đảm bảo môi trường và có hợp đồng xử lý chất thải rắn, không thải ra môi trường thì mới được phép sản xuất trong cụm công nghiệp. Thực chất là chúng tôi cũng chưa đi vào sản xuất, cụm công nghiệp cũng chưa đi vào sản xuất. Chúng tôi mới có một vài doanh nghiệp ra cụm để lắp đặt và sản xuất thử thôi. Cả cụm công nghiệp thì vẫn chưa đi vào sản xuất nên đất còn rất nhiều, lượng doanh nghiệp ra cũng rất ít”, ông Lê Anh Dũng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka cho hay.
Theo đại diện ban quản lý khu công nghiệp Hanaka, thì cụm công nghiệp mới đang vận hành thử. Nhưng, xỉ nhôm đang đổ trực tiếp ra môi trường với khối lượng hàng chục tấn mỗi ngày lại là thật. Còn theo đại diện Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bắc Ninh, thì vướng mắc chủ yếu khiến cụm công nghiệp chưa được hoạt động là do chưa có mặt bằng thi công khu lưu chứa chất thải rắn.
“Về vấn đề này, chúng tôi đang đề xuất để tổ chức chỉ đạo UBND huyện Yên Phong kiểm tra lại về trình tự thủ tục đầu tư của chủ đầu tư này về vấn đề liên quan việc xây dựng cụm công nghiệp cũng như hoạt động của các hộ gia đình, các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trong cụm công nghiệp này trong thời gian tới. Sau khi kiểm tra, phát hiện vấn đề đó thì chúng tôi sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bởi vì nó là làng nghề tồn tại từ rất lâu rồi nên để giải quyết không phải là một sớm một chiều. Ngay vấn đề phát triển cụm công nghiệp mà cũng mấy năm rồi vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. Để giải quyết được dứt điểm vấn đề này thì trước tiên phải có mặt bằng cho nhân dân đổ. Sau đó phải có định mức, đơn giá áp vào, nhân dân phải chịu phí đổ xỉ thì công tác bảo vệ môi trường mới đảm bảo.
Bên trong làng cô đúc nhôm phế liệu Mẫn Xá đã ô nhiễm trầm trọng xỉ nhôm và khói bụi sau hàng chục năm hoạt động. |
Nguyễn Bắc |
Tôi tin rằng trong năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh, các sở ban ngành, UBND huyện Yên Phong và nhân dân thì công tác tổ chức thực hiện giải quyết ô nhiễm môi trường ở làng nghề xã Văn Môn sẽ thực hiện được”, ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.
Quanh ngôi làng tái chế nhôm phế liệu Mẫn Xá, một bãi xỉ nhôm khổng lồ được tích lũy qua hàng chục năm đã được lực lượng chức năng quây tôn cao quá đầu người. Mục đích là để chặn lối người dân, không cho vào đổ trộm. Thế nhưng, những hàng rào tôn này lại đang có tác dụng ngược lại, che chắn cho các lối mở của người dân trong làng để tiếp tục đổ trộm xỉ thải nhôm ra môi trường. Hơn 80 tấn xỉ thải nhôm phát sinh mỗi ngày khiến cho vấn đề ô nhiễm môi trường ở nơi đây vẫn đang tiếp diễn từng ngày, dù là sản xuất làng nghề hay cụm công nghiệp làng nghề.
Bình luận (0)