Vừa đặt chân đến làng thớt Định An (ấp An Hòa, xã Định An, H.Lấp Vò, Đồng Tháp) đã nghe những âm thanh sôi nổi của tiếng cưa, đục cùng tiếng vận hành máy. Người kéo xe, người phơi thớt... rất nhộn nhịp.
Dù công việc khá vất vả nhưng người dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề làm thớt gỗ, bởi đây là nghề vừa tạo ra thu nhập vừa là nghề truyền thống cha ông để lại. Hiện có khoảng 15 hộ gắn bó với nghề, cung cấp thớt khắp các tỉnh thành miền Tây Nam bộ.
|
Bà Lê Thị Khen (54 tuổi) người có thâm niêm làm thớt, cho biết thuở trước, người dân xứ này sinh sống bằng nghề chuyên chở hàng hóa trên sông. Về sau, nhiều gia đình mua lá lợp nhà, mua gỗ mù u làm cột, làm rui... những khúc gỗ thừa được tận dụng làm thớt đem bán và được ưa chuộng nên dần dần hình thành làng nghề truyền thống đến ngày nay.
|
|
Cũng theo bà Khen, trước kia thớt được làm thủ công nên sản phẩm cung ứng ra thị trường không nhiều. Những năm gần đây, người dân đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, nhờ đó năng suất tăng cao, trung bình một ngày mỗi gia đình ở Định An có thể sản xuất được 500 cái thớt.
Gỗ dùng làm thớt chủ yếu là mù u, me, xà cừ. Gỗ thớt sản xuất xong được bán với giá từ 10.000 - 60.000 đồng/cái, trong đó thớt bằng cây mù u có giá cao nhất. “Mù u là loại gỗ tốt nhất, lại chắc chắn, khi dùng làm thớt băm chặt không lưu lại vết đen như các loại thớt khác”, bà Khen nói.
|
Để có một cái thớt bền, đẹp người thợ phải phải thực hiện nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn mua cây gỗ già, đem phơi khô, kế đến đưa vào máy cắt thành từng miếng, lộng tròn, gọt láng, chà nhám. Cánh đàn ông thì làm những việc nặng như cưa, đục, cắt còn phụ nữ thì gọt láng, chà nhám.
|
|
“Suốt ngày phải ở ngoài nắng để đốn và cưa cây rồi đem phơi. Hít bụi riết cũng bị bệnh về mũi. Bởi vậy người trẻ họ ngán lắm, không ai theo nghề đâu”, bà Khen chia sẻ.
|
Chị Trần Thị Út (30 tuổi, ngụ ấp An Hòa, xã Định An) cho biết hiện nay thớt gỗ Định An vẫn có sức hút lớn. Trên thị trường ngày càng có nhiều thớt nhựa mẫu mã đẹp, bắt mắt nhưng nhiều người vẫn chuộng thớt gỗ tự nhiên. Do đó, nhiều mối lái thường đến đặt hàng với số lượng lớn để xuất bán khắp các tỉnh, thành miền Tây.
|
|
Theo chị Út, để đa dạng sản phẩm, người dân làng thớt Định An còn làm ra nhiều sản phẩm chất lượng như: bàn, ghế, giá đỡ điện thoại... được khách hàng ưa chuộng.
Bình luận (0)