Phát biểu ít hơn nhưng truyền cảm hứng hơn
Nguyễn Tuấn Kiệt, học sinh (HS) lớp 11A15 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM, cho biết khi nhắc tới ngày khai trường em không có quá nhiều ấn tượng, hay sự hồi hộp mong chờ, bởi kịch bản năm nào cũng là chờ đợi khách mời tới, rồi tới các nghi thức phát biểu, văn nghệ truyền thống...
Kiệt nói: “Bình thường các năm, lễ khai giảng khá dài, nhưng khá khô khan. Các bài phát biểu được viết trên giấy năm nào cũng na ná nhau. Em mong muốn lễ khai giảng ít bài phát biểu của các đại biểu hơn, mọi người có thể nói ngắn gọn hơn, nhưng truyền cảm hứng. Có thể chính là những HS xuất sắc các năm học trước, bây giờ quay trở về trường cũ, nói chuyện với các HS mới sẽ rất thú vị”.
Cùng mong đợi này, Nguyễn Kim Nguyên, HS lớp 12 Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM, cho hay em mong lễ khai giảng vừa không quá dài, vẫn đầy đủ nội dung để các học trò không cảm thấy quá mệt mỏi.
Ngô Đình Đình, lớp 11A15 Trường THPT Lương Văn Can, thì cho hay nghi thức đánh trống khai trường là một nghi thức rất đặc biệt, khiến mỗi học trò đều cảm thấy nao nức khi một năm học mới chính thức bắt đầu. Do đó, Đình Đình cho biết lễ khai giảng mong đợi là có thể giảm bớt thời lượng các bài phát biểu, tăng thêm các tiết mục văn nghệ để khiến HS chú ý, sau đó tới phần đánh trống khai trường.
“Giá như có Sơn Tùng M-TP trong ngày khai giảng”
Nguyễn Anh Nhật Tú và Nguyễn Lư Hồng Ân, lớp 9/6, Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM, chia sẻ các lễ khai giảng thường “rập khuôn” theo đúng kịch bản dài lê thê vài tiếng đồng hồ, nhưng không cho HS cảm thấy đó là lễ khai giảng thật sự dành cho các em.
Nguyễn Lư Hồng Ân trao đổi: “Giá như những phần biểu diễn văn nghệ trong lễ khai giảng trẻ trung hơn, hiện đại hơn, bắt nhịp đúng xu thế của giới trẻ hơn như các phần hát, nhảy hiện đại của Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi… Sau các phần biểu diễn đó, chính các ngôi sao này cũng chia sẻ với các học trò những ngày khai trường của họ, cách họ học tập ra sao, chinh phục những giấc mơ như thế nào… em nghĩ là sẽ truyền cảm hứng rất nhiều cho các HS. Những thần tượng của giới trẻ, hơn ai hết sẽ là những người cho người trẻ động lực học tập, khao khát chinh phục mục tiêu hơn bao giờ hết”.
Một buổi đi cắm trại trước ngày khai giảng ?
Còn Trần Yến Nhi, Trường THPT Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, Bình Dương, cho hay mong đợi của em về ngày khai giảng ngắn gọn và bảo vệ môi trường: “Năm nay trường của em và nhiều trường khác cũng sẽ không thả bóng bay ngày khai giảng, nhưng em cũng mong muốn mọi người không dùng ly nhựa, các đồ nhựa một lần, biết phân loại rác khi vào trường học”.
Nhi cho hay em biết nhiều trường có những hoạt động như tổ chức cho HS trong trường đi cắm trại, chơi các trò chơi tập thể (team building) để có thể lắng nghe nhiều hơn những nguyện vọng của HS trong năm học.
Nhi nói: “Sẽ thật tuyệt vời nếu trường nào cũng có thể có những hoạt động gắn kết HS trước năm học mới như vậy, để khoảng cách thầy - trò gần gũi hơn, và sẽ có nhiều hơn những ý tưởng hay trong cả năm học, chứ không chỉ riêng về ngày khai giảng”.
Ý kiếnKhông nên rườm rà khiến học sinh dễ chán
Những nội dung thuộc nghi lễ thì cần phải đảm bảo nghiêm túc thực hiện còn lại nhà trường nên tổ chức ngày khai giảng lấy HS là trung tâm. Các hoạt động phải thiết thực, không nên rườm rà khiến HS thấy chán, chỉ mong được nghỉ ở nhà.
Nguyễn Thị Hải (Giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM)
Các hoạt động cần quan tâm đến tâm lý của học sinh
Ngày khai giảng mang ý nghĩa mở đầu cho một năm học mới, có giá trị tinh thần cho dù các em đã tựu trường trước đó. Vì vậy, các hoạt động diễn ra trong ngày khai giảng cần có sự quan tâm đến tâm lý của HS. Hãy xây dựng nội dung có tinh thần khích lệ, tạo sự hứng khởi để các em thấy việc học tập và rèn luyện ở nhà trường là việc làm có ý nghĩa với bản thân. Từ đó, tạo động lực học tập, cố gắng phấn đấu noi theo những tấm gương học tập của các anh chị đi trước.
Ngô Văn Hội (Hiệu phó Trường THPT Cần Thạnh, H.Cần Giờ TP.HCM)
Nên tổ chức như một ngày hội giới thiệu trường
Cảm nhận ngày khai giảng ngắn quá, tổ chức xong rồi học ngay thì HS không cảm nhận được ý nghĩa khai giảng là bắt đầu một năm học, bắt đầu một hành trình học hỏi, kiếm tìm tri thức mới để mà trân trọng. Thiết nghĩ ngày khai giảng nên tổ chức thành một hoạt động giáo dục, tổ chức như một ngày hội giới thiệu trường, giao lưu văn nghệ, ngày hội đọc sách, gian hàng các hoạt động giáo dục của từng môn học, giới thiệu các câu lạc bộ sẽ thú vị hơn rất nhiều.
Thiều Quang Thịnh (Giáo viên Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM)
Đừng đọc quá nhiều văn bản
Chúng em học được 2 tuần rồi nhưng nay mới chuẩn bị khai giảng năm học mới. Ngày khai giảng không còn khiến em và các bạn hồi hộp, háo hức quay lại trường sau thời gian nghỉ hè như ngày tựu trường mới đây. Em mong nhà trường đừng cho HS ngồi dưới trời nắng trong thời gian dài, nghe đọc nhiều văn bản và nghe nhiều phát biểu nữa.
Huỳnh Mai Trang (Học sinh lớp 5 một trường tiểu học tại Q.1, TP.HCM)
Bích Thanh (ghi)
|
Bình luận (0)