|
Trên các trang mạng xã hội, diễn đàn như Facebook, webtretho, nguoihatinh.net, hocmai.vn, suhoctr.hisforum.net, YuMe, chuyenvt.net… có hàng chục hội nhóm, CLB tập hợp người trẻ đam mê lịch sử.
Ban chủ nhiệm CLB Nhân văn trẻ (Hà Nội) lập nhiều diễn đàn sử học trên mạng với mục tiêu góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước ý chí phấn đấu và rèn luyện qua những trang sử oai hùng của dân tộc.
Trên trang onthi.com, nhiều học sinh, sinh viên có thể tham gia CLB tự học lịch sử. Để trở thành thành viên CLB khá uy tín này, bạn trẻ phải hoàn tất phiếu đăng ký và tuân thủ nghiêm những quy định của ban chủ nhiệm.
Thầy Châu Tiến Lộc, Trường THPT Thủ Đức (TP HCM) sáng lập viên CLB – Diễn đàn Sử học trẻ, cho biết nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức các cuộc thi chuyên đề, mở hội thảo trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc về đề thi, giới thiệu công trình của giới sử học.
Thành lập từ năm 2008, số lượng thành viên CLB - diễn đàn này hiện lên tới hàng nghìn, trong đó, không chỉ có học sinh vào học, trao đổi kinh nghiệm ôn thi mà còn có nhiều giáo viên gia nhập để nâng cao năng lực.
Trên Facebook có trên chục hội lịch sử thu hút đông đảo thành viên cũng như sự quan tâm của cư dân mạng. Hội những người yêu lịch sử Việt Nam chú tâm trao đổi video, hình ảnh, tiểu thuyết về sự kiện, nhân vật lịch sử nhằm giúp bạn bè dễ nhớ, dể hiểu về lịch sử Việt hơn.
Các thành viên trong hội này cũng thường thảo luận, tổ chức trò chơi liên quan đến lịch sử như câu đố bằng thơ, lập kho hình ảnh...
Nhiều bạn trẻ thể hiện niềm đam mê sử Việt bằng những bài viết trên blog. Lonesome, một blogger, phê phán nhóm tác giả bộ tranh Anh hùng Sử Việt vì những bức ảnh lai căng, khiến sử Việt bị méo mó. Bài viết nhận được nhiều ý kiến đồng tình của cộng đồng mạng.
Một số bạn trẻ còn lập hẳn trang web dành cho những người mê sử như ViNhanOnline.com, tập trung vào tiểu sử, sự kiện liên quan đến danh nhân, phân tích, luận bàn về nhân vật.
Nhóm bạn trẻ còn mày mò góp nhặt những bài viết về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa với hình ảnh chất lượng được biên tập khá kỹ, chọn lọc nên thu hút lượng truy cập lên tới hàng ngàn lượt mỗi ngày.
“Nhóm nghiên cứu chúng tôi với những thành viên thực sự có tâm huyết, nhưng còn hạn chế về kiến thức, sức người lẫn tài chính nên thời gian qua chưa thể cập nhật được đầy đủ theo danh sách đã có”, Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, thành viên ban biên tập website trên cho hay.
Theo Tiền Phong
>> “Học sử trên đường” sao cho dễ hiểu?
>> Học sử trên đường phố
>> “Học sử trên đường” sai địa danh
>> Lên mạng học ngoại ngữ với người bản xứ
>> Văn học mạng không thể thay thế sách in
>> Xu hướng học trực tuyến đang gia tăng trên thế giới
>> Tư vấn trực tuyến "Học tiếp hay đi làm?
Bình luận (0)