Không “phiền toái” với Hue-S
Có dịp công tác tại Thừa Thiên - Huế trong đợt dịch vừa bùng phát, chị N.T.H.H (ở TP.HCM) thoạt đầu nhận thấy sao Thừa Thiên - Huế lại “đẻ” thêm quy định yêu cầu người đến khai báo phải tải ứng dụng Hue-S. “Nhưng kỳ thực, việc tải ứng dụng Hue-S và cài đặt chỉ mất vài phút, sau đó thì sử dụng rất nhanh chóng, giảm được rất nhiều phiền toái qua các khâu kiểm tra, chốt chặn. Việc đăng ký về Huế qua ứng dụng này cũng đã giảm thời gian và tụ tập chờ đợi đông người ở nhà ga, sân bay - những nơi dễ lây nhiễm dịch”, chị H. tâm sự.
Hue-S là ứng dụng của đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TTTT, cho biết từ giai đoạn đầu của dịch Covid-19, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát và phòng chống dịch. “Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã tham mưu và xây dựng các hệ thống phục vụ người dân trên nền tảng Hue-S”, ông Sơn nói.
Hiện tại, Hue-S đã hoàn thiện và cung cấp 17 chức năng phòng chống dịch bệnh, giúp người dân, cộng đồng tiếp cận và sử dụng thống nhất. Trong đó, có một số chức năng nổi bật: quét QR tại các điểm đến, phục vụ truy vết dịch tễ khi xuất hiện ca bệnh; thông báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng chống dịch; thông tin tuyên truyền, tin tức để người dân gửi yêu cầu xác minh tính chính xác của những thông tin trên internet; khai báo y tế trực tuyến; đăng ký lưu trú; tra cứu cách ly, tra cứu địa điểm thuộc diện cách ly tập trung; theo dõi lịch trình di chuyển… Với Hue-S, người đến Thừa Thiên - Huế chuẩn bị kỹ và chủ động hơn trong kế hoạch di chuyển, giảm thời gian khai báo, hạn chế số người tập trung ở các chốt…
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, đến nay đã có hơn 410.000 người tải ứng dụng Hue-S để sử dụng các dịch vụ của đô thị thông minh, trong đó có các chức năng phòng chống dịch Covid-19. Từ những ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, đặc biệt là trên nền tảng Hue-S, Thừa Thiên - Huế đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh… Đã có những ý kiến đánh giá về tiện ích này, dù cảm giác ban đầu là “phiền toái” như chị H. đã bắt gặp.
Né dịch nhờ bản đồ Covid
Từ đầu tháng 5, khi xác định bệnh nhân thứ 2982 (quê TP.Hội An, Quảng Nam, làm việc tại TP.Đà Nẵng) dương tính với Covid-19, ngành y tế Quảng Nam đã nhanh chóng cách ly tập trung, tại nhà, tại nơi lưu trú và lấy mẫu xét nghiệm hàng chục F1, F2. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã họp bàn phương án chống dịch trong giai đoạn mới. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng ca bệnh này dù phát hiện tại TP.Đà Nẵng nhưng cũng được xem đã lây nhiễm trong cộng đồng ở Quảng Nam, nên cần có phương án cụ thể.
Một đợt xét nghiệm nhanh để tầm soát Covid-19 đã được khởi động. Đối tượng được xét nghiệm nhanh cũng đa dạng, gồm ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, cán bộ y tế đang công tác ở những đơn vị có nguy cơ cao cùng hàng ngàn công nhân tại các khu công nghiệp, người dân ở các chợ… Hầu như các bệnh viện trên địa bàn Quảng Nam đều đã trang bị test nhanh Covid-19 hoặc xét nghiệm PCR để sàng lọc người bệnh. Người về từ vùng dịch cũng lập tức được phân luồng tại các chốt chặn, nhà ga, sân bay. Một lãnh đạo Sở Y tế đánh giá việc test nhanh tại những điểm nóng về dịch có ý nghĩa quan trọng, giúp phát hiện và tách những trường hợp dương tính một cách nhanh nhất ra khỏi cộng đồng. Đây là quá trình tiêu diệt, làm sạch ổ dịch.
Cũng hiệu quả không kém là công cụ CovidMaps, vốn được Quảng Nam áp dụng sớm. Chỉ cần ngồi nhà bấm máy, người dân biết rõ các vị trí của ca mắc Covid-19 đang di chuyển. Đây là ứng dụng bản đồ thông tin dịch tễ bệnh nhân Covid-19 do Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng xây dựng, hỗ trợ cho 7 tỉnh, thành trong cả nước trong đó có Quảng Nam. Từ bản đồ này, người dân chủ động không di chuyển đến các điểm nóng để tránh bị ây nhiễm dịch.
Bình luận (0)