Lỗ hổng an toàn thi công

16/05/2020 07:35 GMT+7

Vụ sập công trình ở Đồng Nai mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn xây dựng cũng như yêu cầu an toàn lao động.

Ngày 14.5, vụ đổ sập công trình nhà máy của Công ty CP AV Healthcare (KCN Giang Điền, Đồng Nai) xảy ra khiến 10 người tử vong, 14 người bị thương.

Sập công trình làm 10 người chết: kiểm tra các công trình tương tự trong KCN Giang Điền

Không phải lần đầu

Tuy nhiên, vụ tai nạn như trên không phải lần đầu tiên xảy ra dẫn đến tổn thất lớn về nhân mạng. Giữa tháng 3.2019, tại công trình xây dựng nhà xưởng của Công ty TNHH Bohsing (KCN Hòa Phú, H.Long Hồ, Vĩnh Long) cũng xảy ra sự cố đổ sập tường làm 7 người tử vong.
Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã vào cuộc, khởi tố vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, khởi tố 4 bị can (hiện nay đã có cáo trạng truy tố). Hạng mục xảy ra sự cố thuộc nhà xưởng, diện tích xây dựng khoảng 4.844 m2. Đoạn bị sập dài khoảng 30 m, cao 12,57 m.
Sau sự cố, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng cũng có văn bản nêu ra nhiều sai phạm sơ đẳng ở công trình này, dẫn đến sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Báo cáo nêu rõ sai phạm của các cá nhân, tổ chức gồm: Ban Quản lý các KCN Vĩnh Long, Công ty Bohsing và các đơn vị tham gia thi công...

Lực lượng phối hợp đang khám nghiệm hiện trường

Ảnh: Gia Khánh

Đánh giá về 2 vụ việc này, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, vụ đổ sập công trình nhà máy của Công ty CP AV Healthcare và sự cố sập tường nhà xưởng tại KCN ở Vĩnh Long có những hình thức giống nhau và khác nhau. Ngay sau vụ sập đổ ở KCN Vĩnh Long, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân và để ngăn ngừa vấn đề thi công ẩu tả tại các công trình nhà xưởng trong các KCN, ngày 14.8.2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị 1914, gửi cho các tỉnh lưu ý các sự cố tương tự. Tuy nhiên, sự cố rất đáng tiếc vẫn tiếp tục xảy ra.
“Để khắc phục, khả năng sau sự cố này, chúng tôi phải nghiên cứu tiếp để cần thì bổ sung thêm vào các chỉ thị khác... Ngoài ra, việc xây dựng nhà xưởng nằm trong các KCN, Bộ Xây dựng cũng đã có quy chuẩn nhưng trên thực tế vẫn nhiều nơi không thực hiện nghiêm dẫn đến sự cố như trên”, ông Hùng nói và cho hay sắp tới Bộ Xây dựng cũng giao cho Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (đều thuộc Bộ Xây dựng) phối hợp với Cục Quản lý an toàn của Bộ LĐ-TB-XH có một nghiên cứu, nhằm có một hướng dẫn đặc biệt về việc thi công các dạng mảng tường lớn mà lại hay sụp đổ trong quá trình thi công, tìm hiểu nguyên nhân chưa hoàn chỉnh thiết kế hay lý do vì sao dẫn đến sụp đổ.
“Sau đó, chúng tôi sẽ có một hướng dẫn mang tính chuyên môn để ngăn ngừa xảy ra sự cố trong quá trình thi công. Trong đó, phải đặt ra các biện pháp thi công, tải trọng thi công, thiết kế trong quá trình thi công... nhằm ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra”.
Ngoài nguyên nhân về thiết kế, chất lượng, công tác thi công công trình được các bộ ngành đặt ra thì công tác đảm bảo an toàn cho người lao động, tay nghề của thợ xây… cũng cần được quan tâm để tránh xảy ra sự cố, giảm thiệt hại về người và tài sản trong quá trình xây dựng công trình.

Bỏ lơ phương tiện bảo hộ

Theo các nạn nhân bị thương đang điều trị tại Trung tâm y tế H.Trảng Bom và Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất (TP.Biên Hòa) trong vụ sập công trình ở Đồng Nai, quá trình làm việc tại công trình trên đều không được trang bị bảo hộ lao động.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Phạm Thạnh Phú (44 tuổi, ngụ Vĩnh Long), đang nằm điều trị tại Trung tâm y tế H.Trảng Bom, xác nhận: “Từ lúc vào làm việc tại công trường cho đến khi tai nạn xảy ra, tôi chưa bao giờ nghe lãnh đạo nhắc đến mặc đồ bảo hộ cho công nhân. Đi làm ai có giày mang giày, ai không có giày thì mang dép, nón bảo hộ hay dây đai an toàn là không có dù phải làm việc trên giàn giáo cao”.
Liên quan việc tuân thủ an toàn lao động (ATLĐ) tại công trình xây dựng nhà máy của Công ty AV Healthcare, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay việc tổ chức thi công công trình do Công ty TNHH Hà Hải Nga - một công ty tư nhân, đảm nhận.
Công ty này đã không tuân thủ các quy định về ATLĐ, việc chuẩn bị các phương tiện lao động, đồ bảo hộ lao động đều thiếu hoặc không có. Đáng chú ý, hầu hết lao động công ty này thuê đều là lao động tự do, trả lương công nhật. Qua kiểm tra, 14 người bị thương và 10 người tử vong chưa thấy ai có hồ sơ hợp đồng lao động, các lao động này cũng không có tay nghề xây dựng. Có những người do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bị giảm việc nên đi làm thợ xây.
Nói đến công tác ATLĐ tại các công trình xây dựng nói chung, ông Thơ, nhấn mạnh: “Ở một số công việc có thể tuyển dụng lao động tự do, nhưng với cả công trình xây dựng thì không thể làm như vậy, bởi sẽ không tuân thủ và đảm bảo tiêu chuẩn về xây dựng, tay nghề, kỹ năng, chuyên môn của thợ xây trong quá trình xây dựng, cũng như kiến thức chung của người lao động”.
Để hạn chế những vụ tai nạn lao động tương tự xảy ra, theo ông Thơ, ngoài tuân thủ đảm bảo thiết kế, cấp phép xây dựng đúng quy trình, các chủ đầu tư phải chú ý thuê mướn các nhà thầu có năng lực, tăng cường kiểm tra giám sát; có sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Bên cạnh đó, người quản lý, người lao động phải có chứng nhận, chứng chỉ về ATLĐ.
Trong khi đó, thứ trưởng Lê Quang Hùng nói thêm: “Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ LĐ-TB-XH, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai kiểm tra vấn đề này, kể cả hợp đồng lao động, bảo hiểm... để xác định trách nhiệm của các chủ thể”.

Một số vụ tai nạn nghiêm trọng khi thi công

Ngày 22.2.2020: Một vụ sập cần cẩu tại một công ty ở KCN Bàu Bàng, H.Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Thời điểm trên, khi công nhân đang làm việc tại công trường xây dựng nhà xưởng trong khuôn viên công ty thì phát hiện khung cần cẩu rung lắc và đổ sập ngay sau đó. Vụ tai nạn làm 3 người chết, 3 người khác nguy kịch.
Chiều 26.3.2019: xe cần cẩu đang tham gia thi công một gói thầu của đường giao thông (ở xã Nhị Bình, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) thì bất ngờ bị sụt lún. Hậu quả, dàn cần cẩu của xe dài hơn 20 m, nặng hơn 2 tấn đổ đè nhà ông Nguyễn Văn Út (67 tuổi, ngụ ấp Hưng Nhị Bình, xã Nhị Bình) làm căn nhà này bị sập, hư hỏng nặng.
Tối 22.11.2018: Căn nhà đang thi công trong hẻm 25 Tôn Thất Tùng (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) bất ngờ sập phần mái phía trước. Khối bê tông đè sập sàn thao tác, kéo đổ giàn giáo đang che phần ban công từ tầng 2 đến tầng 4. Nam công nhân trông coi công trình đang ăn hủ tiếu phía dưới bị bê tông, sắt thép đè trúng, tử vong tại chỗ; người bán hủ tiếu trọng thương.
Ngày 25.9.2017: Công trình xây dựng Trường mầm non V.X (ở P.Mỹ Đình 1, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang đổ bê tông sàn tầng 3 thì bất ngờ xảy ra sự cố. Toàn bộ diện tích rộng khoảng 489 m2 gồm sàn tầng 3, các cột, sàn tầng 1 và 2 bị đổ sập, làm hư hỏng cả công trình rộng hơn 1.700 m2. Rất may ít phút trước khi đổ sập, khi phát hiện dấu hiệu sự cố, toàn` bộ công nhân đang thi công đã chạy thoát khỏi khu vực nguy hiểm nên không gây thiệt hại về người.
Ngọc Lê 
Liên quan vụ sập tường ngày 14.5, trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: “Tinh thần thống nhất giữa Bộ Xây dựng với tỉnh Đồng Nai là sẽ giao cho một đơn vị tư vấn giám định để có đánh giá chi tiết toàn bộ vụ tai nạn, từ đó sẽ thấy rõ được nguyên nhân gây tai nạn là gì. Nguyên nhân gây sập tường cần chờ đánh giá cụ thể, chứ chưa thể đưa ra ngay là do cái gì. Tuy nhiên, sơ bộ ban đầu có thể thấy sập tường là do “mất ổn định ngoài mặt phẳng của tường”.
Có nhiều yếu tố gây mất ổn định ngoài mặt phẳng của tường, mà muốn biết rõ cần có biện pháp nghiệp vụ. Còn do những yếu tố nào cụ thể thì cần phải tính toán, xem xét kỹ càng”, Thứ trưởng Hùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.