Chú trọng tăng chi cho giáo dục nên chi đầu tư phát triển còn rất ít
Trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện tài chính ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, mặc dù ước thu ngân sách nhà nước năm 2019 là năm thứ 4 vượt dự toán, song còn chưa chắc chắn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách chỉ đạt 20,2% GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21% GDP. Ngoài ra, thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán.
“Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu ngân sách nhà nước ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế”, ông Hải nhấn mạnh.
Về chi ngân sách, theo ông Hải, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Cụ thể, ông Hải cho biết, tại một số địa phương, tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng giảm chậm; vẫn còn nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách. Vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm.
Một vấn đề được ông Hải nhấn mạnh là tỷ lệ chi ngân sách “cứng hóa” cho một số lĩnh vực như giáo dục - đào tạo và khoa học, công nghệ… Ông Hải cho hay, một số địa phương tiếp tục gặp bất cập trong việc thực hiện tỷ lệ chi theo nghị quyết của Quốc hội. Có tỉnh đã chú trọng tăng chi giáo dục nên nguồn lực chi đầu tư phát triển còn rất ít.
“Một số tỉnh, thành phố cho rằng tỷ lệ chi 20% cho giáo dục là cao, không chi hết, kiến nghị nên dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Tương tự, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường ở nhiều nơi cũng không bảo đảm tỷ lệ theo quy định”, ông Hải nói và đề nghị Chính phủ có giải pháp phù hợp trong các năm tiếp theo, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chuyển nguồn vốn của sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Quốc hội sẽ quyết định tổng mức biên chế nhà nước từng năm?
Về dự toán ngân sách 2020, ông Hải cho biết, Chính phủ dự kiến chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách T.Ư chiếm 46,7% so với tổng chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, cơ cấu chi này chưa bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách T.Ư theo quy định.
Về chi đầu tư phát triển, Chính phủ dự kiến chi tăng 41.300 tỉ đồng, tăng 9,6% so với dự toán 2019, là mức tăng hợp lý. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, mức tăng 9,6% là thấp so với yêu cầu về nguồn vốn đầu tư khá lớn để hoàn thành các dự án đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 còn dở dang.
Một vấn đề khác cũng được ông Hải lưu ý là đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn cơ chế tự chủ để giảm chi thường xuyên, quyết liệt việc tinh giản biên chế, tiến tới trình Quốc hội quyết định tổng mức biên chế của nhà nước trong năm dự toán. Đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính trong quản lý chi tiêu.
Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng từ 2020
Trình bày về phương án xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ dự kiến bố trí ngân sách để tăng lương cơ sở năm 2020 lên mức 1,6 triệu đồng/tháng.
So với mức hiện tại 1,49 triệu đồng, lương cơ sở sẽ tăng thêm khoảng 110.000 đồng/tháng, tương đương tăng 7%.
Tại báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải khẳng định, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách T.Ư cho cải cách tiền lương.
Bên cạnh đó, theo ông Hải, một số ý kiến đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
|
Bình luận (0)