Một người đi thi, ba người theo
Ông Đỗ Huỳnh Khánh Duy, Giám đốc Công ty Sunrise, rất vui vì những giải đua chuyên nghiệp do công ty ông tổ chức mỗi lúc một đông và được nhiều người biết đến. Trong đó, gần đây là sự kiện thể thao Iron Man 70.3 tại Đà Nẵng. Ở đó, có nhiều vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp, nhưng cũng có những người không chuyên. “Các cuộc thi chạy càng ngày càng có nhiều người tham gia. Nó tăng trưởng cực tốt trong nhóm tuổi 35 - 43”, ông Duy nói.
|
Cũng theo ông Duy, việc người tham gia các sự kiện chạy ngày càng tăng có nhiều lý do. “Tỷ lệ nữ tham gia ngày càng tăng. Các doanh nghiệp đang chú ý sức khỏe nhân viên hơn, họ thấy rõ nếu chạy để sức khỏe tăng thì phí mua bảo hiểm giảm”, ông Duy nói. Hiện tại, theo ông Duy, châu Á là khu vực phát triển các sự kiện chạy tốt nhất trên toàn cầu. Chỉ riêng Trung Quốc hằng năm có 1.858 giải marathon. Còn tại Việt Nam, khảo sát cho thấy, TP.HCM và Hà Nội có nhiều VĐV tham gia nhất.
Thực chất tổ chức lại rẻ tiền vì liên quan đến tài nguyên có sẵn. Nếu bơi đã có biển. Đường xe đạp đã có. Đường chạy cũng cóGS-TS Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng ĐH Thể dục thể thao TP.HCM
|
GS-TS Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, cho biết sức hút với VĐV bình thường rất lớn. “Sự kiện Iron Man vừa rồi chỉ có 40 VĐV chuyên nghiệp thôi, còn lại là các VĐV trong nước. Người đến không tiêu ít tiền đâu”, ông Việt nói. Còn theo ông Duy, sơ bộ tại Việt Nam mỗi người dự sự kiện du lịch thể thao sẽ mang theo 2,7 người đi cùng.
|
Ông Việt cũng nói tới sức hút du lịch từ các sự kiện thể thao lớn trên thế giới. Con số thống kê mà ông đã tìm hiểu cho thấy các giải thể thao đủ sức hút thì doanh thu từ du lịch cũng lớn. “Có khi sức thu hút khách du lịch của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ thậm chí còn lớn hơn lượng người xem của cả giải Ngoại hạng Anh. Khi qua Mỹ, ngay lập tức tôi được cập nhật chương trình của toàn bộ các sự kiện thể thao giải trí. Trong đó, với bóng rổ, thông tin rất cụ thể. Nếu tôi vào đó có thể biết được giá vé của cả mùa, giá vé từng trận bóng rổ, mỗi trận còn bao nhiêu ghế, vị trí ghế trống là thế nào”, ông nói.
Du lịch thể thao kết hợp khám phá văn hóa Việt
GS-TS Lâm Quang Thành, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, cho biết việc làm du lịch thể thao với Việt Nam rất mới mà cũng hết sức cũ. “Chúng ta làm SEA Games rồi. Nhưng chúng ta tổ chức sự kiện thể thao nào cũng không thu hút được du lịch bao nhiêu. Tại vì ta làm sự kiện thể thao toàn lỗ, nhà nước toàn chi tiền hỗ trợ. Lỗ thế thì cũng không dám tính đến tăng trưởng. Nhưng khi tôi tới Đài Loan (2008 - 2010), họ đưa tôi xe đạp đôi đi vào rừng. Họ nói du lịch thể thao phát triển mạnh lắm.
Tới 2016, Tổng cục Du lịch mời chúng tôi cùng nghiên cứu về du lịch thể thao. Đó là một nền công nghiệp”, ông Thành nói. Cũng theo ông Thành, có những mô hình du lịch thể thao khác nhau. Mô hình mời VĐV thi đấu đỉnh cao và hút người tới xem. Mô hình vận động tổ chức hoạt động thể thao để du khách tới tham gia với tư cách VĐV.
GS-TS Đặng Hà Việt cho biết, điều rất thú vị là việc tổ chức du lịch thể thao lại không hề đắt tiền và Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức mà không quá tốn kém. “Thực chất tổ chức lại rẻ tiền vì liên quan đến tài nguyên có sẵn. Nếu bơi đã có biển. Đường xe đạp đã có. Đường chạy cũng có. Mình thiếu là chỉ thiếu các chip gắn cho VĐV để theo dõi quãng đường thi đấu”, ông Việt nói.
Còn TS Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, cho biết hiện tại Việt Nam có hơn 200 giải thể thao quốc gia, 40 giải gắn sự kiện mang tính quốc tế. Ngoài ra, còn có các giải đã phân quyền cho địa phương. “Có thể nói, có nhiều sự kiện để tổ chức du lịch thể thao, kể cả phong trào và thành tích cao”, ông nói. Ông Phấn cũng nhắc tới du lịch thể thao hoài niệm. Thứ nữa là mô hình dạng về nguồn. Chẳng hạn, khách tới Argentina rất muốn thăm sân vận động nơi Maradona đã thi đấu, hay khách tới Bắc Kinh đều muốn tham quan Sân vận động Tổ chim.
Ông Trần Ngọc Quân, đại diện Topas Travel, cho rằng nếu chúng ta có thể giản đơn các thủ tục, miễn visa cho các VĐV Âu, Mỹ thì sẽ thu hút người tới tham dự thể thao du lịch tại Việt Nam. “Đón tiếp càng thân thiện thì người ta càng nhớ tới. Họ sẽ giới thiệu thêm để người nhà tham gia”, ông Quân nói.
Ông Đỗ Huỳnh Khánh Duy cho biết, các VĐV là những người khó tính, không thích book tour nguyên gói. “Họ muốn tự túc đi. Doanh thu cho những sự kiện như Iron Man vẫn còn khiêm tốn”, ông nói và cho biết thêm, nếu chúng ta có những sản phẩm du lịch như đồ lưu niệm liên quan đến sự kiện thể thao thì lại có cơ hội tiêu thụ.
Ông Hoàng Mộng Long (CLB dù lượn Vietwings) chia sẻ: “Chúng tôi tổ chức sự kiện thể thao Bay trên mùa vàng, cả thung lũng Mù Căng Chải (Yên Bái) vàng rực và lôi kéo du khách. Tuy nhiên từ năm 2013, khi chúng tôi tổ chức những sự kiện đầu tiên, địa phương chưa biết đến mấy. Họ chỉ hình dung nó là địa danh heo hút ở đâu đó. Khi bay những đợt đầu tiên chỉ lác đác xe máy đi chụp ảnh. Nhưng hiện nay, chúng tôi mở bán trong vòng nửa tiếng đã hết suất cho mỗi đợt bay”, ông nói.
Năm 2019, Vietwings có hơn 500 khách trong nước và quốc tế bay trải nghiệm. “Chúng tôi chủ yếu làm quảng bá du lịch cho địa phương, muốn góp phần thay đổi tình hình du lịch và kinh tế cho nhân dân địa phương. Từ khi chúng tôi làm Bay trên mùa vàng, các làng bản xung quanh bán cốm rất chạy. Chúng tôi rất chủ động, không có kinh phí của tỉnh, huyện hỗ trợ. Hiện tại, nếu muốn mở rộng sự kiện, chắc chắn chúng tôi cần công ty du lịch hỗ trợ”, ông Long nói.
Bình luận (0)