Lo ngại giá thuốc cản trở điều trị Covid-19

Khánh An
Khánh An
13/05/2020 09:11 GMT+7

Giá thuốc cao ngất ngưởng so với chi phí sản xuất thực tế được dự báo sẽ gây khó khăn trong điều trị bệnh nhân Covid-19 .

Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng linh hoạt một số thuốc trong điều trị Covid-19 đang góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong và hỗ trợ nỗ lực kiểm soát đại dịch trên thế giới. Nhiều loại thuốc trị các bệnh khác đang được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 trong khi chờ đợi chế tạo thành công vắc xin và thuốc đặc trị. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, với giá bán quá cao hiện nay thì dù có chứng minh được hiệu quả, thuốc cũng khó đến tay nhiều bệnh nhân trên thế giới về lâu dài, khi các nước chấm dứt điều trị miễn phí.

Giá trên trời

Trong nghiên cứu đăng trên chuyên san Journal of Virus Eradication, nhóm chuyên gia Anh, Úc và Mỹ xem xét 9 loại thuốc đã được giới y học cho rằng có khả năng điều trị Covid-19 và đang được thử nghiệm lâm sàng.
Kết quả cho thấy nhiều loại thuốc được bán với giá cao gấp hàng ngàn lần so với chi phí sản xuất. Chẳng hạn như chi phí sản xuất thuốc sofosbuvir tính cho một liệu trình điều trị viêm gan C là 5 USD (116.000 đồng) nhưng được bán với giá 18.610 USD tại Mỹ, cao gấp 3.722 lần. Tương tự, thuốc pirfenidone điều trị xơ phổi có chi phí sản xuất cho liệu trình 28 ngày là 31 USD nhưng được bán với giá lên đến 9.606 USD tại Mỹ, 2.561 USD tại Anh và 2.344 USD tại Pháp.

WHO nhắm 7 - 8 vắc xin tiềm năng

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua cho biết có hơn 100 cuộc nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu nhưng trong đó có 7 - 8 ứng cử viên hàng đầu, theo AP. “Chúng tôi đang tập trung vào một vài ứng viên có thể mang lại kết quả tốt hơn, đồng thời thúc đẩy các ứng viên tiềm năng khác”, ông Tedros thông báo.
Trước đó, ông Tedros dự tính phải cần 12 - 18 tháng mới phát triển được vắc xin nhưng hôm qua cho hay tiến trình này đã được đẩy nhanh nhờ khoản cam kết đóng góp 8 tỉ USD của lãnh đạo 40 quốc gia, tổ chức và ngân hàng hồi tuần trước. Tuy vậy, lãnh đạo WHO cho rằng cần có thêm kinh phí để đẩy nhanh việc phát triển vắc xin và quan trọng hơn là sản xuất đủ số lượng cho người dân toàn cầu.
Hồi tuần trước, Hãng công nghệ sinh học Moderna trở thành công ty đầu tiên ở Mỹ được cấp phép thử nghiệm vắc xin mRNA-1273 giai đoạn 2. Hãng Pfizer (Mỹ) trong tuần trước cũng bắt đầu thử nghiệm vắc xin BNT126 trên người ở giai đoạn 1. Trong khi đó, Viện Jenner tại ĐH Oxford (Anh) dự tính thử nghiệm một loại vắc xin trên hơn 6.000 người vào cuối tháng 5. Nếu hiệu quả và an toàn, hàng triệu liều có thể được cung cấp vào mùa thu.
Theo tờ USA Today, để được cấp phép lưu hành, vắc xin phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm để đánh giá độ hiệu quả, độ an toàn và những phản ứng phụ. Số người được tiêm thử tăng dần sau mỗi giai đoạn.
Vi Trân
Theo tờ The Guardian, các hãng dược thường biện hộ rằng chi phí đầu vào của họ rất cao. Tuy nhiên, khi tính giá thuốc, các nhà nghiên cứu đã gộp cả chi phí xuất khẩu, thuế và thậm chí 10% lợi nhuận. Chưa hết, trong nhiều trường hợp, các hãng dược còn được chính phủ trợ cấp như Hãng Gilead Sciences được chính phủ Mỹ trợ cấp ít nhất 79 triệu USD cho thuốc remdesivir.

Tổng thống Trump lạc quan với thuốc Remdesivir trị Covid-19 sau kết quả thử nghiệm tích cực

Tiến sĩ Jacob Levi tại Đại học Hoàng gia London (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết các hãng dược lâu nay thường tính giá thuốc rất cao dù họ chi rất ít cho quá trình nghiên cứu và phát triển. “Điều này cực kỳ phổ biến với thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm như viêm gan hay HIV và chúng ta không được để nó xảy ra với thuốc trị Covid-19. Nếu không, hàng trăm ngàn cái chết có thể ngăn chặn được vẫn sẽ xảy ra và ngày càng thêm bất bình đẳng về y tế cho người nghèo”, ông cảnh báo.

Nỗi lo thiếu thuốc gốc

Bên cạnh giá thuốc, vấn đề thiếu thuốc gốc cũng đang làm dấy lên nhiều lo ngại trong bối cảnh thế giới đang áp dụng nhiều biện pháp đối phó đại dịch Covid-19. Tờ Nikkei Asian Review hôm qua đưa tin 40% trong số 45 hãng dược tại Nhật Bản đều cảnh báo chuỗi cung ứng thuốc gốc của họ sẽ cạn kiệt trong vòng 6 tháng tới. Các hãng dược tại Nhật nhập khẩu khoảng 50% hoạt chất từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung QuốcHàn Quốc. Tuy nhiên, Covid-19 đã làm gián đoạn quy trình hải quan khắp thế giới.
Trước nguy cơ này, chính phủ Nhật đang phối hợp với 400 công ty trong nước nhằm chủ động sản xuất thuốc, bên cạnh việc sản xuất các trang thiết bị y tế phòng chống Covid-19. Các ban ngành đang thu thập thông tin từ doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nguồn nguyên vật liệu một cách nhanh chóng và ổn định, với sự phối hợp của Hiệp hội Y khoa Nhật Bản và các bệnh viện. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp sẽ lập các văn phòng trên cả nước để tiếp nhận đăng ký từ các công ty liên quan và điều phối hoạt động này.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới cam kết 8 tỉ USD nghiên cứu vắc xin Covid-19, nhưng không có Mỹ, Trung Quốc, Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.