Leo núi Cô Tiên để trồng cây

04/11/2022 09:30 GMT+7

Nhiều tháng qua, học sinh nhóm STEAM Nha Trang đã cùng các thầy cô leo núi trồng cây, góp phần khôi phục hệ sinh thái rừng trên núi Cô Tiên (P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang, Khánh Hòa ).

Núi Cô Tiên được các bạn trẻ và khách du lịch hay ghé đến để trải nghiệm leo núi cũng như cắm trại ngắm thành phố về đêm. Bên cạnh một số đoàn có ý thức bảo vệ cây rừng thì nhiều người đã bẻ cây làm củi đốt lửa trại, làm cọc dựng lều… Điều này khiến môi trường sinh thái trên núi ngày càng xấu đi. Thấy được hiện trạng đó, các thành viên của nhóm đã lên ý tưởng trồng cây để phủ xanh đất trống, góp phần khôi phục môi trường cũng như nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường rừng của mọi người.

Dự án bắt đầu bằng những lần leo núi tìm kiếm và nhặt hạt cẩm liên về ươm mầm. Vào những buổi sáng cuối tuần, học sinh lại thay phiên nhau cùng thầy cô leo núi Cô Tiên, đây vừa là hoạt động rèn luyện sức khỏe, vừa để thực hiện nhặt hạt ươm mầm của các bạn.

Các học sinh rất hào hứng khi được trải nghiệm hoạt động trồng cây trên núi Cô Tiên

T.T

Cứ những lần như thế, các học sinh nhặt hạt cẩm liên bỏ vào chai rồi mang xuống núi. Mỗi bạn tự đem về gieo trồng tại nhà và quan sát, ghi chép lại thời gian sinh trưởng của mầm cây như thế nào... Nhờ thầy cô hướng dẫn, các học sinh đã tự ươm được rất nhiều cây cẩm liên con để đem đi gieo trồng.

Sau khi hạt giống nảy mầm, nhóm STEAM Nha Trang bắt đầu hành trình “mang cây về rừng”. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, các học sinh chọn khu vực đào hố và vun thêm đất trồng cây. Học sinh cũng tự chế các bình tưới tự động từ chai nhựa dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Những bình nước với nắp chai đục lỗ để luồn một sợi dây dẫn sẽ tự động đưa nước chảy nhỏ giọt cung cấp đủ độ ẩm cho cây con. Với một bình tưới như vậy có thể đảm bảo cung cấp nước cho cây trong thời gian 3 - 4 ngày.

Cứ thế, khoảng 3 ngày, các học sinh lại chia nhau leo núi để kiểm tra, thay bình nước cho cây. Ngoài ra, hằng tuần, nhóm còn thực hiện nhiều chiến dịch nhặt rác, cắt cỏ khô tại nhiều khu vực rậm rạp và tuyên truyền du khách hạn chế mang rác thải nhựa khi tham quan, trải nghiệm leo núi, cắm trại trên núi Cô Tiên.

Giáo viên Phạm Vũ Thanh An, Trường THCS Võ Văn Ký, thành viên nhóm, chia sẻ: “Hiện nay nhóm đã trồng được hơn 200 cây trên nhiều khu vực tại núi Cô Tiên. Hoạt động này cũng dần được phụ huynh và người dân ủng hộ. Nhiều phụ huynh cũng có hứng thú và đăng ký tham gia cùng con. Vì đó, hoạt động sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển”.

Thời gian tới, ngoài việc trồng, nhóm sẽ đặt cây con dưới chân núi để khách du lịch khi tham quan có mong muốn sẽ mang theo lên núi trồng. Thông qua hoạt động này, du khách sẽ nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, góp phần tô thêm màu xanh cho thành phố, để Nha Trang luôn là địa điểm du lịch xanh, thân thiện và mến khách.

STEAM Nha Trang là nhóm tập hợp nhiều thầy cô và học sinh từ các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP.Nha Trang. Thầy cô sẽ là người tạo ra các sân chơi, hướng dẫn học sinh hình thành và rèn luyện kiến thức, kỹ năng thông qua các đề tài, bài học theo những chủ đề gắn liền với thực tế cuộc sống theo phương pháp giáo dục STEAM: kết hợp khoa học (science), công nghệ (technology), kỹ thuật (engineering), nghệ thuật (ART) và toán học (math) giúp truyền cảm hứng học tập cho học sinh trong những môn học lý thuyết khô khan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.