Sáng 19.9, gần 30 nạn nhân (đại diện cho hàng trăm nạn nhân khác) đến Báo
Thanh Niên kêu cứu về việc họ bị bà Trần Nguyễn Hoàng Linh Miu (tên gọi khác: Trần Thị Thanh Ánh, 27 tuổi, quê Đắk Lắk) lừa đảo hàng trăm tỉ đồng tiền
đặt cọc, tiền gia công xâu chuỗi hạt. Ước tính số tiền bị lừa cả trăm tỉ đồng, người thấp nhất vài triệu đồng, nhiều nhất mất hơn 9 tỉ đồng. Các nạn nhân cho biết, đã có hơn 300 đơn tố cáo Linh Miu gửi đến Công an TP.HCM.
Thủ đoạn chiếm đoạt tiền
Linh Miu giao hàng cho nhóm này xâu chuỗi, xong đưa về giao nhóm khác cắt ra, rồi đưa cho những người khác xâu lại!
Theo phản ánh của chị Nguyễn Hồng Lan Phương (quê Long An)
|
Thảm cảnh của nạn nhân trong vụ tố “chuỗi tặc” lừa 27 tỉ xôn xao miền Tây - Video tư liệu
|
Theo trình bày của các nạn nhân, thủ đoạn chiếm đoạt của Linh Miu như sau: Linh Miu đăng trên tài khoản Facebook, Zalo thông báo ai muốn nhận các loại hạt về gia công thì đặt cọc tiền bảo đảm để nhận hàng. Khi nhận hàng về gia công xâu thành chuỗi dây đeo, rèm giao hàng thành phẩm thì nhận lại tiền đặt cọc và tiền công tương ứng với từng loại hạt. Lượng hàng nhận càng lớn, tiền công càng cao.
Chẳng hạn, với hạt xâu vòng đeo tay, nhận dưới 50 kg tiền đặt cọc 600.000 đồng/kg, tiền gia công xâu 200.000/kg; trên 100 kg đến 500 kg, tiền công 300.000 đồng/kg; từ 500 kg đến cả tấn, tiền công 350.000 đồng/kg. Theo các nạn nhân, vì muốn nhận tiền công cao nên nhiều người huy động người thân, bạn bè cùng tham gia đặt cọc tiền để nhận số lượng lớn rồi thuê lại người gia công.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm (36 tuổi, ngụ TP.HCM) phản ánh với
Thanh Niên, chị làm nội trợ nên lên Facebook
tìm việc làm gia công tại nhà. Lướt Facebook thấy có nick “Hoàng Linh (Miu)” phân phối hàng gia công xâu chuỗi hạt, vòng tại nhà nên chị liên hệ, nhận làm từ tháng 9.2018. Sau vài lần nhận hàng dưới 50 kg, thấy Linh Miu trả lại tiền cọc và tiền công đầy đủ, đúng hẹn nên chị hợp đồng nhận số lượng lớn đến vài tấn. Khi Linh Miu "biến mất" hồi cuối tháng 3.2019, tiền cọc chị bị chiếm đoạt gần 4,7 tỉ đồng, tiền công gần 4,8 tỉ đồng.
Linh Miu (đứng) đang hướng dẫn cách xâu hạt tại cơ sở ở Q.Tân Bình
|
Những nạn nhân khác cho biết họ biết Linh Miu qua Facebook hoặc Zalo, người này làm giới thiệu người khác. Ban đầu, khi lượng hàng nhận về nhà làm ít, tiền đặt cọc vài chục triệu đồng thì Linh Miu thanh toán tiền công rất đúng hẹn.
Tuy nhiên, khi số tiền đặt cọc càng nhiều thì Linh Miu bắt đầu lấy cớ hàng không đạt chuẩn xuất khẩu, hàng bị lỗi để yêu cầu người gia công làm lại. Khoảng từ tháng 12.2018, Linh Miu bắt đầu khất nợ, hẹn thanh toán từ tháng này qua tháng khác. Khi thấy không thể trốn tránh được thì Linh Miu tạo một group trên Zalo, add những người nhận hàng của Linh Miu từ các tỉnh vào, hứa sẽ trả tiền cho từng người. Tuy nhiên đến cuối tháng 3.2019, Linh Miu "biến mất".
Những nạn nhân của Linh Miu đến các cơ sở từng giao dịch với Linh Miu ở đường Trường Chinh, Xuân Diệu, Đồng Đen (cùng Q.Tân Bình, TP.HCM) thì những nơi này đã được cho người khác thuê.
Phản ánh với Thanh Niên, chị Nguyễn Hồng Lan Phương (quê Long An) cho biết, chị được Linh Miu thuê cắt các chuỗi hạt, vòng tay (đã xâu) ra. Chị Phương hỏi "vì sao phải cắt" thì Linh Miu nói do hàng không đạt chuẩn xuất khẩu nên phải cắt ra làm lại. Đến khi mọi việc bị lộ, các nạn nhân mới phát hiện hàng của Linh Miu không hề xuất khẩu. Linh Miu giao hàng cho nhóm này xâu chuỗi, xong đưa về giao nhóm khác cắt ra, rồi đưa cho những người khác xâu lại! Bản thân chị Phương cũng bị Linh Miu chiếm đoạt 2,8 tỉ đồng tiền cọc, 1,6 tỉ đồng tiền gia công (cắt ra).
Các nạn nhân đến Báo Thanh Niên phản ánh hôm 19.9 đa phần là phụ nữ, nội trợ, họ còn nhận hàng cho cả người thân, bà con, hoặc thuê thêm người gia công phụ. Sau khi Linh Miu "biến mất", những người đặt tiền cọc cho Linh Miu vừa là nạn nhân vừa là “con nợ” của những người khác.
Các xâu chuỗi được những người gia công hoàn thiện cho Linh Miu
|
Trả mặt bằng, mất dạng
Dựa trên đơn tố cáo của các nạn nhân, PV Thanh Niên tìm đến địa điểm trước đây Linh Miu thuê ở đường Xuân Diệu, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM thì biết nơi đây đã trả lại mặt bằng nửa năm nay. Tầng trệt của căn nhà này hiện đã cho thuê. Người thuê cho biết, vì chủ nhà thấy bà Linh Miu làm ăn không đàng hoàng nên đã đòi lại mặt bằng. “Lúc họ dọn đi một, hai tháng, có nhiều người đến đây đập phá đòi tiền”, người này nói.
Theo thông tin từ UBND P.4 (Q.Tân Bình), lúc xảy ra vụ việc Linh Miu lừa đảo, người dân đã làm đơn tố cáo gửi thẳng lên Công an TP.HCM yêu cầu giải quyết. UBND phường chỉ biết khi được Chi cục Thuế Q.Tân Bình thông báo vụ việc.
Facebook và Zalo của Linh Miu tại thời điểm đối tượng này chưa "biến mất", hiện không còn truy cập Facebook này được
|
Tại địa điểm khác Linh Miu từng thuê trên đường Đồng Đen, P.10, Q.Tân Bình, hiện đã được một nhà xe thuê lại. Theo nhân viên nhà xe, khoảng 5 tháng trước cũng có nhiều người bị lừa đến đây tìm Linh Miu để đòi tiền. UBND P.10 (Q.Tân Bình) xác nhận có biết sự việc lừa đảo trên.
Khi lập xưởng gia công, Linh Miu không đăng ký giấy phép
kinh doanh và chỉ làm hợp đồng thuê nhà trong khoảng 2 - 3 tháng. Khi xưởng gia công còn hoạt động, đã có trường hợp người dân dẫn giải Linh Miu đến công an phường để đòi lại tiền. Sau vụ việc đó, Linh Miu dọn đi nơi khác.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên,
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn thư của nhiều nạn nhân tố cáo bà Trần Nguyễn Hoàng Linh Miu có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giao nguyên vật liệu cho nạn nhân gia công chuỗi cườm đeo tay, sau đó chiếm đoạt tiền cọc nguyên vật liệu và tiền gia công.
Qua xác minh ban đầu, cơ quan công an xác định nội dung tố cáo của nạn nhân có cơ sở nên đã mời các nạn nhân đến để ghi nhận lời khai nhằm phục vụ công tác
điều tra. Đến nay cơ quan điều tra cơ bản đã thu thập khá đầy đủ chứng cứ về hành vi lừa đảo của bà Linh Miu.
Gần 100 nạn nhân miền Tây cũng dính lừa đảo tương tự
Thượng tá Phạm Thế Kim, Phó trưởng Công an TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết tháng 4.2019 đơn vị tiến hành xác minh 90 đơn thư tố cáo của người dân đối với bà Phạm Ngô Cẩm Vân, 25 tuổi, chủ cơ sở Tâm Vân (số 23 Nguyễn Tử Vân, KP.1, P.10, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), hộ khẩu thường trú ở ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành (Tiền Giang). Tổng số tiền tổng hợp từ các đơn thư tố cáo trên là hơn 27 tỉ đồng, các nạn nhân từ nhiều tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh...
Trong quá trình xác minh, Cơ quan CSĐT Công an TP.Mỹ Tho có phối hợp Công an TP.HCM, vì bà Vân khai bà bị một người tên Linh Miu, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM lừa đảo. Tuy nhiên bà Vân không chứng minh được từng giao dịch làm ăn với người tên Linh Miu.
Kết quả xác minh cho thấy bà Vân có dấu hiệu lợi dụng kinh doanh để huy động vốn của người dân không đúng pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản (cũng giao hạt cho các nạn nhân gia công xâu chuỗi, nhận tiền cọc rồi chiếm đoạt - như nói trên). Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.Mỹ Tho ra quyết định cấm bà Vân xuất cảnh trong 4 tháng và hoàn tất hồ sơ chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang xử lý đúng thẩm quyền.
Ngày 23.9, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết vẫn trong giai đoạn xác minh giải quyết vụ việc trên theo quy trình thủ tục giải quyết đơn tố giác tội phạm và chưa khởi tố vụ án để điều tra. Lệnh cấm xuất cảnh đối với bà Phạm Ngô Cẩm Vân vẫn còn hiệu lực.
Những nạn nhân của bà Vân cho biết họ rất bức xúc, mong Công an tỉnh Tiền Giang sớm điều tra làm rõ.
Bắc Bình
|
Bình luận (0)