Điểm chuẩn bằng hay cao hơn điểm sàn?
Trong chương trình tư vấn trực tuyến "Sau khi biết kết quả thi, thí sinh cần làm gì" của Báo Thanh Niên chiều 18.7, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy tân, lưu ý thí sinh cần phân biệt điểm sàn xét tuyển và điểm chuẩn.
"Điểm sàn xét tuyển là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà các trường quy định cho các ngành học. Riêng đối với khối ngành sức khỏe và sư phạm, Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn này. Trong khi điểm chuẩn hay điểm chuẩn trúng tuyển, là mức điểm các trường xác định sau khi thí sinh đã kết thúc đăng ký nguyện vọng, căn cứ vào chỉ tiêu và phổ điểm thí sinh nộp vào, lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu", tiến sĩ Hải cho biết.
Theo tiến sĩ Hải, có nhiều ngành điểm chuẩn chỉ ở mức điểm sàn hoặc cao hơn một chút, nhưng cũng có nhiều ngành điểm chuẩn cao hơn điểm sàn rất nhiều.
"Các em đừng nghĩ điểm sàn thấp mà điểm chuẩn sẽ thấp. Vì thế, cần cân nhắc thật kỹ trước khi đăng ký xét tuyển, xem mức điểm của mình có phù hợp hay không", tiến sĩ Hải lưu ý.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng khuyên thí sinh cần thật sự tỉnh táo khi xét tuyển và cần tham khảo điểm chuẩn của những năm trước ở ngành và trường mình mong muốn học.
"Nếu điểm thi cao so với điểm chuẩn năm trước thì các em sẽ có cơ hội đậu cao", thạc sĩ Trị nhìn nhận.
Ngành nghề tương đồng nhau, nên lựa chọn thế nào?
Theo dõi chương trình, bạn đọc Quang Vinh thắc mắc: "Em thấy Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM có các ngành hơi na ná nhau là kinh doanh quốc tế, kinh tế quốc tế, kinh doanh thương mại và tài chính quốc tế. Trong đó ngành nào đòi hỏi tiếng Anh cao hơn? Em đạt 21 điểm khối D thì nên sắp xếp các nguyện vọng thế nào để đậu một trong 4 ngành trên?".
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cho biết ngành kinh tế quốc tế có các kiến thức về giao dịch mua bán, trao đổi giữa các quốc gia với nhau, trong khi đó kinh doanh quốc tế học tổng quan về kinh doanh, chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia, kinh doanh xuất nhập khẩu…
"Cả 4 ngành này của trường đều đã có điểm sàn, kinh tế quốc tế 16 điểm, kinh doanh quốc tế 19 điểm, kinh doanh thương mại và tài chính quốc tế là 17 điểm. Em yêu thích ngành nào nhất thì đặt làm ưu tiên đầu. Điểm của em trên mức điểm sàn nhiều nên cơ hội trúng tuyển rất cao. Và 4 ngành đều là giao thương quốc tế nên cần khả năng ngoại ngữ tốt", thạc sĩ Thạch thông tin.
Thí sinh Mai Thu Sương (Q.3, TP.HCM) lại quan tâm đến ngành quan hệ quốc tế khi đạt 21 điểm khối D. Thạc sĩ Trương Quang Trị, chia sẻ đây là ngành đa lĩnh vực, tổng hợp các kiến thức về kinh tế, văn hóa, luật, chính trị…
"Học xong các em có thể làm ở đại sứ quán, lãnh sự quán, hoặc làm nhân viên tổ chức sự kiện, truyền thông, tư vấn ngoại giao cho doanh nghiệp đa quốc gia… Với 21 điểm, em có cơ hội đậu cao vào ngành này tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành", thạc sĩ Trị cho hay.
Điểm chuẩn ĐH khối khoa học tự nhiên ngành nào tăng, ngành nào giảm
Trong khi đó, Ngô Thị Thủy, thí sinh tại TP.HCM, muốn phân biệt sự khác nhau giữa ngành digital marketing với ngành marketing. Được biết, thí sinh này đã đậu ngành marketing bằng phương thức xét học bạ nhưng muốn xét tuyển thêm ngành digital marketing bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thầy Tô Ngọc Hoàng Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, giải đáp: "Ngành digital marketing trang bị kiến thức về cách sử dụng công nghệ để đưa sản phẩm của doanh nghiệp quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, còn ngành markting phổ nghề rộng hơn, nội dung học nhiều hơn, cung cấp kiến thức kỹ năng về kinh doanh và chuyên sâu về tiếp thị như chiến lược marketing, xây dựng các chính sách khuyến mãi, kế hoạch truyền thông, nghiên cứu hành vi khách hàng…".
Bình luận (0)