Mê Kông đói nước

Đình Tuyển
Đình Tuyển
29/07/2019 06:23 GMT+7

Đó là chuyện nghe có vẻ hài hước và đầy nghịch lý, nhưng nó đang xảy ra ở lưu vực con sông có lưu lượng nước lớn thứ 10 thế giới này.

Cách đây vài hôm, thầy Trần Văn Tư, Hiệu trưởng Trung tâm giáo dục từ thiện và nuôi dạy trẻ nghèo ở làng nổi Chong Khneas (tỉnh Siem Reap, Campuchia), gửi cho tôi vài bức ảnh Biển Hồ, nơi ngôi trường của ông buông neo, đã cạn khô, ghe bè của ngư dân “mắc cạn” nằm trơ trên bùn. Cảnh tượng đó thật khó tin vì đang là giữa mùa mưa. Tôi liên lạc thêm một số nguồn tin và biết đó đúng là những gì đang xảy ra ở làng nổi.
Nhớ chuyến đi cách đây 4 tháng, lúc ấy đang cao điểm mùa khô, Chong Khneas hiện ra trước mắt tôi là ngôi làng nổi co cụm, lênh đênh giữa mênh mông sóng nước Biển Hồ. Thiên nhiên thật khéo léo khi kiến tạo dòng chảy Mê Kông về đến Phnom Penh, Campuchia thì tách thành 3 nhánh: 2 nhánh chảy về VN, 1 nhánh ngược lên phía tây đưa nước tràn vào Biển Hồ tạo thành một “túi nước” dự trữ khổng lồ cho hạ nguồn.
Nhưng năm nay, đến giờ này, Biển Hồ gần như chưa nhận được giọt nước nào từ sông mẹ Mê Kông - nơi mực nước đang ở mức thấp chưa từng thấy. Giới chuyên gia nhận định, bản chất của sự suy giảm này là bởi mùa khô kéo dài, mưa quá ít ở thượng nguồn (Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar - PV) và các đập thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc), Xayaburi tích nước để hoạt động. Tuy nhiên, trong 1 - 2 tháng nữa, nếu thượng nguồn mưa nhiều, các đập thủy điện xả nước thì rất có thể dẫn đến tình trạng nước sông dâng nhanh gây ngập lụt. Và kịch bản trên có thể lặp đi lặp lại thường xuyên trong tương lai.
Nói vậy để thấy, không chỉ ngư dân Biển Hồ hay cư dân vùng hạ nguồn ĐBSCL đối diện với nhiều thách thức, mà ngay cả các nước nằm ở thượng nguồn vùng hạ lưu sông Mê Kông cũng sẽ chịu rất nhiều áp lực. Sinh kế của hàng triệu người dân sống dọc sông Mê Kông vốn nhiều rủi ro sẽ không thể đánh đổi dễ dàng.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.