Một năm xung đột Nga-Ukraine: Những mốc đáng nhớ

Một năm xung đột Nga-Ukraine: Những mốc đáng nhớ

24/02/2023 20:20 GMT+7

Bùng nổ từ ngày 24.2.2022, cuộc xung đột Nga-Ukraine đến nay đã làm hàng vạn người thiệt mạng, buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, biến nhiều thành phố thành đống đổ nát và làm dấy lên lo ngại chiến sự có thể chuyển thành một cuộc xung đột mở giữa Nga và NATO.

Hãy cùng Thanh Niên nhìn lại một số các sự kiện chính của xung đột Nga-Ukraine đã xảy ra trong năm qua.

2022

Ngày 24.2, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến sự ở Ukraine từ phía bắc, đông và nam. Ông nói rằng "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm mục đích "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" đất nước để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga, ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO và giữ nước này trong "phạm vi ảnh hưởng" của Nga.

Ukraine và phương Tây cho rằng đó là hành động tấn công vô cớ chống lại một quốc gia có chủ quyền.

Nhìn lại các mốc thời gian 1 năm xung đột Nga-Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymy Zelensky cùng các quan chức chính phủ khác đứng bên ngoài trụ sở chính phủ ở Kyiv (Ukraine), ngày 25.2.2022

GETTY IMAGES

Quân đội Nga nhanh chóng tiến đến vùng ngoại ô Kyiv, nhưng nỗ lực kiểm soát thủ đô và các thành phố khác ở miền đông bắc của Nga vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát video ông đứng bên ngoài trụ sở chính phủ, khẳng định mình sẽ ở lại và tiếp tục nắm quyền.

Sau khi Nga rút khỏi Kyiv, chính quyền Ukraine nói đã phát hiện hàng trăm thi thể thường dân trong những ngôi mộ tập thể hoặc bị bỏ lại trên đường phố của thị trấn Bucha.

Nga bác bỏ cáo buộc tấn công thường dân và nói Ukraine đang ngụy tạo hình ảnh.

Những trận chiến dữ dội diễn ra ở thành phố Mariupol trên biển Azov, và các cuộc không kích và pháo kích của Nga đã biến phần lớn thành phố này thành đống đổ nát.

Đến ngày 13.4, tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm của Hạm đội biển Đen Nga, bị đắm. Nga nói tàu chìm do một vụ nổ đạn, nhưng Ukraine và phương Tây khẳng định đã bắn tên lửa gây chìm tàu.

Nhiều vũ khí phương Tây được đưa vào Ukraine, bao gồm cả Hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 do Mỹ cung cấp.

Vào ngày 30.6, quân đội Nga rút khỏi đảo Rắn - nằm cách thành phố Odessa khoảng 140km, nơi Nga đã tiếp cận và kiểm soát ngay từ đầu cuộc xung đột.

Ngày 6.9, các lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc phản công bất ngờ ở khu vực đông bắc Kharkiv, nhanh chóng buộc Nga phải rút lui khỏi các khu vực rộng lớn.

Nhìn lại các mốc thời gian 1 năm xung đột Nga-Ukraine - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và thống đốc các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia tại buổi lễ tuyên bố sáp nhập bốn vùng lãnh thổ, ở Moscow (Nga), ngày 30.9.2022

REUTERS

Vào ngày 21.9, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh động viên một phần, huy động 300.000 quân dự bị. Đồng thời, Nga tổ chức các cuộc "trưng cầu dân ý" bất hợp pháp ở các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine. Các cuộc bỏ phiếu bị Ukraine và phương Tây coi là "giả tạo".

Đến ngày 30.9, trong một buổi lễ long trọng tổ chức ở Điện Kremlin, nhà lãnh đạo Nga đã ký các văn bản sáp nhập 4 khu vực này.

Vào ngày 8.10, một chiếc xe tải chở đầy chất nổ đã nổ tung trên cầu Kerch - nối Crimea với lục địa Nga, trong một cuộc tấn công mà phía Nga đã quy trách nhiệm cho Ukraine. Nga đáp trả bằng các cuộc tấn công tên lửa vào các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Ukraine.

Sau đợt tấn công đầu tiên vào ngày 10.10, các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra thường xuyên trong những tháng tiếp theo, dẫn đến mất điện trên toàn quốc.

Vào ngày 9.11, Nga tuyên bố rút lui khỏi thành phố Kherson đang bị Ukraine phản công, từ bỏ thủ phủ vùng duy nhất mà Moscow kiểm soát được.

Vào ngày 21.12, Tổng thống Zelensky đến thăm Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát. Tại đây, ông hội kiến Tổng thống Joe Biden và phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

2023

Nhìn lại các mốc thời gian 1 năm xung đột Nga-Ukraine - Ảnh 3.

Một quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn xe tăng độc lập số 17 lái xe tăng T-64 gần thị trấn tiền tuyến Bakhmut, vùng Donetsk (Ukraine), ngày 23.2.2023

REUTERS

Sau nhiều tháng giao tranh dữ dội, Nga tuyên bố chiếm được thị trấn Soledar vào ngày 12.1. Moscow cũng đẩy mạnh cuộc tấn công để chiếm thành trì Bakhmut của Ukraine.

Các nước phương Tây đồng ý cung cấp cho Ukraine các loại xe tăng hiện đại như Leopard 2, M1 Abrams bên cạnh các đợt viện trợ khác, củng cố năng lực chiến đấu của Ukraine trước Nga.

Ngày 20.2, Tổng thống Biden có chuyến thăm bất ngờ đến Kyiv, cam kết cung cấp thêm đạn dược cho nước này.

Tổng thống Putin trong ngày 21.2 đã có bài phát biểu thường niên trước quốc hội Nga, trong đó nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục cuộc chiến, đồng thời thông báo đình chỉ tham gia hiệp ước New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng của Moscow với Washington.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.