Miền Trung gồng mình đón bão số 6

10/11/2019 06:20 GMT+7

Theo dự báo, từ chiều tối nay 10.11, bão số 6 sẽ đổ bộ vào các tỉnh nam Trung bộ với sức gió giật cấp 12 - 13, sóng biển có thể cao đến 6 - 8 m.

Hôm qua, các tỉnh duyên hải miền Trung đã khẩn trương các biện pháp phòng chống bão số 6.

Bão số 6 hướng vào các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) cho biết, lúc 22 giờ ngày 9.11, tâm bão số 6 ở vào khoảng 12,5 độ vĩ bắc và 112,7 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 370 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, tương đương từ 100 - 115 km/giờ, giật cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, sau đó đổi hướng tây - tây bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km. Đến 22 giờ ngày 10.11, tâm bão ở khoảng 13,2 độ vĩ bắc và 119,9 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 60 km về phía đông. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất ở cấp 10, giật cấp 13.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi một cụ già ở xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, Bình Định ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi một cụ già ở xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, Bình Định

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Do ảnh hưởng của bão số 6 và không khí lạnh, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 13, sóng biển cao từ 4 - 6 m khiến biển động rất mạnh. Dự báo từ chiều tối nay 10.11, trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 11. Các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Từ đêm 9.11 đến ngày 12.11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây nguyên có mưa to đến rất to.

Bình Định sơ tán 1.300 hộ dân

Chiều 9.11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó với bão số 6 tại Bình Định. Phó thủ tướng đã đi kiểm tra khu dân cư ven biển xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn) và tuyến bờ kè Nhơn Hải bị sạt lở do bão số 5 vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết để đối phó với bão số 6, tỉnh sẽ sơ tán 140 hộ dân sống dọc tuyến kè Nhơn Hải đến nơi an toàn. Chiều 9.11, khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ của Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Định, Ban Chỉ huy quân sự TP.Quy Nhơn được điều đến xã Nhơn Hải để tiếp tục gia cố bờ kè Nhơn Hải, giúp dân chằng chống nhà cửa và sơ tán tài sản.
Người dân Phú Yên gia cố lồng bè để phòng tránh bão ẢNH: ĐỨC HUY

Người dân Phú Yên gia cố lồng bè để phòng tránh bão

ẢNH: ĐỨC HUY

“Trong đợt bão này, tỉnh Bình Định lên phương án di dời 1.300 hộ dân ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị sạt lở, triều cường đến nơi an toàn. Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước trưa 10.11. Hiện tỉnh đã huy động hơn 3.700 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và có sự hỗ trợ của Quân khu 5 xuống các địa phương ven biển, vùng ngập lụt giúp dân ứng phó với bão số 6”, ông Hồ Quốc Dũng nói.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã đi kiểm tra công tác sắp xếp tàu thuyền tại khu vực cảng Quy Nhơn. Theo Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, để ứng phó với bão số 6, cảng vụ đã điều động tất cả tàu không cần thiết rời khỏi cảng Quy Nhơn, hiện còn 33 tàu đang làm hàng dở hoặc trên đường vào cảng đều được bố trí neo đậu an toàn tại khu vực đầm Thị Nại. Cảng Quy Nhơn cũng đã thông báo tạm dừng các hoạt động xếp dỡ hàng hóa từ 8 giờ ngày 9.11 cho đến khi có thông báo mới.
Phó thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Bình Định tập trung rà soát, kiểm đếm, phải đảm bảo tất cả tàu thuyền đã neo đậu an toàn, không để tàu thuyền nào còn trên biển khi bão đổ bộ. Bộ NN-PTNT và Bộ GTVT cùng với chính quyền tỉnh Bình Định hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn, không để xảy ra tình trạng va đập dẫn đến đắm khi bão vào.

Khoảng 300 ngư dân Quảng Ngãi trú bão ở Philippines

Sáng 9.11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 6 tại Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh này đã liên lạc được 100% tàu thuyền đang hoạt động trên các vùng biển, hiện các tàu đã vào neo trú tại các cảng an toàn. Tỉnh Quảng Ngãi cũng xác định 3 vùng trọng điểm, thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương tại H.Lý Sơn và H.Đức Phổ. Khi tình huống khẩn cấp xảy ra, sẽ di dời hơn 3.600 hộ với 13.600 nhân khẩu tại H.Lý Sơn, H.Đức Phổ và các vùng ven biển.
Dự kiến đường đi của bão số 6

Dự kiến đường đi của bão số 6

Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

 
Đến chiều 9.11, có hơn 1.300 tàu cá Quảng Ngãi đã về neo đậu tại 5 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền. Tuy nhiên, đến chiều 9.11, tại H.Đức Phổ và H.Lý Sơn vẫn còn nhiều hộ nuôi thủy sản trên lồng bè chưa di dời. Vì vậy, ông Nguyễn Tăng Bính chỉ đạo các địa phương này trước 16 giờ ngày 10.11, phải đưa dân rời khỏi lồng bè và tàu thuyền, trường hợp khẩn cấp thì lực lượng chức năng cưỡng chế sơ tán, tuyệt đối không để người dân ở lại trên lồng bè hoặc tàu thuyền.
Để ứng phó với bão số 6, 100% quân số thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi phải trực chiến, thực hiện các nhiệm vụ tại chỗ; đồng thời huy động 5.000 quân gồm lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ và hơn 100 phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Trong khi đó, khoảng 300 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang đánh bắt hải sản trên Biển Đông đã quyết định cập vào các khu vực biển của Philippines để tránh trú an toàn.

Phú Yên di dời hơn 10.000 hộ

Chiều 9.11, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đi kiểm tra vùng nuôi trồng thủy sản TX.Sông Cầu. Đây là vùng tâm bão số 5 đã đổ bộ, gây thiệt hại hơn 100 tỉ đồng. Tại vùng triều cường thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, chính quyền đã huy động hơn 50 cán bộ, chiến sĩ biên phòng giúp dân dùng bao cát, đá để gia cố ngăn triều cường xâm thực.
Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, cho biết hiện TX.Sông Cầu có hơn 3.700 hộ nuôi trồng thủy sản; người dân đã hạ lồng tôm, giằng néo lồng bè. Những người trông coi lồng bè nuôi trồng thủy sản cam kết sẽ vào bờ từ trưa 10.11.
Ngoài ra, tỉnh Phú Yên cũng đang di dời hơn 10.000 hộ với hơn 36.000 người ở vùng xung yếu, trũng thấp, triều cường đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào tỉnh này.
Tại công điện khẩn về việc triển khai ứng phó với bão số 6 và mưa lũ, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các địa phương, sở ngành tổ chức hướng dẫn di chuyển, gia cố lồng bè đảm bảo an toàn, nhằm hạn chế thiệt hại. Đối với ngư dân, hộ đang nuôi trồng thủy sản tại các lồng bè trên biển phải vào bờ bắt buộc trước 15 giờ ngày 10.11 cho đến khi hết bão. Toàn tỉnh có hơn 2.460 bè nuôi trồng thủy sản với hơn 54.000 ô lồng; tổng số lao động trên các lồng bè gần 6.000 người.
Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), đến chiều 9.11, không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 6. Trong ngày, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu Quân khu 5 lập hai sở chỉ huy đặt tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) và Chu Lai (Quảng Nam) để chỉ huy điều phối lực lượng của các đơn vị quân đội tham gia hỗ trợ người dân phòng chống bão.
Phan Hậu

Phải đảm bảo an toàn cho người dân

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý chính quyền các địa phương ven biển phải đảm bảo an toàn cho người dân trong bão số 6. Yêu cầu người dân phải rời khỏi lồng bè, tàu thuyền trên biển khi bão số 6 đổ bộ, nếu dân không chịu lên bờ phải sử dụng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm an toàn. Trên bờ thì phải triệt để đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, những ngôi nhà không đảm bảo an toàn, những khu bị sạt lở đất, ngập nước…
“Phải tập trung triển khai quyết liệt các công tác ứng phó với bão số 6 trong đêm 9 và ngày 10.11 để khi bão vào là chúng ta chủ động, không để bị động, bất ngờ gây ra tình trạng thiệt hại. Đặc biệt, phải bảo vệ tính mạng người dân là số 1, cùng với đó là bảo vệ tài sản của người dân và nhà nước”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.