|
Gói bột mì ấy được mẹ cất để dành từ cuối mùa mưa năm trước. Thành phẩm nào cũng chứa đựng cả quá trình, với người ở quê để có được mẻ bột theo cách làm thủ công, quả thật là rất cực. Trời đổ mưa già (khoảng tháng 4, 5 âm lịch) là thời điểm cuốc đất dặm khoai mì, độ tháng 9, 10 sẽ có củ mì ăn được. Nhưng muốn dùng khoai mì làm bột thì đợi đến tháng chạp hoặc ra giêng, củ đã già đi, lúc đó mới nhổ lên mài bột phơi trong ngày nắng.
Lúc còn nhỏ tôi có lần hỏi mẹ, nghe người ta nói trong củ mì có độc. Mẹ ngẫm nghĩ rồi đáp, mẹ không rõ chuyện độc hay không độc, chỉ biết khoai mì có mủ. Cách chế biến an toàn của mẹ là: sau khi lột vỏ mì, rửa sạch, mài nhuyễn rồi nhồi với lượng nước vừa đủ, lược bỏ xác. Muốn loại bỏ mủ và cũng để cho bột dẻ mịn hơn, bắt buộc phải lắng nước khoảng ba bốn lần. Sau cùng chắt hết nước ra, còn lại tinh bột, ngắt nhỏ đem phơi khô và để dành được khá lâu.
Làm bột khá công phu, còn khi đổ bánh da lợn thì nhanh, chỉ cần khéo tay một chút. Cắt lá dứa sau vườn đem vào rửa sạch, xay hoặc đâm nhuyễn, thêm ít nước vào vắt lấy chén nước lá dứa, để riêng. Nạo trái dừa khô, vắt nước cốt để riêng; thêm nước ấm vào vắt lấy nước giảo để nhồi bột. Thêm ít nước sôi và lượng đường cát vừa phải vào phần bột này, khuấy đều. Chia bột làm hai, một phần trộn với nước cốt dừa, một phần trộn nước lá dứa. Vậy là đã có hai màu bột - trắng đục của dừa và xanh mát của lá dứa, sẵn sàng với mẻ bánh hấp dẫn thanh tao.
Đốt bếp củi giữa chiều mưa rả rích đã là một sự ấm áp dễ chịu. Tráng một lớp bột nước dừa đầu tiên vào khuôn bên trong nồi hấp, chỉ vài phút đã hít hà được mùi vị beo béo ngọt ngào. Rồi lần lượt một lớp bột lá dứa đẹp mắt, thêm một lớp bột nước dừa, ổ bánh da lợn dày thêm, thành hình. Chỉ còn đợi bánh chín, lấy khuôn ra khỏi nồi, nuốt nước miếng xuýt xoa chờ bánh nguội...
Món bánh da lợn chân quê, mẹ tôi nói rằng tốt nhất ăn hết trong vòng 24 tiếng đồng hồ, không nên để dành trong tủ lạnh, bánh sẽ cứng lên ăn mất ngon. Nhưng chúng tôi nghe chuyện chỉ lõm bõm, tai nọ lọt tai kia và luôn luôn khiến cho mẹ thấy lời khuyên là... thừa, bởi ổ bánh dai dai ngọt ngào sẽ “biến” rất nhanh vào bụng mà đứa nào cũng còn chép miệng thòm thèm. Có đâu ra 24 tiếng!
Nô Ki
>> Cá đuối
>> Chè sương sa hột lựu
>> Ghẹ bãi ngang
>> Canh tập tàng
>> Bún của người Việt
>> Chè bột lọc
>> Câu chuyện của “bún”
>> Mít luộc mắm mè
>> Cơm hến
>> Gỏi cá mai
>> Củ cải ngày đông
>> Món cá rô đồng của mẹ
>> Gỏi cá tào lao
>> Mộc mạc dưa gang muối
>> Mùa lê ki ma xưa...
>> Món rau rừng trộn cả nhớ thương
>> Nhớ cốm dẹp
>> Bánh bó Tết Trung thu
>> Tôm chua Huế
>> Nhớ món lòng già xào nghệ
>> Món ngon từ... củ mì và đá
>> Ngọt ngào dưa đảo
>> Khoái khẩu với món nhãn lồng sen
>> Nồi cá kho của mẹ
Bình luận (0)