Thấp thỏm từng ngày chờ hướng dẫn chính thức phương án mở cửa đón khách quốc tế để “chốt đơn” với các đối tác nước ngoài, thế nhưng các doanh nghiệp (DN) du lịch không khỏi ngỡ ngàng khi Bộ Y tế có văn bản phúc đáp về dự thảo “Phương án mở cửa hoạt động du lịch” của Bộ VH-TT-DL.
Du khách thích thú khi ngồi xích lô tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam) |
Mạnh Cường |
“Nhốt” du khách 3 ngày
Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu du khách khi nhập cảnh vào Việt Nam bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh. Những người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh nền hạn chế đi du lịch. Trẻ em dưới 12 tuổi bắt buộc đi du lịch cùng bố mẹ, người thân đáp ứng các quy định trên. Những trẻ đã tiêm vắc xin hoặc có chứng nhận khỏi bệnh phải xét nghiệm như người lớn. Trường hợp trẻ chưa tiêm hoặc chưa mắc Covid-19 không được ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ. Sau 7 ngày liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV mới được rời nơi lưu trú.
Đáng chú ý, Bộ này còn đề xuất quy định du khách ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày. Trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ, thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 từ khi nhập cảnh.
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty du lịch Oxalis, gọi đây là “pha lật kèo” gây choáng váng đến từ ngành y tế. Theo ông, đề xuất của Bộ Y tế thực chất là yêu cầu du khách phải cách ly 3 ngày. Nhưng không ai đi du lịch mà chịu bị “nhốt” 3 ngày trong khách sạn. Cũng không khách nào chấp nhận chuyện ngày nào cũng phải xét nghiệm. Quy định như vậy là hoàn toàn đi ngược lại chủ trương hướng tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, mở cửa du lịch thông thoáng mà Chính phủ đã nhấn mạnh trong suốt thời gian qua.
Mặc dù phương án mở cửa du lịch mà Bộ VH-TT-DL vừa trình Thủ tướng vẫn giữ nguyên điều kiện để khách du lịch được đến Việt Nam là có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ trước khi “xuất cảnh”, thay vì “nhập cảnh” như đề xuất của Bộ Y tế; đồng thời chỉ yêu cầu du khách trong vòng 24 giờ đầu về thẳng nơi lưu trú thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, những người âm tính được tham gia các hoạt động du lịch, song, ông Châu Á vẫn cho rằng đây chỉ là phương án có thể chấp nhận được, chưa phải phương án tốt nhất đối với ngành du lịch.
“Hiện nay, số ca nhiễm ở Việt Nam đã vào top của thế giới, người nước ngoài sang còn sợ bị lây nhiễm từ mình, không phải mình sợ họ truyền bệnh. Vì thế, việc xét nghiệm sau khi nhập cảnh cũng không có nhiều ý nghĩa. Trường hợp chúng ta nhận thấy hệ thống y tế quá tải thì mới cần thay đổi chính sách. Hiện nay, hầu hết người nhiễm Covid-19 đều tự điều trị ở nhà, ít người trở nặng tới điều trị tại bệnh viện. Chưa kể, thị trường khách quốc tế đến Việt Nam hiện rất eo hẹp, 65% thị trường đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc… gần như đã mất, không thể “mơ” mở cửa là khách ào tới mà lo hệ thống của chúng ta quá tải”, vị này nhấn mạnh.
Du khách Nga làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Cam Ranh |
Hiền Lương |
Đẩy khách sang nước khác
“Oải” là từ mà ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Hoildings, dùng khi nói về những diễn biến trong kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam. Theo ông, DN rất phấn khởi khi Thủ tướng và Chính phủ liên tiếp thể hiện quan điểm dứt khoát phải mở cửa nhanh, sớm, nhưng chưa kịp bắt tay vào làm thì đã thất vọng vì triển khai từ phía cơ quan bên dưới rất chậm. Ai cũng biết, an toàn của người dân là ưu tiên hàng đầu nên thời gian qua, Chính phủ phải đẩy thật nhanh tốc độ tiêm chủng. Nhưng mục tiêu tiêm vắc xin cho toàn dân đã hoàn thành xuất sắc, khiến thế giới phải học tập thì đáng buồn là tốc độ mở cửa kinh tế lại không như mong đợi.
“Với cách đặt vấn đề của một số bộ, đặc biệt là Bộ Y tế thể hiện trong văn bản góp ý vừa qua thì rõ ràng đang có sự lệch pha rất lớn giữa quan điểm của Thủ tướng với các bộ, cụ thể là Bộ Y tế”, ông nói.
Tính sơ, khách vào Việt Nam phải xét nghiệm PCR 2 lần, mỗi lần mất ít nhất 30 USD, tổng cộng là phải bỏ thêm 60 USD chỉ để test đầu vào. Vậy ai sẽ vào Việt Nam? Chỉ có đối tượng Việt kiều chấp nhận những khoản phí như vậy. Với những điều kiện nêu trên, cần xác định từ nay đến hết hè, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục trông chờ vào dòng khách Việt kiều hồi hương.
Phân tích kỹ hơn về thị trường, người đứng đầu Vietravel Hoildings chỉ rõ Covid-19 đã thay đổi rất lớn xu thế du lịch. Người dân chú trọng tới sự an toàn và mức độ mở cửa, thông thoáng trong chính sách nên ưu tiên du lịch nội vùng, nội địa, dẫn đến câu chuyện khách đi xa ít, đi gần đông. Với du lịch Việt Nam, thị trường hiện nay khá hẹp. Trước dịch, chúng ta chủ yếu khai thác vùng Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nga, Tây Âu... Vùng Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… hiện coi như mất hoàn toàn vì những chính sách chống dịch nghiêm ngặt của quốc gia họ. Tính ra, Việt Nam mất tới gần 10 triệu khách từ thị trường này. Thị trường Đông Nam Á rất quan trọng, nhưng cũng không có khách vì các nước xung quanh đều có dịch. Khách châu Âu thì chỉ qua Việt Nam vào mùa đông, mùa hè gần như chỉ có người sang làm việc. Nga được kỳ vọng là thị trường khả dĩ nhất, nhưng với tình hình chính trị, quân sự hiện nay, rất khó để đón khách Nga…
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta là Thái Lan có lợi thế nhờ đón được dòng khách khu vực Tây Á và khách Hồi giáo. Họ mở cửa sớm hơn, mạnh hơn, lại có độ rộng thị trường lớn hơn nên đang rất bất lợi cho Việt Nam.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, nói thẳng: Với các điều kiện đề xuất như vậy, chúng ta sẽ không có khách, việc mở cửa du lịch quốc tế là vô nghĩa. “Nếu mở cửa du lịch theo kiểu mở cho có, vẫn đầy ổ khóa thì chỉ làm khó, làm khổ thêm các DN hàng không và du lịch”, ông Nam đặt vấn đề.
Chậm chân sẽ mất hoàn toàn cơ hội
Trong bối cảnh chung là lượng khách thấp, cạnh tranh điểm đến giữa các nước cực kỳ quyết liệt, các DN du lịch đều khẳng định chậm chân sẽ không còn gì để làm và các chính sách càng chần chừ DN càng thiệt hại lớn.
Đơn cử, Công ty Oxalis vừa phải chấp nhận hủy 1 chương trình marketing rất lớn có độ phủ lên tới gần 90 triệu người trên thế giới, chỉ vì Việt Nam vẫn chưa “chốt” ngày chính thức mở cửa. Chính phủ nói 15.3 nhưng những hướng dẫn vẫn còn đang nhùng nhằng giữa các bộ ngành, DN này muốn ký hợp đồng với đối tác bên Mỹ đưa khách qua Việt Nam cũng chưa thể ký được.
“Nếu Chính phủ chắc chắn mở cửa từ 15.3 thì phải tới hết năm nay, du lịch mới có thể bắt đầu có tín hiệu hồi phục. Cần rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để DN quảng bá, tiếp cận thị trường, mời gọi khách tới Việt Nam. Đã quyết thì phải chốt ngay, càng chậm DN càng khổ”, ông Châu Á nhấn mạnh.
Đồng tình, TS Lương Hoài Nam kiến nghị cần lập tức chốt thời điểm mở cửa du lịch theo kiểu mở bung hoàn toàn. Điều kiện cần thiết chỉ là tiêm chủng đủ mũi và kết quả xét nghiệm âm tính có hiệu lực 72 giờ trước khi xuất cảnh. Song song, bắt buộc phải khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước dịch. Thậm chí, cần phải nhân cơ hội này tháo nút thắt visa đã cản trở du lịch Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Cần mở rộng, miễn visa cho toàn bộ các quốc gia EU; Cân nhắc chính sách cấp visa có thời hạn cho những quốc gia mà việc cấp visa mang tính chất “nhạy cảm”...
Bình luận (0)