Sự níu chân ấy không đơn thuần chỉ vì lưu luyến những tháng ngày khốc liệt cùng đồng nghiệp, đồng đội mà đó còn là tâm thế sẵn sàng đối mặt với những diễn tiến bất ngờ của dịch bệnh. Điều may mắn là, các nhóm ấy vẫn rất yên ắng chứ không còn nóng bỏng như trước đây.
Và một ngày Thầy thuốc Việt Nam cũng đến sau gần một năm ngành y tế cùng với cả hệ thống chính trị xông vào giông bão của dịch bệnh, đi qua một trong những biến cố sâu đậm nhất của lịch sử thành phố. Chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng, tri ân và những cảm thông chia sẻ. Có lẽ đây là ngày 27 tháng 2 đáng nhớ và ý nghĩa nhất của tôi và hàng ngàn y bác sĩ khác.
Thành thật mà nói thì ngành y hoàn toàn xứng đáng với những tình cảm đó của toàn xã hội. Chúng tôi đã vượt lên trên chính mình, vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua những toan tính cá nhân, vượt lên trên những khó khăn tưởng chừng không thể nào đối mặt, đi qua những khoảnh khắc cam go nhất, đau đớn nhất làm trọn thiên chức cao quý của nghề để cùng đồng bào và thành phố bước vào mùa xuân mới, giai đoạn phát triển mới. Đón nhận tất cả những tấm chân tình của lãnh đạo và của cộng đồng, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự kỳ vọng của xã hội, vinh dự lớn lao và trách nhiệm nặng nề của người thầy thuốc nhân dân.
Nhưng niềm hạnh phúc ấy sẽ trọn vẹn hơn nữa nếu cộng đồng thấy rõ được những mất mát không gì bù đắp nổi mà chúng ta đã trải qua để tỉnh thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe trước những mối nguy hiểm tiềm tàng. Chúng ta đã vững vàng đi qua thời điểm khó khăn nhất của đại dịch. Biến thể Omicron trên thực tế gây bệnh nhẹ hơn biến thể Delta. Tuy nhiên, không có những biện pháp như 5K và vắc xin thì chúng ta đã phải trả giá đắt hơn gấp nhiều lần. Bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh mới.
Mở cửa không đồng nghĩa với xả cửa. Chúng ta cần hồi sinh nền kinh tế và các hoạt động khác đến mức bình thường nhất có thể. Song song đó, cộng đồng vẫn cần ý thức bảo vệ những nhóm nguy cơ như người lớn tuổi, người có bệnh nền. Bảo vệ sức khỏe chính mình và người xung quanh chắc chắn là lời tri ân mà những người mặc áo blouse trắng mong muốn đón nhận nhất.
Và dù không muốn nói nhưng vẫn phải thành thật một điều rằng đại dịch cũng làm bộc lộ những khiếm khuyết của ngành y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở và hệ thống hồi sức cấp cứu. Thành phố đã có những bước đi táo bạo ban đầu để củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Điều này là hoàn toàn hợp lý và hiệu quả để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nào quên một lĩnh vực cực kỳ quan trọng để ngành y tế có thể đối mặt với những thảm họa trong tương lai: chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Khi ngành y tế thành phố dồn tổng lực xung trận, cộng với sự tiếp viện của cả nước thì cái thiếu quan trọng nhất vẫn là những thầy thuốc có chuyên môn hồi sức được đào tạo bài bản để có thể hồi sinh tim phổi, chạy thận, thở máy, chạy ECMO và hàng trăm thủ thuật chuyên sâu khác cần để cứu tính mạng bệnh nhân nguy kịch. Đây là chuyên ngành nặng nhọc, áp lực cao, đòi hỏi nhiều nhưng đãi ngộ vẫn còn chưa xứng đáng nên sức hấp dẫn rất hạn chế. Hồi sức cấp cứu là một chuyên khoa quan trọng không chỉ trong hoạt động thường quy của bệnh viện mà còn là một lực lượng đặc nhiệm mỗi khi chúng ta phải đối mặt với thảm họa, như đã từng xảy ra với đại dịch Covid-19 vừa qua.
Bình luận (0)